Molnupiravir, một loại thuốc kháng virus được phát triển bởi hãng dược phẩm Merck & Co., được kỳ vọng là một nhân tố thay đổi trong trận chiến chống lại đại dịch Covid-19.

Vũ khí mới chống COVID-19: Thuốc Molnupiravir

Mai Trang/VOV (dịch từ Blooberg) | 06/10/2021, 12:39

Molnupiravir, một loại thuốc kháng virus được phát triển bởi hãng dược phẩm Merck & Co., được kỳ vọng là một nhân tố thay đổi trong trận chiến chống lại đại dịch Covid-19.

Kết quả thử nghiệm ở người trưởng thành mắc bệnh nhẹ đến trung bình cho thấy, thuốc Molnupiravir làm giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do COVID-19.

Lời cam kết về một loại thuốc giúp bệnh nhân có thể dễ dàng mua và dùng tại nhà đã khiến một số quốc gia đặt hàng mua thuốc ngay cả trước khi các cơ quan quản lý đưa ra quyết định có chấp nhận sử dụng nó hay không.

Thuốc Molnupiravir là gì?

Molnupiravir là tên hóa học của một loại thuốc dạng viên nang, ban đầu được phát triển để điều trị bệnh cúm bằng cách uống. Molnupiravir ức chế sự sao chép của SARS-CoV-2 trong tế bào con người. Nói cách khác, Molnupiravir khiến bộ máy tái tạo chất liệu di truyền của vi rút buộc phải tạo ra thật nhiều lỗi sai để vi rút không thể nhân lên.

Thuốc Molnupiravir được sáng chế tại Đại học Emory ở Atlanta (Mỹ) và đang được phát triển bởi hãng dược Merck có trụ trở chính tại Kenilworth, New Jersey và Ridgeback Biotherapeutics LP có trụ sở tại Miami.

Hiệu quả của thuốc Molnupiravir

Trong một tuyên bố hôm 1.10, Merck cho biết, phân tích dữ liệu tạm thời từ một thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy thuốc Molnupiravir làm giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện do COVID-19.

Trong số 385 bệnh nhân Covid-19 sử dụng thuốc, có 28 người (chiếm 7,3%) phải nhập viện, so với 53 người (chiếm 14,1%) trong số 377 bệnh nhân dùng giả dược. Sau 29 ngày, không có ca tử vong nào được ghi nhận ở những bệnh nhân dùng Molnupiravir, trong khi có 8 người trong nhóm dùng giả dược tử vong.  

Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này tương đối nhỏ và cần phải có những nghiên cứu sâu rộng hơn về hiệu quả của thuốc Molnupiravir. Mặc dù vậy, thử nghiệm ban đầu với kết quả khả quan đã khuyến khích Merck và Ridgeback, với sự tham vấn của các nhà giám sát thử nghiệm độc lập và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), tạm dừng thử nghiệm và bắt đầu quá trình xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc này.

Tại một hội nghị vào tháng 9, công ty Merck cho biết, nghiên cứu ban đầu cho thấy Molnupiravir có thể ngăn chặn các biến thể của SARS-CoV-2 như Delta và Gamma.

Sự khác biệt so với các loại thuốc khác

Thuốc Remdesivir kháng virus của công ty Gilead Sciences – phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng, được sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch. Việc sử dụng Remdesivir thường được thực hiện tại bệnh viện hoặc phòng khám, nơi những người mắc bệnh có thể lây nhiễm vi rút cho nhân viên y tế và những người khác.

Ưu điểm chính của Molnupiravir là được dùng dưới dạng viên uống, cho phép bệnh nhân có thể sử dụng tại nhà. Molnupiravir cũng có giá thành rẻ hơn. Theo NY Times, một liệu trình Molnupiravir kéo dài 5 ngày sẽ có giá khoảng 700 USD cho mỗi bệnh nhân, bằng 1/3 chi phí điều trị bằng kháng thể đơn dòng.

Các nhà khoa học cho rằng, loại thuốc kháng virus an toàn, có khả năng dung nạp tốt, giá cả phải chăng và dễ sử dụng là phương pháp điều trị lý tưởng vì chúng trực tiếp chống lại virus, hạn chế tác hại của virus đối với cơ thể và rút ngắn thời gian mắc bệnh.

Molnupiravir được sử dụng như thế nào?

Người mắc COVID-19 từ mức độ nhẹ đến trung bình sẽ uống Molnupiravir 12 giờ/lần trong 5 ngày. Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất đối với Molnupiravir.

Một nghiên cứu thực hiện vào đầu năm nay cho thấy, Molnupiravir có rất ít tác dụng đối với những bệnh nhân nhập viện do bệnh nặng. Một nghiên cứu đang kiểm tra xem liệu loại thuốc này có thể được sử dụng để ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan trong các hộ gia đình có một hoặc nhiều thành viên mắc COVID-19 hay không.

Tác dụng phụ của Molnupiravir

Các phân tích tạm thời chỉ ra rằng tỷ lệ tác dụng phụ của thuốc Molnupiravir không gia tăng. Chỉ 1,3% số người tham gia sử dụng thử nghiệm Molnupiravir bỏ liệu trình do tác dụng phụ, so với 3,4% ở nhóm dùng giả dược.

Tuy nhiên, Molnupiravir sẽ cần được đánh giá và thử nghiệm trên một nhóm bệnh nhân lớn hơn nhiều để xác định chính xác mức độ an toàn.

Nguồn cung thuốc Molnupiravir

Merck dự kiến sẽ sản xuất 10 triệu liệu trình điều trị cho tới cuối năm 2021 và tiếp tục sản xuất nhiều hơn vào năm 2022.  

Vào tháng 6, hãng dược Merck đã đồng ý một thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD với chính phủ Mỹ, theo đó họ sẽ cung cấp 1,7 triệu liệu trình điều trị sau khi thuốc Molnupiravir được FDA chấp thuận hoặc cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Merck cũng có các giao dịch với các nước khác trong khi chờ sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Úc đã đặt hàng 300.000 liều Molnupiravir. Merck cho biết, họ sẽ thực hiện phương pháp định giá thuốc theo từng cấp dựa trên tiêu chí thu nhập quốc gia của Ngân hàng Thế giới để phản ánh khả năng tương đối của các quốc gia trong việc tài trợ cho y tế trong đại dịch.

Vào tháng 4, nhà sản xuất Merck đã công bố các thỏa thuận cấp phép tự nguyện với các nhà sản xuất thuốc gốc ở Ấn Độ để đẩy nhanh nguồn cung Molnupiravir ở hơn 100 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ngay sau khi thuốc đạt được các phê duyệt cần thiết.

Thuốc Molnupiravir có thể thay thế vắc xin không?

Câu trả lời là không. Tiêm vắc xin vẫn là lá chắn hiệu quả nhất để chống lại đại dịch COVID-19.  

Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 vẫn tiếp tục tăng ngay cả ở những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao. Điều này có nghĩa là các loại thuốc kháng vi rút sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là ở người cao tuổi và những người suy giảm hệ miễn dịch.

Theo Bloomberg, lá chắn phòng thủ đầu tiên và tốt nhất chống lại SARS-CoV-2 là ngăn chặn lây nhiễm ngay từ đầu. Các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn là chìa khóa để ngăn ngừa lây nhiễm và chấm dứt đại dịch COVID-19.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vũ khí mới chống COVID-19: Thuốc Molnupiravir