Trong khi Phan Sào Nam sử dụng tiền bất hợp pháp từ đường dây đánh bạc để đầu tư vào bất động sản, mua vàng, mua USD... thì bị cáo Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CNC đã tinh vi hơn khi "rửa" các khoản tiền này vào việc mở công ty, đầu tư BOT...

Vụ đánh bạc nghìn tỉ: Sung công số tiền bất hợp pháp tại BOT Bắc Giang-Lạng Sơn

tuyetnhung | 19/11/2018, 06:22

Trong khi Phan Sào Nam sử dụng tiền bất hợp pháp từ đường dây đánh bạc để đầu tư vào bất động sản, mua vàng, mua USD... thì bị cáo Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CNC đã tinh vi hơn khi "rửa" các khoản tiền này vào việc mở công ty, đầu tư BOT...

Theo nội dung cáo trạng được Viện KSND tỉnh Phú Thọ công bố mới đây, để đủ điều kiện về năng lực tài chính tham gia dự thầu Dự án đường cao tốc BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, bị cáo Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty CNC và Chủ tịch HĐQT Công ty UDIC) ngày 19.1.2015 đã họp HĐQT và thống nhất ra nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 36 tỉ lên 500 tỉ đồng, trong đó, Dương cam kết góp 85,5% vốn điều lệ.

Công ty UDIC do 3cổ đông sáng lập với vốn điều lệ là 6 tỉ đồng, trong đó Nguyễn Văn Dương góp 45% vốn điều lệ. Với số vốn "vỏn vẹn" 6 tỉ đồng ban đầu, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Văn Dương đã gia tăng "chóng mặt" khoản vốn góp vào UDIC, theo đó vón điều lệ của UDIC cũng tăng một cách phi mã.

Cụ thể, ngày 31.12.2010, vốn điều lệ của UDIC đã được thay đổi tăng lên 45 tỉ đồng, Nguyễn Văn Dương góp vốn là 56,25%. Ngày 13.2.2015, vốn điều lệ của UDIC lên 500 tỉ đồng, Dương cam kết góp vốn là 85,05%. Lần đăng ký thay đổi ngày 3.2.2016, vốn điều lệ của UDIC tăng lên hơn 528 tỉ đồng.

Tiếp đến ngày 28.4.2016, vốn điều lệ của UDIC tăng gần gấp đôi lên hơn 925 tỉ đồng, trong đó Dương cam kết góp vốn 99,564% vốn điều lệ. Một năm sau, ngày 17.4.2017, Dương nhanh chóng rút vốn về và chuyển nhượng cho một công ty khác.

Qua đó có thể thấy UDIC chỉ là cái "vỏ bọc" để Dương hợp thức hóa số tiền thu lợi từ đường dây đánh bạc bằng cách, tăng vốn điều lệ xong lại rút ra.

Đáng chú ý, cơ quan chức năng còn xác định Nguyễn Văn Dương phạm tội rửa tiền hơn 329 tỉ đồng từ đường dây đáng bạc để chuyển vào Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, đơn vị đang thực hiện xây dựng Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Trao đổi với PV báo Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Lương Quang Tuấn - Trưởng văn phòng Luật sư An Thái cho biết trong vụ việc này cần phải xem xét tính pháp lý của dự án nằm ở dòng tiền chuyển vào Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy khoản tiền 329 tỉ đồng chuyển vào Công ty cổ phầnBOT Bắc Giang - Lạng Sơn là bất hợp pháp. Qua đó phải trao trả, thu hồi khoản tiền này lại cho Nhà nước thông qua việc trình lên cơ quan tố tụng để sung khoản tiền 329 tỉ đồng bất hợp pháp này vào công quỹ.

Ngoài ra, theo LS Tuấn, cần phải xem xét trách nhiệm chủ đầu tư dự án trong việc chấp nhận dòng tiền của bị cáo Dương chuyển vào. Nếu chủ đầu tư đồng lõa với bị can để chuyển tiền vào dự án để rửa tiền và hưởng phần trăm thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cùng với bị can.

Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư 12.188 tỉ đồng, do Công ty cổ phầnBOT Bắc Giang - Lạng Sơn làm chủ đầu tư, triển khai theo hình thức hợp đồng BOT.

Điểm đầu dự án Km45+100 (giao quốc Lộ 1, Sao Mai, H.Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn), điểm cuối Km108+500, nối với điểm cuối dự án quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Tổng chiều dài tuyến cao tốc 63,86km. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2019

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do liên danh nhà đầu tư: Công ty cổ phầnĐầu tư UDIC - Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC - Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty cổ phần Đầu tư 468 - Công ty cổ phần Giao thông xây dựng số 1 - Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà thực hiện.

Dự án này từng rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Đỉnh điểm là tháng 3.2017, Bộ GTVT đã phải quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư (đứng đầu là Công ty UDIC). Sự đình trệ này đã đẩy các nhà thầu lâm vào cảnh "sống dở chết dở" vì họ đã ứng vốn trước để thực hiện dự án. Theo đó, dự án từng để lại dư luận xấu cho người dân và chính quyền địa phương nơi con đường đi qua. Nguyên nhân chủ yếu của sự chậm trễ làuy tín và năng lực tài chính của các nhà đầu tư trước đây hạn chế, chưa thu xếp được nguồn vốn cho thực hiện dự án.

Để giải cứu dự án, cuối tháng 5.2017, Bộ GTVT đã kêu gọi 4 nhà đầu tư gồm: Công ty cổ phầnTập đoàn Hải Thạch, Công ty cổ phầnĐầu tư xây dựng Hải Thạch, Công ty cổ phầnTập đoàn đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn, Công ty cổ phầnQuản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) giải cứu dự án thông qua việc mua lại cổ phần của Công ty cổ phầnĐầu tư UDIC (đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư cũ) để đảm bảo dự án không bị gián đoạn, vừa có nhà đầu tư mới đáp ứng năng lực tài chính, vừa tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý.

Từ ngày 1.6 vừa qua, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã chính thức vận hành trạm thu phí Km93+160, quốc lộ 1 tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn để hoàn vốn cho dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Việc hoàn vốn cho dự án được đảm bảo bằng 1 trạm thu phí đặt tại quốc lộ 1 Km93+160 (áp dụng hình thức thu hở) và các trạm thu phí đặt trên tuyến cao tốc (áp dụng hình thức thu kín)

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ đánh bạc nghìn tỉ: Sung công số tiền bất hợp pháp tại BOT Bắc Giang-Lạng Sơn