Về vụ án Xuyên Việt Oil, Mai Thị Hồng Hạnh và đồng bọn đã dùng tiền từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu và thuế bảo vệ môi trường cho kinh doanh lẫn cá nhân, một phần để thiết lập mối quan hệ và đưa hối lộ.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6.7, đại diện Bộ Công an đã trả lời báo chí về diễn biến điều tra các vụ án liên quan đến lĩnh vực điện, xăng, dầu; các vụ án Phúc Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và gần đây là vụ án khởi tố bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Yên, cựu Phó trưởng ban Nội chính Trung ương.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết đối với vụ liên quan Phúc Sơn, Công ty cổ phần tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Văn Yên đã được cơ quan công an tập trung điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật, khi có kết quả cụ thể sẽ cung cấp cho các cơ quan báo chí.
Đối với vụ việc quản lý gây thất thoát, lãng phí, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan tổ chức liên quan, đến nay Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 14 bị can theo 5 nhóm tội danh nêu trên.
Trong quá trình điều tra, xác định có 2 nội dung chính: Thứ nhất, các đối tượng đã lợi dụng chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thuế, ngân hàng để được cấp và gia hạn giấy phép kinh doanh xăng dầu khi không đủ điều kiện theo quy định.
Thứ hai, bị can Mai Thị Hồng Hạnh và đồng bọn đã sử dụng trái phép tiền từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu và tiền thuế bảo vệ môi trường để sử dụng vào các hoạt động kinh doanh, sử dụng cá nhân. Ngoài ra, Hạnh còn sử dụng một phần để thiết lập mối quan hệ và đưa hối lộ.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án, làm rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật; tiếp tục xác minh, phong tỏa, kê biên tài sản của các đối tượng liên quan để đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời về vấn đề tiền lương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết triển khai Nghị quyết 27, theo lộ trình Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và các cấp có thẩm quyền thông qua kết luận 83, cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 142 thống nhất từ ngày 1.7.2024 điều chỉnh tăng mức lương cơ sở.
Lộ trình triển khai Nghị quyết 27 đã được Chính phủ chuẩn bị ngay từ năm 2019. Sau khi Bộ Chính trị, Quốc hội thống nhất điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2024, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30.6.2024.
Theo đó, khoản 1 điều 6 Nghị định 73 quy định là các cơ quan đơn vị, người hưởng lương, phụ cấp được áp dụng mức lương cơ sở, cũng như cán bộ công chức sẽ được chi trả tiền lương, phụ cấp ngay từ ngày 1.7.2024. Nội dung này đã được Chính phủ giao cụ thể cho các bộ tại Nghị định 73.
Đối với các nhóm đối tượng được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã đồng thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30.6.2024.
Theo đó, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng tăng 15% theo Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, áp dụng từ ngày 1.7.2024.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội bắt đầu hưởng từ tháng 6.2024, đối với người đang hưởng lương hưu và nhóm đối tượng đang hưởng lương hưu trước năm 1975 điều chỉnh mà có mức trợ cấp thấp hơn 3,2 triệu đồng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng và có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng đến dưới 3,5 triệu đồng thì điều chỉnh lên 3,5 triệu đồng/tháng.
Tất cả các mức này, tại khoản 1 điều 5 Nghị định 75/2024/NĐ-CP cũng quy định là có hiệu lực từ ngày 1.7 nên tất cả các đối tượng này đều được tính thụ hưởng từ ngày 1.7.2024.