Theo thống kê của các nhóm nghiên cứu chuyên nghiệp, số lượng voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà tăng gấp 4 lần so với trước đây nhưng đang đứng trước nhiều đe dọa từ hoạt động của con người.

Voọc trên Sơn Trà tăng nhiều nhưng đang bị đe dọa

23/05/2017, 05:43

Theo thống kê của các nhóm nghiên cứu chuyên nghiệp, số lượng voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà tăng gấp 4 lần so với trước đây nhưng đang đứng trước nhiều đe dọa từ hoạt động của con người.

Voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà

Chiều 22.5, Liên hiệp các Hội Khoa học-kỹ thuật Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu hiện trạng quần thể voọc chà vá chân nâu (tên khoa học là Pygathrix nemaues) tại bán đảo sơn Trà và nỗ lực bảo tồn loài của TP.Đà Nẵng.

Ông Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) cho biết trong 5 năm qua (2012 – 2017), nhóm nghiên cứu của GreenViet đã khảo sát trên 16 tuyến, kéo dài gần 140 km dọc theo bán đảo và ghi nhận quần thể voọc sinh sống phân bố hầu khắp các vị trí tại bán đảo. Trong đó, phân bố nhiều ở phía bắc và dày đặc tại khu vực trung tâm của bán đảo.

Trung tâm này đưa ra nhận định quần thể voọc tại Sơn Trà hiện có khoảng 1.335 con, tương ứng 237 đàn. So với số liệu gần nhất được công bố cách đây 7 năm (nghiên cứu gần nhất từ năm 2008 – 2010) với khoảng 300 cá thể voọc thì hiện con số này đã tăng lên hơn 4 lần.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng đang có nhiều yếu tố tác động đến loài voọc. Cụ thể, do bán đảo Sơn Trà có nhiều phương tiện giao thông lưu thông hàng ngày nên voọc đã bị chia cắt vùng sống. Ngoài ra, loài voọc cũng đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn, bẫy bắt gia tăng, nguy cơ truyền bệnh từ người sang voọc do người cho ăn và những hạn chế từ việc kiểm soát hoạt động con người trên bán đảo.

Do vậy, đại diện Trung tâm này đề xuất 4 giải pháp cấp bách gồm: tăng cường sự giám sát hoạt động của du khách tại các trạm gác ra, vào để giảm thiểu hoạt động bẫy bắt; dừng và loại bỏ các dự án phát triển nằm trong vùng phân bố quan trọng của loài voọc ở phía bắc bán đảo; lắp các điểm cảnh báo có voọc qua đường; giáo dục nâng cao nhận thức cho du khách.

Ông Tuấn cũng đưa ra những giải pháp lâu dài như giám sát, theo dõi biến động và tình trạng phân bố của quần thể voọc (6 tháng/1 đợt giám sát). Nghiên cứu sự đa dạng về di truyền (DNA) để đánh giá sự suy giảm nguồn gen do ảnh hưởng của sự giao phối cận huyết; nghiên cứu sức chứa của bán đảo Sơn Trà đối với quần thể voọc…

Lê Đình Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Voọc trên Sơn Trà tăng nhiều nhưng đang bị đe dọa