Báo Independent (Anh) cho rằng vụ IS tấn công nước Pháp không khác gì cuộc chiến tranh đường phố, chúng kết hợp áp dụng các chiến thuật du kích và chiến tranh quy ước một cách độc ác.

Vụ IS tấn công nước Pháp không khác gì cuộc chiến tranh đường phố

Một Thế Giới | 15/11/2015, 19:00

Báo Independent (Anh) cho rằng vụ IS tấn công nước Pháp không khác gì cuộc chiến tranh đường phố, chúng kết hợp áp dụng các chiến thuật du kích và chiến tranh quy ước một cách độc ác.

Đây là lần đầu tiên quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) áp dụng một kiểu chiến tranh mới. Trước đây, chúng khoe khoang sức mạnh và gieo rắc sợ hãi bằng cách cùng lúc thảm sát rất nhiều dân thường.

Ở phương Tây, người ta chỉ biết rõ sự tàn bạo của chúng khi IS đánh bom tự sát làm 43 người chết ở Beirut (Lebanon) ngày 12.11 và 26 nạn nhân nữa ở Baghdad (Iraq) ngày 13.11, cùng ngày xảy ra vụ IS tấn công nước Pháp, khiến 129 người chết và 320 người bị thương ở khắp Paris.  

IS bắt chước Al-Qaeda 

Không thể ngăn chặn các vụ tấn công trực tiếp vào dân thường này bởi vì khó bảo vệ họ, vả lại bọn đánh bom thường liều chết để đạt mục đích.

IS nhận trách nhiệm vụ tấn công hàng loạt ở Paris, với cớ Pháp không kích bọn chúng ở Syria. Việc chúng tung cùng lúc 8 kẻ đánh bom tự sát và nổ súng tấn công ở một thủ đô nhằm thu hút sự chú ý tối đa của giới truyền thông.

Sự khác biệt với vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 2 ở Paris, là lần này IS lập kế hoạch quy mô, kỹ lưỡng hơn. IS tuyển quân, trang bị vũ khí, điều phối và giữ cho bọn sát thủ ở Paris “nằm yên” đến giờ chót, rõ ràng chúng có sự tổ chức tốt, tương tự việc chúng tuồn bom lên một máy bay dân dụng Nga để máy bay nổ tung sau khi cất cánh khỏi Ai Cập vào ngày 30.10.

Giải thích như thế nào về cường độ IS đánh bom tự sát bên ngoài Syria và Iraq? Việc giết hại dân thường, với cớ đáp trả các hành động của chính phủ, luôn là một phần trong tư tưởng của tổ chức khủng bố Al-Qeada, như chúng đã chứng minh ở vụ khủng bố tấn công New York (Mỹ) ngày 11.9.2001.

Nhưng còn một lý do khác giải thích tại sao IS muốn chứng tỏ chúng có thể tấn công ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Đó là lần đầu tiên từ 2 năm qua, giai đoạn mà IS lập nhà nước ở phía tây Iraq và đông Syria, chúng bị sức ép quân sự ở nhiều mặt trận.

Trước đây, IS lần lượt đấu với vô số nhóm quân ô hợp, mất đoàn kết người Syria. Giờ thì chúng bị tấn công cùng lúc ở nhiều mặt trận:

Tuần trước, nhờ có Nga không kích yểm trợ, bộ binh Syria chặn đứng việc IS bao vây căn cứ không quân Kewiris (phía tây thành phố Aleppo). Đó là chiến thắng quân sự lớn nhất của quân Tổng thống Syria Bashar Assad từ 2 năm nay.

Quân đội người Syria gốc Kurd phối hợp với không quân Mỹ, đang tiến quân về phía nam quanh Hasaka, trong khi người Iraq gốc Kurd có máy bay Mỹ yểm trợ đã chiếm thành phố Sinjar (cách thành phố lớn thứ hai Iraq là Mosul về phía tây).

Như vậy, IS sẽ khó di chuyển giữa “thủ phủ” Raqqa (Syria) với Mosul, và chúng có thể mất quyền kiểm soát các mỏ dầu ở đông bắc Syria, mà dầu mỏ chính là nguồn thu nhập nuôi chiến tranh của IS.

IS muốn thu hút sự chú ý của quốc tế

Chiến sự ở Iraq và Syria xem ra quá xa với vụ thảm sát ở trung tâm Paris. Nhưng cần phải hiểu IS đang là một cỗ máy chiến đấu hiệu quả, bởi khả năng quân sự của chúng tăng lên sau nhiều năm chinh chiến, và chúng phát triển thành chiến tranh quy ước, áp dụng các chiến thuật du kích và chiến tranh đường phố.

Tốc độ chiếm đất Iraq thần tốc hồi hè 2014 của IS được mở ra, từ sau hàng loạt vụ đánh bom tự sát, với các chiếc xe chứa đầy chất nổ chạy xộc vào các quận của Baghdad và trung tâm Iraq.

