Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, để thực thi CPTPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi hàng loạt các quy định pháp luật. Đây thực sự là một công việc khổng lồ và phức tạp đối với các bộ, ban, ngành của Việt Nam.
- Theo bà, hiệp định này có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng quay trở lại trên thế giới?
Bà Phùng Thị Lan Phương: Hiệp định CPTPP mới được ký kết như tiếp thêm một ngọn lửa cho tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu trước một số động thái có tính bảo hộ mậu dịch đang trỗi dậy trong thời gian gần đây, đặc biệt từ đầu tàu của thương mại thế giới – Mỹ.
Mặc dù không có Mỹ, CPTPP vẫn là một hiệp định lớn và có ý nghĩa đối với không chỉ các nước thành viên hiện tại của CPTPP mà còn là một hình mẫu, là động lực khuyến khích hình thành các hiệp địnhthương mại tự do (FTA) khác trong khu vực.
- Đâu là điều khác biệt nhất của hiệp định này với hơn 10 FTA khác?
Bà Phùng Thị Lan Phương:So với các FTA trước đây, CPTPP toàn diện và tiến bộ hơn rất nhiều, đúng như cái tên của hiệp định này. Lý do là hiệp định này bao gồm rất nhiều lĩnh vực từ thương mại tới phi thương mại, với rất nhiều vấn đề từ các vấn đề ở biên giới tới các vấn đề nằm sâu bên trong đường biên giới.
Hiệp định này có nhiều nội dung mà Việt Nam chưa từng cam kết bao giờ trong một thỏa thuận thương mại, như sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường....
CPTPP cũng tiến bộ hơn các FTA đã ký của Việt Nam ở nhiều khía cạnh. CPTPP có mức độ tự do hoá rất cao, cao hơn hẳn mặt bằng chung của WTO và các FTA truyền thống. Chẳng hạn như cam kết xóa bỏ thuế quan trong CPTPP lên tới gần 100%, cao hơn mức trung bình 39% trong WTO và 70-90% trong các FTA.
Theo đó, hiệp định này hướng tới phát triển thương mại bền vững với những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động, ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ...
CPTPP cũng đảm bảo thương mại công bằng và bình đẳng bằng cách đặt ra các quy tắc về cạnh tranh, chống tham những, bảo hộ đầu tư. Và cuối cùng, CPTPP thúc đẩy thương mại sáng tạo khi nâng cao mức bảo hộ sở hữu trí tuệ và đầu tư.
- Cơ hội và thách thức ở hiệp định này có gì khác so với TPP? Bà đánh giá đâu là thách thức lớn nhất cho Việt Nam?
Bà Phùng Thị Lan Phương:CPTPP không có Mỹ nên cơ hội của Việt Nam từ hiệp định định này cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Mỹ là một thị trường lớn của thế giới và là đối tác quan trọng nhất nhì của Việt Nam trong nhiều năm liền.
Quan trọng hơn, Việt Nam chưa có FTA với Mỹ nên rất nhiều sản phẩm hàng hoá của Việt Nam sang thị trường này vẫn phải chịu thuế quan tương đối cao. Do đó, vắng Mỹ, Việt Nam cũng mất đi một phần lợi ích quan trọng về thương mại hàng hóa từ CPTPP.
Tuy nhiên, CPTPP vẫn là một hiệp định lớn tạo ra một thị trường chung với 500 triệu dân chiếm 13,5% tổng GDP toàn cầu. Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam tăng cường tiếp cận thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA như Canada, Mexico và Peru.
Đối với các nước Việt Nam đã có FTA thì hiệp định cũng mở ra thêm nhiều cơ hội mới, lựa chọn mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, việc CPTPP tạm hoãn thực hiện một số cam kết trong TPP cũng giúp Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị để sẵn sàng hơn.
Theo văn kiện CPTPP mới công bố thì các nội dung tạm hoãn thực hiện chủ yếu là các đòi hỏi của Mỹ trong một số vấn đề thuộc lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp đầu tư... Đây là các nội dung khó và được đánh giá là có thể gây ra nhiều rủi ro và thách thức cho Việt Nam nếu phải thực hiện ngay.
Tuy vậy, CPTPP vẫn là một hiệp định có tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam nên việc thực thi hiệp định này được dự đoán là sẽ tạo ra không ít thách thức.
Thứ nhất, CPTPP bao gồm rất nhiều vấn đề nằm sau đường biên giới mà Việt Nam chưa từng có, hoặc có cam kết rất hạn chế trong các thoả thuận thương mại khác như sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, mua sắm công….
