Năm 1955, dân chơi Sài Gòn vui mừng khi thấy ở số 88 đường Nguyễn Thiệp (nay là Ngô Đức Kế), quận 1 xuất hiện một gã thanh niên có mái tóc bồng bềnh ngồi ôm thùng gỗ ghi dòng chữ "chuyên sửa hộp quẹt Dupont". Thời đó, chỉ có giới quí tộc sành điệu mới chơi hộp quẹt Dupont. Giá một chiếc không dưới 1 cây vàng ròng nên những thợ sửa hộp quẹt thông thường không dại dột cạy phá thử sửa.

‘Vua Dupont’ Sài Gòn và những chiếc bật lửa sành điệu

Một Thế Giới | 02/03/2015, 08:05

Năm 1955, dân chơi Sài Gòn vui mừng khi thấy ở số 88 đường Nguyễn Thiệp (nay là Ngô Đức Kế), quận 1 xuất hiện một gã thanh niên có mái tóc bồng bềnh ngồi ôm thùng gỗ ghi dòng chữ "chuyên sửa hộp quẹt Dupont". Thời đó, chỉ có giới quí tộc sành điệu mới chơi hộp quẹt Dupont. Giá một chiếc không dưới 1 cây vàng ròng nên những thợ sửa hộp quẹt thông thường không dại dột cạy phá thử sửa.

Gã thanh niên "dám" sửa loại hộp quẹt quý tộc ấy được giới dân chơi gọi là Paul Sáng, tên khai sinh là Phạm Văn Sáng. Năm nay ông đã 80 tuổi.

Dân chơi thứ thiệt

Hồi ca sĩ Duy Khánh còn sống, thỉnh thoảng vẫn kể với bạn bè về những ký ức Sài Gòn xưa cũ. Trong mớ ký ức ấy, không ít lần ông nhắc về cái tên Paul Sáng - Dupont.

Ngày nay, chiếc tủ sửa hộp quẹt của Paul Sáng vẫn còn hiện diện trên con đường Ngô Đức Kế - suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ông Phạm Thần Phong, con trai ông Paul Sáng kế nghiệp cha, tiếp tục sửa hộp quẹt cho dân chơi sành điệu. Ông Phong cho biết cha mình vẫn còn sống nhưng sức khỏe yếu và trí nhớ giảm sút rất nhiều.
‘Vua Dupont’ Sai thanh va nhung chiec bat lua sanh dieu-hinh-anh-1
Chiếc tủ sửa hộp quẹt của Paul Sáng và người nối nghiệp là ông Phạm Thần Phong. 
Ông Phong đón chúng tôi tại ngôi nhà nhỏ cuối con hẻm 177, đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM.

Paul Sáng không còn minh mẫn nhưng rất vui khi chúng tôi gợi về những ngày hoàng kim của ông. Ông háo hức kể về những mẩu ký ức không đầu đuôi, chúng tôi góp nhặt kết nối lại: "Dân chơi sành điệu Sài Gòn không chú trọng nhiều đến "bộ mã" (tiếng lóng: Dáng vẻ hào nhoáng bên ngoài).

 Có khi họ ra đường với bộ trang phục lèm xèm, phong trần bụi bặm, chạy chiếc xe cũ xì, xài những món "phụ kiện kèm người" xưa cũ để tăng thêm dáng vẻ... không tiền. Người ngoại giới nhìn một dân chơi thứ thiệt dễ nhầm tưởng đó là một kẻ không đáng 3 xu.

Tuy nhiên, một món "phụ kiện" của họ quăng ra có khi được chào bán với giá cao hơn một chiếc xe hơi thượng lưu. Một trong những món "phụ kiện" để thể hiện đẳng cấp của họ là hộp quẹt. Và Dupont được đánh giá là quý tộc nhất trong tất cả các loại hộp quẹt sành điệu".

Tuy gia đình không giàu có nhưng mang tính cách Hà Đông, thuở thiếu niên ông chỉ thích làm thơ đăng báo và rong chơi, giao du với bạn văn nghệ sĩ. Ông có một số bài thơ được xuất hiện trên báo Thần Phong, Tiếng Chuông. Năm 19 tuổi, ông mới nhận ra cần phải có một cái nghề kiếm cơm. Vốn lười nhác, ông không thích học những nghề nặng nhọc.

