Ngày 14.10, HĐXX TAND tỉnh Hà Giang sẽ mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận thi cử THPT năm 2018. Ngay sau Hà Giang, HĐXX TAND tỉnh Sơn La cũng sẽ mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận thi cử THPT năm 2018 xảy ra tại tỉnh nhà vào ngày 15.10.

Vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La: Xét xử cùng thời điểm

Thu Anh | 13/10/2019, 19:05

Ngày 14.10, HĐXX TAND tỉnh Hà Giang sẽ mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận thi cử THPT năm 2018. Ngay sau Hà Giang, HĐXX TAND tỉnh Sơn La cũng sẽ mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận thi cử THPT năm 2018 xảy ra tại tỉnh nhà vào ngày 15.10.

Như vậy, với lần mở lại phiên tòa sơ thẩm này, vụ án gian lận thi cử THPT năm 2018 xảy ra tại 2 tỉnh Hà Giang, Sơn La được xét xử gần như cùng một thời điểm.

Đặc biệt, trong lần mở phiên tòa sơ thẩm trước đó, TAND của cả 2 tỉnh cũng đều quyết định hoãn phiên tòa cùng với lý do vắng mặt quá nhiều người làm chứng.

Cụ thể, theo lệnh triệu tập, TAND tỉnh Hà Giang đã triệu tập 177 người làm chứng. Tuy nhiên, trong ngày đưa vụ án ra xét xử (18.9), có 55/177 người có mặt; có 60 người có đơn xin xét xử vắng mặt; 62 người vắng mặt không lý do, trong đó có 12 người làm chứng được Tòa án chuyển thư đến và được báo lại là không có người nhận.

Các bị cáo trong vụ gian lận thi cử tại Hà Giang - Ảnh: T.A

Phía TAND tỉnh Sơn La đã án triệu tập 48 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (gồm phụ huynh có con được nâng điểm), nhưng trong ngày xét xử vụ án (16.9) chỉ có mặt 4 người, 22 người có đơn xin xét xử vắng mặt, những người còn lại vắng mặt không lý do. Trong số 43 người làm chứng (gồm cả lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) chỉ có 12 người có mặt, 15 người có đơn xin xét xử vắng mặt.

Đáng chú ý, đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND tỉnh Hà Giang, trong lần đưa vụ án ra xét xử trước đó, Viện KSND tỉnh Hà Giang đề nghị triệu tập thêm bà Vũ Thị Kim Chung (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Giang) và cô ruột của bị cáo Vũ Trọng Lương (Phó trưởng phòng Khảo thí).

Phiên xét xử sơ thẩm tại Sơn La sẽ diễn ra vào ngày 15.10 - Ảnh: T.A

Phía TAND tỉnh Sơn La cũng tiếp tục triệu tập ông Hoàng Tiến Đức (nguyên GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) tới phiên xét xử với tư cách người làm chứng. Trong vụ án này, cáo trạng của Viện KSND tỉnh Sơn La nêu rõ có 18 người nhận thông tin từ người nhà các thí sinh, hoặc thông qua người khác. Đây là các các đối tượng (trung gian) nhận thông tin thí sinh.

Trong đó, ông Hoàng Tiến Đức (khi đó là GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) nhận 8 thí sinh. Ngoài ra, liên quan đến các đối tượng trung gian, cáo trạng cũng nêu rõ đối với các đối tượng trung gian có liên quan đến việc nhận thông tin thí sinh nhờ các bị can nâng điểm, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục điều tra xác minh, làm rõ, có căn cứ thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Sơn La, 8 bị cáo bị truy tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm Trần Xuân Yến (nguyên PGĐ Sở GD-ĐT Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La).

Cầm Thị Bun Sọn (Phó phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Sơn La); Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La).

Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu); Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn (đều là cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).

Tại Hà Giang, VKS truy tố Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT) và Vũ Trọng Lương (Phó trưởng phòng Khảo thí) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Hai bị cáo Phạm Văn Khuông (Phó giám đốc Sở GD-ĐT) và Lê Thị Dung (Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang) bị truy tố tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại Điều 366 Bộ luật Hình sự. Riêng bị cáo Triệu Thị Chính (Phó giám đốc Sở GD-ĐT) bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự.

Nhã Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La: Xét xử cùng thời điểm