Do đó để thực thi CPTPP Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi hàng loạt các quy định pháp luật trong nước. Đây thực sự là một công việc khổng lồ và phức tạp đối với các bộ, ban, ngành của Việt Nam.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp, cạnh tranh từ việc mở cửa thị trường trong nước theo TPP sẽ tạo ra áp lực không nhỏ buộc các doanh nghiệp phải cải tổ, nâng cao năng lực cạnh tranh mới có thể tồn tại.
Ngoài ra, việc thực thi các tiêu chuẩn cao của CPTPP như bảo vệ môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn lao động cũng tốn kém nhiều chi phí.
Mặc dù vậy, từ khi ký kết đến lúc thực thi vẫn có một khoảng thời gian để Nhà nước cũng như các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị. Thêm vào đó, nhiều lĩnh vực Việt Nam sẽ mở cửa theo lộ trình nên cơ bản sẽ không tạo ra thay đổi quá đột ngột cho doanh nghiệp.
- Có lĩnh vực nào Việt Nam mở cửa quá sớm khi chưa sẵn sàng hay không? Thưa bà?
Bà Phùng Thị Lan Phương:Việc này thì hiện chưa có đánh giá nào cụ thể. Tuy nhiên, theo như tôi được biết, quá trình đàm phán các nhà đàm phán của Việt Nam cũng đã có nghiên cứu và tham vấn nhất định với các hiệp hội và doanh nghiệp liên quan về vấn đề này.
- Theo bà, hiệp định này sẽ có tác động thế nào đến thu nhập của các nhóm lao động ở Việt Nam? Nhóm nào sẽ hưởng lợi nhất?
Bà Phùng Thị Lan Phương:Bất kỳ một hiệp định thương mại nào khi được thực thi sẽ tạo ra những tác động khác nhau đối với các ngành khác nhau. Một phần do cam kết ở mỗi ngành có thể là khác nhau. Nhưng quan trọng hơn là do khả năng tận dụng cơ hội/giảm thiểu thách thức từ FTA của mỗi ngành.
Theo đó, FTA có tác động tích cực tới những nhóm ngành nào thì thu nhập của lao động ở những nhóm ngành đấy được dự kiến sẽ tăng cao hơn so với các ngành chịu tác động tiêu cực và ngược lại.
Đối với CPTPP, theo một báo cáo mới nhất của World Bank thì các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hàng da được dự báo là sẽ có mức độ tăng trưởng cao nhất về sản lượng sau khi hiệp định này có hiệu lực.
Tuy nhiên, dự báo này chủ yếu dựa trên các tính toán về cắt giảm thuế quan từ CPTPP. Rất nhiều các yếu tố khác như những rào cản phi thương mại hay khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan vẫn chưa được tính đến.
- Bà đánh giá thế nào về tốc độ chuyển mình, hội nhập của doanh nghiệp cũng như sự cải cách của cơ quan chức năng để tiếp nhận hiệp định này? Bà có gợi ý gì trong việc thay đổi chính sách pháp luật để thích nghi với hiệp định này?
Bà Phùng Thị Lan Phương:Qua nhiều năm theo dõi và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện WTO và các FTA của Việt Nam, tôi nhận thấy rằng TPP và sau đó là CPTPP là FTA được các cơ quan nhà nước quan tâm và các doanh nghiệp quan tâm nhất từ trước đến nay.
Sau khi TPP được ký kết hai năm trước, cả từ phía các bộ ban ngành liên quan và từ phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tiến hành các rà soát pháp luật nội địa để chuẩn bị cho việc thực thi TPP.
Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu có những tìm hiểu chung về TPP. Một số doanh nghiệp đã có những nghiên cứu kỹ về các cam kết TPP và xây dựng chiến lược kinh doanh để tận dụng hiệp định này. Do CPTPP có nội dung không khác nhiều TPP, nên những công việc chuẩn bị này sẽ vẫn hữu ích cho việc thực thi CPTPP sau này.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những công việc chuẩn bị để khởi động cho một quá trình lâu dài thực thi CPTPP nếu hiệp định có hiệu lực, bởi đây là một FTA lớn với nhiều nội dung phức tạp.
Thực thi CPTPP đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều bộ, ban, ngành và cả sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Làm sao để việc sửa đổi các quy định pháp luật nội địa vừa phù hợp với cam kết trong CPTPP vừa mang lại lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp? Điều này chỉ có thể thực hiện thông qua tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thay đổi pháp luật thực thi TPP.
Việc tham vấn này cần được thực hiện minh bạch, đồng bộ và liên tục, tránh các trường hợp tham vấn rời rạc, tham vấn chỉ tập trung ở một số ngành, một số doanh nghiệp lớn....
- Xin cảm ơn bà!
Trí Lâm(thực hiện)