Khi nhà thầu Trung Quốc vi phạm, TISCO đã kiến nghị xem xét dừng hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại…

Vụ án Gang thép Thái Nguyên: Bị cáo Mừng khai từng đề nghị dừng hợp đồng nhưng không được trên chấp thuận

Nhã Thanh | 12/04/2021, 16:32

Khi nhà thầu Trung Quốc vi phạm, TISCO đã kiến nghị xem xét dừng hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại…

Chiều 12.4, HĐXX TAND TP.Hà Nội bắt đầu tiến hành xét hỏi đối với các bị cáo là nguyên lãnh đạo Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) trong vụ án Gang thép Thái Nguyên. Các bị cáo ấy đều bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Đã chuẩn bị phương án kiện MCC

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 do TISCO làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2007; đơn vị trúng thầu là Tập đoàn KH-CN và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Đại diện TISCO là ông Trần Trọng Mừng - Tổng giám đốc đã ký hợp đồng số 01 EPC với đại diện của MCC. Giá trị hợp đồng hơn 160 triệu USD, là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng được ấn định là 30 tháng.

Khai báo trước tòa, bị cáo Trần Trọng Mừng đề nghị xem xét lại nội dung truy tố “bị cáo là người chủ trì thực hiện, người tổ chức ký kết điều chỉnh hợp đồng”.

Theo lời khai của bị cáo Mừng, dự án giai đoạn 2 gồm 22 gói thầu nhưng có 2 gói thầu lớn. Gói thầu 2, TISCO đã ký với MCC hợp đồng EPC - hợp đồng trọn gói, “chìa khóa trao tay” và có giá không đổi trong quá trình thực hiện.

vu-an-gang-thep-thai-nguyen-nha-thau-vi-pham-lanh-dao-tisco-da-kien-nghi-dung-hop-dong-anh-1.jpg
Bị cáo Trần Trọng Mừng khai báo trước tòa - Ảnh: T.A (chụp qua màn hình)

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng EPC số 01, MCC đã vi phạm do sau hơn 11 tháng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực, MCC vẫn chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ nào; chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, không đặt hàng chế tạo máy móc thiết bị, không triển khai thi công các hạng mục của gói thầu, mà rút hết người về nước và nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và tăng giá hợp đồng không có căn cứ, không phù hợp quy định của pháp luật, không đúng với nội dung các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Về nội dung này, bị cáo Mừng cho biết khi MCC vi phạm, TISCO đã có văn bản nhắc nhở, báo cáo việc này với Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS). TISCO đã đề nghị xem xét, phạt MCC nhưng nhận được chỉ đạo từ VNS và Bộ Công Thương là tìm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn.

Ngoài ra, theo bị cáo Mừng, về phía TISCO, khi MCC vi phạm hợp đồng, TISCO đã báo cáo các cấp có thẩm quyền để cùng tháo gỡ khó khăn. Tại tờ trình gửi Bộ Công Thương và VNS, TISCO đã kiến nghị xem xét dừng hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại; và đã chuẩn bị phương án kiện MCC ra tòa án quốc tế; hợp đồng không được thực hiện sẽ chấm dứt hợp đồng.

Ngoài ra, bị có Mừng còn cho biết bản thân đã ký tờ trình gửi Bộ Công Thương và VNS, kiến nghị xem xét đề nghị MCC thực hiện 5 nội dung. Cụ thể, xem xét lại tiến độ; khẩn trương đưa người có trách nhiệm sang điều hành dự án; hoàn chỉnh các hạng mục còn lại; khẩn trương đặt hàng thiết bị cho gói thầu; nhanh chóng tìm kiếm nhà thầu phụ cho phần C. Nếu như MCC không thực hiện thì TISCO sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để cho dừng hợp đồng.

Nhà thầu phụ không đủ năng lực

Liên quan đến việc điều chỉnh chi phí phần C (xây lắp) trong hợp đồng EPC, cơ quan công tố xác định việc chấp thuận Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng, trong khi VINAINCON không đủ năng lực khi trái với quy định của Luật Đấu thầu năm 2005, trái với điều 21 Nghị định 99 ngày 13.6.2007 của Chính phủ…, dẫn đến chậm tiến độ, làm phát sinh tăng lãi vay, tăng chi phí đầu tư…

Về đề xuất đưa VINAINCON là nhà thầu phụ, theo lời khai của bị cáo Mừng tại phiên tòa, TISCO giới thiệu VINAINCON dựa trên công văn tự giới thiệu của VINAINCON, Bộ Công Thương cũng có giới thiệu đơn vị này với VNS và TISCO. TISCO có tổ công tác xuống kiểm tra năng lực của VINAINCON.

vu-an-gang-thep-thai-nguyen-nha-thau-vi-pham-lanh-dao-tisco-da-kien-nghi-dung-hop-dong.jpg
Các bị cáo tại tòa

Theo lời khai của nguyên Tổng giám đốc TISCO, trước khi nghỉ hưu, bị cáo có ký công văn gửi VNS báo cáo quá trình thực hiện dự án; có đề nghị VINAINCON là nhà thầu phụ, đề nghị điều chỉnh phần C theo hình thức trọn gói (điều chỉnh 1 lần). Ngoài ra, bị cáo Mừng cũng khẳng định chưa bao giờ đề nghị điều chỉnh phần C theo đơn giá bởi nếu điều chỉnh theo đơn giá thì sẽ không đảm bảo, khiến cho nhà thầu làm việc chậm tiến độ…

Trước nội dung này, bị cáo Mừng nhận trách nhiệm vì đã không làm việc kỹ lưỡng, dẫn đến vi phạm; đã giới thiệu VINAINCON khi chưa tìm hiểu về năng lực…

Về phần mình, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TISCO, người kế nhiệm bị cáo Trần Trọng Mừng - bị cáo Trần Văn Khâm nhận thức rõ hợp đồng EPC về nguyên tắc là hợp đồng trọn gói.

Bị cáo Khâm cũng thừa nhận VINAINCON không đủ năng lực và nhân lực để triển khai dự án, không đảm bảo tiến độ và đã tự dừng việc thi công, trả lại công việc cho TISCO. Theo lời khai của bị cáo Khâm, trước sức ép của tiến độ, với trách nhiệm trước đội ngũ, bị cáo cho nhân viên đi nghiên cứu năng lực của 13 nhà thầu phụ khác; và do vướng mắc khó khăn từ nhiều mặt nên dự án vẫn chậm tiến độ.

Theo cáo trạng, bị cáo Khâm đã ký quyết định điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, trong đó có dự phòng cho phần C của hợp đồng tăng thêm 15,57 triệu USD; ký phụ lục điều chỉnh lần thứ 4 với MCC thống nhất tách phần C ra khỏi hợp đồng EPC; trực tiếp ký hợp đồng thầu phụ 3 bên, chấp thuận giao cho VINAINCON không đủ năng lực và các nhà thầu phụ khác thực hiện phần C dưới hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. TISCO tổ chức thực hiện và chịu mọi rủi ro không có cơ sở pháp lý, không đủ quy định của hợp đồng EPC số 01.

Bài liên quan
Vụ Gang thép Thái Nguyên: Ngày mai 19 bị cáo sẽ hầu tòa
Theo kế hoạch, ngày mai 12.4, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 19 bị cáo trong vụ án Gang thép Thái Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ án Gang thép Thái Nguyên: Bị cáo Mừng khai từng đề nghị dừng hợp đồng nhưng không được trên chấp thuận