Một hôm, một người trong nhóm bạn thuộc hạng công tử cho ông chiếc hộp quẹt Drago (tiền thân của hộp quẹt Dupont) bị lệch cò lửa, không sử dụng được nữa. Người này bảo, loại hộp quẹt này rất đắt tiền nhưng không có chỗ sửa chữa, khi hư hỏng không còn giá trị. Người bạn khuyên ông nên nghiên cứu rồi mở điểm sửa chữa để kiếm cơm.

Sau một tháng ròng nghiên cứu, ông "bắt mạch" được nguyên lý hoạt động của loại hộp quẹt này. Sau khi sửa chữa xong, ông bán chiếc Drago được hơn 1 cây vàng. Ông dùng tiền đó mua dụng cụ sửa chữa chuyên nghiệp rồi thuê vỉa hè ở số 88, Nguyễn Thiệp để hành nghề.

Khều đúng vào nhu cầu của dân chơi hộp quẹt, quầy sửa chữa của ông luôn luôn đông khách.

Năm 1957, Paul Sáng bước vào tuổi 21 và có nguy cơ bị bắt quân dịch. Để cứu mình, ông đã tìm đến nhà một viên sĩ quan cảnh sát cao cấp tặng chiếc hộp quẹt Dupont. Nhờ chiếc hộp quẹt đó, ông được thu xếp một chân lao công tạp dịch ở Nha Cảnh sát Đô thành (cách gọi Sở Cảnh sát Sài Gòn thời đó).

 Mỗi ngày, ông đến Nha Cảnh sát lúc 5 giờ sáng, lau dọn cho đến 7 giờ rồi đường hoàng đến số 88, Nguyễn Thiệp hành nghề sửa hộp quẹt Dupont trong bộ... cảnh phục. Vừa sửa chữa vừa thu mua rồi bán lại những chiếc hộp quẹt "quý tộc" giá khủng, thu nhập đủ để ông thường xuyên la cà vào các hộp đêm cùng nhóm bạn vương giả. Dù ăn chơi, ông vẫn tích cóp được hàng trăm cây vàng.

Những năm lính Mỹ đổ bộ ào ạt vào miền Nam, hộp quẹt Zippo cũng ào ạt vào theo. Nghề sửa hộp quẹt càng thêm thịnh. Một thương gia người Nhật bắt mánh với ông "sản xuất" hộp quẹt Zippo. Thương gia người Nhật này bỏ vốn thu mua hộp quẹt Zippo của lính Mỹ rồi giao cho ông cắt ngắn lại thành loại Zippo "lùn" rồi xuất khẩu sang Nhật. Thời đó, người Nhật thích những vật dụng tiện ích nhỏ, xinh. Ông Paul Sáng trở thành kẻ giàu "ngầm".

Kể về những thành công trong đời mình, ông lão Paul Sáng 80 tuổi khề khà cười: "Tôi được kết bạn với ca sĩ Chế Linh và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác; Là người đầu tiên biết sửa chữa hộp quẹt Dupont ở Sài Gòn; có 10 người con với 2 vợ; vợ lớn, vợ nhỏ là 2 chị em ruột, sống chung nhà hòa thuận; Đóng vai phụ trong một số phim trước năm 1975; nói chuẩn tiếng Anh, tiếng Pháp và hiện nay được hưởng chế độ trợ cấp có công với cách mạng".

Vốn là người quét dọn hằng ngày ở Tổng nha Cảnh sát Đô thành và là thợ sửa hộp quẹt Dupont cho nhiều vị tướng tá chế độ Việt Nam Cộng hòa, ông Paul Sáng đã cung cấp cho lực lượng biệt động thành nhiều tin tức có giá trị. Ông được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Kháng chiến hạng Ba trong kháng chiến chống Pháp và trong kháng chiến chống Mỹ.

Ông nói: "Cuộc đời tôi vinh sang nhờ biết sửa chữa loại hộp quẹt vinh sang nhất trong thế giới hộp quẹt".

Dupont – Hộp quẹt quý tộc

Ông Paul Sáng khuyên chúng tôi muốn tìm hiểu vì sao ông gọi hộp quẹt Dupont là "hộp quẹt vinh sang nhất" nên tìm gặp Hùng "Kim Thịnh" - Người có bộ sưu tập hộp quẹt thuộc dạng "khủng" trong giới chơi hộp quẹt tại TP HCM.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Hùng "Kim Thịnh" ở gần chợ Phú Nhuận. Quả thật, ông Hùng sở hữu hàng trăm chiếc hộp quẹt Dupont đủ kiểu dáng. Trong đó có cả những chiếc hộp quẹt có chữ ký tặng của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu.
‘Vua Dupont’ Sai thanh va nhung chiec bat lua sanh dieu-hinh-anh-2
Chiếc Dupont "Ngô Đình Diệm". 
Ông Hùng cho biết, Dupont được giới sành điệu đánh giá là quý tộc vì thuở sơ khai, Hãng Dupont chỉ sản xuất cho giới tướng lĩnh Pháp.