Đấy là cách chúng buộc đối thủ phải sợ hãi, bị bất ngờ và để chúng thể hiện quyền lực đối với những kẻ ủng hộ tiềm năng.

Người dân ở phần còn lại thế giới không quan tâm nhiều việc hàng ngàn tín đồ Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq bị IS tàn sát bằng những vụ đánh bom.

Số dân thường bị bọn đánh bom tự sát và “đồ tể” IS giết ở Iraq tăng từ 4.623 nạn nhân năm 2012 lên 9.473 người năm 2013 và 17.045 nạn nhân năm 2014, theo  trang web độc lập Đếm xác người Iraq. Đa số các nạn nhân dòng Shiite.

Sự bạo tàn của IS nay tái diễn ở Paris ({Pháp) và Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) - nơi 102 người tuần hành vì hòa bình bị hai tên đánh bom tự sát giết ngày 10.10.

Đấy là một phần trong chiến thuật trả thù bất kỳ kẻ địch nào bằng bất kỳ biện pháp nào của IS, nhằm phô trương sự thách thức một cách độc ác, nhằm buộc giới truyền thông quốc tế phải chú ý.
Vu IS tan cong nuoc Phap khong khac gi cuoc chien tranh duong pho-hinh-anh-1
Tội ác của IS: thiêu sống phi công Jordan trong cũi sắt
 IS trả thù do bị mất quyền kiểm soát ở Iraq, Syria
IS đã phản ứng với các cuộc không kích của Mỹ (vốn không đạt hiệu quả ngăn chặn) bằng những vụ chặt đầu 2 nhà báo Mỹ, hoặc các nhà hoạt động nhân đạo. Khi việc chặt đầu con tin không còn gây sốc, IS quay ra thiêu sống một phi công Jordan bị nhốt trong một cũi sắt. 
Việc IS tuyên bố giết dân thường chẳng phải vì chúng là những tên sát thủ mất trí, mà là để trả thù: một nhóm dính líu IS tự nhận trách nhiệm vụ đánh bom rơi chiếc máy bay Nga khiến 224 người chết, đã đưa các ảnh xác máy bay lên mạng internet, cùng ảnh các tòa nhà đổ nát ở Syria để nói rằng đó là hậu quả từ việc Nga không kích.  

Làm thế, IS muốn dọa bất kỳ nước nào ném bom vào chúng thì chúng sẽ trả đũa, sử dụng các biện pháp khủng bố đường phố kết hợp sự tổ chức kỹ lưỡng.

Những hành động khủng bố này cần có vài nguồn lực, nhưng không cần mức độ huấn luyện cao vì mục tiêu được chọn là những dân thường không thể tự vệ, ví dụ những du khách Anh phơi nắng ở bãi biển Tunisia, hoặc người dân Paris bị giết khi họ xem một buổi diễn nhạc rock.

Không cần phải có số đông kẻ cuồng tín để tiến hành những hành vi quái ác làm rúng động thế giới. IS có đông quân nước ngoài và chúng có thể tìm được những kẻ ủng hộ ngay tại quốc gia mà chúng định tấn công.
Vu IS tan cong nuoc Phap khong khac gi cuoc chien tranh duong pho-hinh-anh-2
Quân đội Pháp tuần tra Paris ngày 14.11
Còn có một lý do khác giải thích vì sao IS có thể dễ tìm ra và sử dụng những kẻ đánh bom tự sát ở nước ngoài.

Năm nay chúng chịu một thất bại lớn ở vùng biên giới Tal Abyad giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ: Đơn vị Bảo vệ nhân dân Syria gốc Kurd (YPG) chiếm vùng đất này hồi tháng 6.

Một nửa vùng biên giới 550 dặm giữa hai sông Tigris - Euphrates hiện do YPG kiểm soát, nên IS bị hạn chế hướng ra nước ngoài. Mỹ đã gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép IS hoặc những nhóm thánh chiến Jihad vượt biên giới vào Syria từ phía tây sông Euphrates.

Bọn tình nguyện chiến đấu trước đây từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria, nay phải ở lại quê nhà, từ đó trở thành nguồn nhân lực sẵn sàng tiến hành các chiến dịch tự sát.

IS hiện bị sức ép quân sự mạnh ở Syria và Iraq, nhưng điều này không có nghĩa chúng sẽ rã đám. Chúng có thể phòng thủ chắc và xem ra chúng sẽ chiến đấu đến cùng ở các chiến tuyến mà đối thủ của chúng có sự yểm trợ của không quân Mỹ, Nga.

Bọn chỉ huy IS được cho là phạm một sai lầm trong chiến đấu ở Kobani, nơi chúng có thể bị mất hơn 2.000 quân vì bom Mỹ. Thay vào đó, chúng sẽ trông cậy vào các chiến thuật du kích ở Syria, Iraq và mở rộng vùng xung đột, bằng cách mở những cuộc tấn công khủng bố ở nước ngoài, như vụ tấn công Paris vừa rồi.

Vĩnh Thụy (theo Independent)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ IS tấn công nước Pháp không khác gì cuộc chiến tranh đường phố