Liên quan đến việc cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế (Lệ Thủy, Quảng Bình) bị bỏ phiếu tín nhiệm bất thường do các đấu tranh chống tiêu cực, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc sở GD-ĐT cùng ông Trần Đình Dinh, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Bình đã khẳng định cần rà soát kiểm tra lại quy trình với cô giáo Huế.

Vụ cô giáo bị vùi dập: ‘Nếu sai thì phải phục hồi chức danh cho cô Huế’

Sơn Anh | 23/05/2017, 11:20

Liên quan đến việc cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế (Lệ Thủy, Quảng Bình) bị bỏ phiếu tín nhiệm bất thường do các đấu tranh chống tiêu cực, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc sở GD-ĐT cùng ông Trần Đình Dinh, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Bình đã khẳng định cần rà soát kiểm tra lại quy trình với cô giáo Huế.

Ông Đinh Quý Nhân cho rằng, trường hợp cô Huế là vợ của một người lính Trường Sa đã phấn đấu hết sức mình mà bị bỏ phiếu miễn nhiệm là hết sức đáng băn khoăn. Trước khi bị miễn nhiệm, chuyển đi trường khác, cô Huế là Phó hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Liên Thủy. Tại đây, cô Huế cùng tập thể nhà trường đã xây dựng trường đạt Chuẩn quốc gia mức độ 2, một mức độ rất cao mà cả Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phải cùng đạt các mức xuất sắc nhiều mặt.

Theo ông Nhân, nếu cô Huế bị miễn nhiệm với lý do phiếu tín nhiệm thấp vì “làm mất đoàn kết nội bộ” thì trường tiểu học số 2 Liên Thủy không đạt Chuẩn quốc gia mức độ 2 theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ngược lại, trường đạt chuẩn thì cô Huế không thể bị chụp mũ “làm mất đoàn kết nội bộ”. Hiện, theo chỉ đạo của ông Nhân, đã có 1 Phó giám đốc sở GD-ĐT Quảng Bình phụ trách mảng tiểu học kiểm tra để báo cáo. Về phần mình, là đại biểu HĐND, ông Nhân hứa sẽ có tiếng nói trong sự việc này.

Nhìn nhận về nguyên tắc, ông Trần Đình Dinh, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Bình nhấn mạnh: “Để tránh xáo trộn đối với việc dạy và học trong nhà trường, việc miễn nhiệm, hay điều chuyển cán bộ quản lí và giáo viên thường được chuẩn bị vào cuối năm học và thực hiện vào đầu năm học. Trường hợp cô Huế bị miễn nhiệm chức danh Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Thủy và điều chuyển về Trường tiểu học Dương Thủy vào tháng 3.2017 là bất thường, không theo nguyên tắc”.

Ông Dinh nêu thêm: Theo quy định của Luật Công chức, viên chức, việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra 5 năm một lần, để xem xét bổ nhiệm lại. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm chỉ mang tính thăm dò, chứ không mang tính quyết định việc miễn nhiệm. Thông thường, nếu phiếu tín nhiệm không đạt, thì người làm tổ chức công tác cán bộ vận động họ tự nguyện thôi chức. Phải xem lại thời điểm bỏ phiếu tín nhiệm đối với cô Huế, việc bỏ phiếu đã đến thời điểm theo quy định chưa?

Ông Dinh gợi mở, trước đó cũng tập thể đảng viên ở Trường tiểu học số 2 Liên Thủy bỏ phiếu khai trừ Đảng cô Huế nhưng không thành, rồi sau đó cũng những người này, chiếm đa số, bỏ phiếu tín nhiệm cô Huế thì có khách quan hay không? Từ đó ông Dinh cho biết Sở Nội vụ đã chỉ đạo phòng chức năng kiểm tra lại toàn bộ quy trình bỏ phiếu và quyết định miễn nhiệm cô Huế. Nếu Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy sai thì phải phục hồi chức danh cho cô Huế.

Dư luận cho rằng cô Huế không được lòng chính quyền địa phương, đi trường nào thì lãnh đạo xã, lãnh đạo trường cũng xin huyện chuyển đi nơi khác vì làm xấu hình ảnh của địa phương đơn vị. Thậm chí có đơn của phụ huynh kiến nghị chuyển cô Huế đi nơi khác để con em và phụ huynh yên tâm theo học với nhà trường. Trước sự việc này, cô Huế đánh giá những lá đơn gọi là của phụ huynh như thế đều là “chân gỗ”. Và trong các văn bản kết luận của Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Lệ Thủy đều không nêu rabất cứ vi phạm nào của cô Huế.

Sơn Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ cô giáo bị vùi dập: ‘Nếu sai thì phải phục hồi chức danh cho cô Huế’