Theo các tài liệu của Hãng Dupont công bố thì người sáng lập hãng là Simon Tissot Dupont (1847 - 1900) vào năm 1872.

Simon Tissot Dupont là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, từng được Hoàng gia Pháp mời vào cung điện chụp hình cho Hoàng đế Louis Napoleon đệ tam - vị Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Pháp. Nhờ thường xuyên giao tiếp với giới hoàng tộc, Simon Tissot Dupont nắm bắt được nhu cầu sử dụng các phụ kiện đời sống cao cấp của giới quý tộc.

Ông chuyển sang sản xuất những sản phẩm da tinh xảo như bóp, ví da cho giới quý tộc. Biết được thói ganh tị của các công nương quý tộc, Simon Tissot Dupont sản xuất số lượng có giới hạn. Sản phẩm của ông được giới quý tộc đón nhận ngay. Nối tiếp thành công của Simon Tissot Dupont, vào năm 1941 con trai là Lucien Tissot Dupont và Andre Tissot Dupont cho xuất xưởng 100 chiếc hộp quẹt bọc vàng có tên gọi là Drago. Để hoàn tất 100 chiếc hộp quẹt này, 120 thợ thủ công của anh em nhà Dupont phải mất đến 3 năm chế tác.

Những chiếc hộp quẹt này chỉ dành cấp cho các tướng lĩnh và sĩ quan cấp tá thực dân Pháp tại Đông Dương. Dòng hộp quẹt này, một mặt chạm khắc biểu tượng con rồng ôm lấy bản đồ Đông Dương, một mặt chạm hình 3 con chuồn. Mỗi chiếc được "lắc kê" 20 miligon vàng. Ông Hùng "Kim Thịnh" đang sở hữu 3 chiếc hộp quẹt loại này. Dân chơi hộp quẹt gọi dòng hộp quẹt này là "Dupont Điện Biên Phủ".

Vì đó là phụ kiện dành cho tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao của quân đội Pháp đang đi viễn chinh nên hộp quẹt Dupont trở thành món hàng vô giá. Nếu không là sĩ quan cao cấp của quân đội Pháp mà sở hữu được chiếc Dupont thì không cần giới thiệu người ta cũng hiểu chủ nhân của nó thuộc giới quý tộc mới được tặng. Chỉ có 200 chiếc nên Dupont cứ chuyền tay từ người này sang người khác. Mỗi lần chuyền tay, giá được nâng lên một nấc. Yếu tố này đã góp phần đẩy Dupont lên thành một thứ mốt thượng đẳng và vô giá.

Chờ cho các thượng đế phát sốt, năm 1952, Dupont tiếp tục tung ra một lô hàng mới. Lần này những chiếc hộp quẹt mang tên chính thức là ST Dupont. Dòng sản phẩm mới này, ngoài việc kế thừa kiểu dáng sang trọng, nó còn xuất hiện thêm một điểm nổi bật là tiếng "chuông ngân" xuất hiện ngay khi bật nắp. Dù không giới hạn số lượng sản xuất nhưng dư âm của dòng sản phẩm cũ và tiếng chuông bật nắp đã khiêu khích máu hãnh tiến của rất nhiều người thừa tiền.

Ngay lập tức, tiếng chuông bật nắp của Dupont “vang” khắp các bàn tiệc của giới thượng lưu, quý tộc. Những danh nhân như họa sĩ Picasso, Warhol, minh tinh điện ảnh Marilyn Monroe, Ailen Delone, Ngô Đình Diệm, Bảo Đại... đều sở hữu một chiếc Dupont.

 Rất nhiều người không hút thuốc vẫn thủ trong túi chiếc "hộp quẹt sang chảnh" để có ai đó vừa gắn điếu thuốc trên môi là móc ra bật nắp tạo tiếng chuông châm lửa. Riêng bà Jackie Kennedy được Ngô Đình Diệm tặng 1 chiếc Dupont có nạm kim cương chữ "J" với giá tương đương 20 cây vàng, được đặt sản xuất một chiếc duy nhất.

