13 bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bị đề nghị xử phạt các mức án từ 30 tháng tù - 7 năm tù. 4 bị cáo còn lại bị đề nghị xử phạt các mức án từ 24 - 36 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chiều 23.7, trong phần luận tội đối với 17 bị cáo nguyên là lãnh đạo của Sở, huyện và một số phòng, ban chuyên môn của tỉnh Sơn La trong vụ án bồi thường “thừa” tại dự án thủy điện Sơn La, VKS nhận định trong quá trình điều tra và thẩm vấn công khai tại phiên toà có đủ cơ sở xác định tỉnhSơn Lađã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiến hành khảo sát, đánh giá tại khu vực mặt bằng công trường tại huyện Mường La và xã Tân Lập. Từ đó tổ chức lập phương án bồi thường, hỗ trợ đất đai, cây cối, hoa màu, tài sản trên đất đối với các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất phục vụ xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La và di chuyển dân ra khỏi mặt bằng công trường.
Lúc này, Trương Tuấn Dũng là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La đã ban hành Kế hoạch số 41 triển khai chỉ đạo của tỉnh, đồng thời chỉ định Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐ) và Công ty Bảo Bình (ở Hà Nội) đo đạc, lập bản đồ địa chính.
Theo cáo trạng, CQĐT xác định sau khi huyện Mường La thực hiện đo đạc, xuất hiện nhiều đơn thư vượt cấp đề nghị được bồi thường theo khung giá năm 2015 thay vì khung năm 2013. Đặc biệt, đơn thư của bị cáo Đèo Văn Ban (SN 1956) đã gây mất an ninh trật tự... nên tiến hành xác minh.
Kết quả cho thấy, Đèo Văn Ban được bị can Bùi Văn Tân (cán bộ VPĐKĐ) chuyển loại đất từ đất rừng sang đất ruộng 2 vụ, được Vũ Hồng Giang (làm việc cho Công ty Bảo Bình) chia, số hóa đất từ 1 thửa trên thực địa thành 97 thửa trên bản đồ. Ông Ban còn tự nhận là Trưởng bản để xác nhận hồ sơ cho chính mình. Vì vậy, Đèo Văn Ban được nhận bồi thường sai hơn 1,2 tỉ đồng.
Theo VKS, trong vụ án này, ngoại trừ bị cáo Đèo Văn Ban hưởng lợi trái quy định tiền bồi thường của Nhà nước, các bị cáo còn lại không được hưởng lợi gì. Các bị cáo trong thời điểm giữ chức vụ lãnh đạo một số Sở, ngành và lãnh đạo huyện dù biết Kế hoạch số 41 của UBND huyện Mường Lakhông đúng với các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh Sơn La và quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng vẫn làm theo Kế hoạch số 41 hoặc thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Từ đó, đại diện VKS đã đề nghị xử phạt 13 bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” các mức án từ 30 tháng tù - 7 năm tù. 4 bị cáo còn lại bị đề nghị xử phạt các mức án từ 24 - 36 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo bị cáo Trương Tuấn Dũng – nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, Kế hoạch 41 do bị cáo ban hành được áp dụng với hàng trăm hộ dân. Ngoài ra, luật sư của bị cáo Dũng cũng cho rằng Kế hoạch 41 là văn bản hành chính thông thường, mang tính hướng dẫn thực hiện, không áp đặt, không xâm phạm khách thể trật tự quản lý kinh tế.
Nhã Thanh