Ngoài ra, Ngô Đình Diệm còn đặt hàng cho hãng sản xuất 100 chiếc Dupont, trong đó có 20 chiếc đặc biệt dành tặng các nguyên thủ quốc gia, 80 chiếc dành tặng thưởng thuộc hạ. Tất cả đều có chạm khắc sẵn chữ ký tặng. Đi đâu ông ta cũng để ít nhất 1 chiếc Dupont trong túi áo để tặng, xem như phần thưởng nhanh cho một thuộc hạ vừa lập công xuất sắc.

Ngô Đình Diệm bị thuộc hạ thủ tiêu trong biến cố đảo chính năm 1963, sau khi bắn Diệm chết, việc đầu tiên của sát thủ là lục tìm chiếc Dupont. Sau đó, chiếc hộp quẹt này bị viên tướng Nguyễn Chánh Thi tước đoạt. Trong những năm lưu vong ở nước ngoài, viên tướng thích chửi thề tung tóe này đã bán chiếc Dupont đó cho một thương gia người Nhật.

Sau vài lần sang tay, cuối cùng chiếc Dupont này quay trở về Việt Nam nằm trong bộ sưu tập của một tay sưu tầm đồ cổ ở TP HCM. Vì nhiều lý do, tay sưu tầm này kiên quyết không muốn tiết lộ danh tính. Hiện, chiếc Dupont này được kỳ kèo giá 50 triệu nhưng người sở hữu dứt khoát không bán.

Tiếng chuông Dupont trở thành một âm thanh thể hiện sự giàu có, thành đạt. Trong một nhà hàng, bất giác tiếng chuông Dupont vang lên, chắc chắn ai cũng phải ngoái nhìn người sở hữu.

Sau này, Hãng Dupont đã nhắm vào túi tiền của giới trung lưu đến thượng lưu, chia sản phẩm theo từng gói giá trị từ cao đến thấp. Giá thấp nhất là 200 USD và cao cấp nhất có giá xuất xưởng là 79.000 USD.

Năm 1987, thương hiệu Dickson Poon xuất xứ từ Hồng Kông đã mua quyền sản xuất của xưởng bật lửa ST Dupont và vẫn tiếp tục duy trì sản xuất tại Favergers (Pháp).

Tháng 11-2013, để kỷ niệm ngày xuất xưởng chiếc hộp quẹt đầu tiên thời Louis XIII, Dupont đã chế tác 1 chiếc hộp quẹt duy nhất có tên gọi là Louis XIII Fleur de Parme S.T.Dupont. Parme là công chúa Louis XIII. Chiếc hộp quẹt độc nhất vô nhị này được đính 152 viên đá sapphire và 400 gram vàng ròng.

Trong đó khoảng 40 viên sapphire trên vương miện có trọng lượng đến 13 carats. Ngoài ra có 72 viên sapphire, 27 princess cut và 13 viên cabochon cut trên phần thân và chân đế, tổng cộng 33.6 carats. Tháng 10-2014, Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới (Guinness World Record Organization) công nhận một chiếc Louis XIII Fleur de Parme này đạt kỷ lục "chiếc hộp quẹt đắt nhất thế giới".

Ông Hùng "Kim Thịnh" cho biết, dù Dupont là loại "hộp quẹt sang chảnh" nhưng toàn bộ dân sành điệu TP HCM sưu tầm và sử hữu được ít nhất 1.000 chiếc. Trong số đó có không ít chiếc có giá khoảng 40 triệu đồng. Có những chiếc Dupont xưa, như chiếc Drago Điện Biên Phủ đầu búa, không thể định giá.

Anh Hùng chỉ là một trong số nhiều người sưu tầm Dupont. Ngoài ra, còn có những tên tuổi mê đám Dupont như Hùng "Gò Vấp", Hoàng "Zippo" ở Bình Thạnh, doanh nhân Ph ở quận 7...

Dù có giá và hút hàng, Dupont vẫn không mở cửa hàng chuyên doanh lẫn sửa chữa bảo hành hộp quẹt ở Việt Nam. Muốn mua, dân chơi phải sang tận Pháp.

Vì thế, tiếng chuông của hộp quẹt Dupont vẫn là âm thanh của những kẻ thừa tiền.

Nông Huyền Sơn (CAND)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Vua Dupont’ Sài Gòn và những chiếc bật lửa sành điệu