Tân thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ phải chịu áp lực không nhỏ trước những xì xào rằng vợ ông, Akshata Murthy, đang kiếm tiền hàng chục triệu bảng từ cổ tức của một công ty gia đình có làm ăn với Nga.

Vợ tân Thủ tướng Anh và vụ bỏ vốn 900 triệu USD vào công ty "làm ăn với Nga"

Tá Nhu | 25/10/2022, 07:43

Tân thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ phải chịu áp lực không nhỏ trước những xì xào rằng vợ ông, Akshata Murthy, đang kiếm tiền hàng chục triệu bảng từ cổ tức của một công ty gia đình có làm ăn với Nga.

Bà Murthy đã kết hôn với ông Sunak vào năm 2009, được cho là có giá trị hàng trăm triệu bảng Anh và cặp đôi này đã lọt vào danh sách những người giàu nhất của Sunday Times vào tháng 5, với tổng tài sản là 730 triệu bảng Anh (834 triệu euro).

Ngay từ nửa năm trước, hai đảng đối lập là đảng Lao động và đảng Dân chủ Tự do đã kêu gọi Sunak khi ấy là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Thủ tướng Boris Johnson phải trả lời “những câu hỏi rất nghiêm trọng” về số cổ phần ước tính 900 triệu USD (690 triệu bảng Anh) của bà Murthy trong công ty tư vấn và dịch vụ CNTT Infosys.

Infosys, được thành lập bởi NR Narayana Murthy - người cha vợ tỷ phú của tân thủ tướng Anh, hồi tháng 4 đã bị cáo buộc tìm cách hoạt động tại Nga trong khi hầu hết các công ty tư vấn và công nghệ thông tin lớn toàn cầu như SAP, Oracle, PwC, McKinsey, Accenture và KPMG đều đã đóng cửa hoạt động tại Nga.

Bộ trưởng tài chính Sunak khi đó đã nhiều lần kêu gọi các công ty Anh rút khỏi Nga để "gây ra tổn thất kinh tế tối đa" cho Nga nhưng ông đã từ chối bình luận về 0,91% cổ phần của vợ mình trong Infosys.

Khi được Sky News hỏi liệu gia đình Sunak có “khả năng hưởng lợi từ chế độ của Putin” hay không, Sunak nói: “Tôi không nghĩ là như vậy. Tôi là một chính trị gia được bầu chọn và tôi ở đây để nói về những gì tôi chịu trách nhiệm. Vợ tôi thì không”.

Người phát ngôn của Sunak cho biết cả Murthy và bất kỳ thành viên nào trong gia đình cô đều không “dính líu đến các quyết định hoạt động của công ty”. Murthy, hiện sống cùng Sunak và hai con của họ tại ngôi nhà phố của họ ở trang viên Kensington và Yorkshire, đã thu về khoảng 11,5 triệu bảng Anh tiền trả cổ tức từ Infosys trong năm qua.

Lesia Vasylenko, một nghị sĩ Ukraine nửa năm trước nói rằng tiền trả cổ tức bởi bất kỳ công ty nào hoạt động ở Nga nên được coi là tiền đã "tài trợ cho quân đội (Nga)". Khi được hỏi về việc Murthy nắm giữ Infosys trên LBC, Vasylenko cho biết: “Bất kỳ khoản tiền nào được đưa vào nền kinh tế Nga theo cách này hay cách khác, trực tiếp, thông qua đầu tư, thông qua thuế… số tiền đó sẽ được sử dụng để tài trợ cho quân đội.

Mỗi công ty đều có sự lựa chọn để thực hiện, bạn có thể điều hành công việc kinh doanh như bình thường và kiếm tiền, nhưng bạn phải sống với thực tế đó là tiền và kinh doanh xương máu”.

Louise Haigh, bộ trưởng giao thông trong “nội các gương”, nói với BBC hồi tháng 4 rằng "thực sự khá sốc" khi có vẻ như "bản thân gia đình Rishi Sunak đang thu lợi từ việc kinh doanh ở Nga... Bộ trưởng Tài chính (Sunak) đã rõ ràng kêu gọi doanh nghiệp thoái vốn khỏi Nga để gây thiệt hại kinh tế đau đớn và đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt được cảm nhận sâu sắc nhất có thể. "

Một lãnh đạo của đảng Dân chủ Tự do, Christine Jardine, cho biết Sunak “cần phải công khai và bạch hóa mọi xung đột lợi ích tiềm ẩn”. Bà nói: “Sự cởi mở và minh bạch hoàn toàn là chìa khóa trước những rủi ro gây ra bởi các mối liên hệ tài chính với Nga. “Công chúng xứng đáng được minh bạch hoàn toàn về vấn đề này. Nó không thể là một quy tắc cho Bộ trưởng tài chính và một quy tắc khác cho tất cả những người khác. "

Trước áp lực đó, Infosys khi ấy ra tuyên bố cho biết họ có “một nhóm nhỏ nhân viên ở ngoài nước Nga, phục vụ một số khách hàng toàn cầu của chúng tôi tại địa phương”. Infosys khẳng định: “Chúng tôi không có bất kỳ mối quan hệ kinh doanh tích cực nào với các doanh nghiệp địa phương của Nga”, đồng thời nói thêm rằng họ đã cam kết chi 1 triệu USD để giúp đỡ các nạn nhân của chiến tranh.

Sau sự việc bị khui vào tháng 4 nêu trên thì đến tháng 5, báo chí Anh tiếp tục gây áp lực với gia đình ông Sunak.

Mirror đưa tin Công ty Infosys đã cam kết "đóng cửa khẩn cấp các hoạt động của mình" tại quốc gia này vào tháng 4, nhưng đầu tháng 5, công ty vẫn hoạt động ở Moscow.

Khi bị đặt câu hỏi, vợ của Sunak, Akshata Murty, người có 0,93% cổ phần trong công ty, nói với Sky News rằng đây là “vấn đề của Infosys và cần tìm họ đặt vấn đề” còn bản thân bà "không tham gia vào các quyết định hoạt động của công ty".

Bộ trưởng tài chính trong nội các gương Tulip Siddiq nói rằng điều quan trọng là phải làm rõ gia đình của ông Sunak không "hưởng lợi từ sự hiện diện tiếp tục của Infosys ở Nga."

Infosys nói với City AM: “Như các vị đã biết, trong kết quả hàng quý, Infosys đã công bố quyết định chuyển dịch vụ từ Nga sang các trung tâm trên khắp toàn cầu.

Mặc dù công ty không có bất kỳ mối quan hệ tích cực nào với các doanh nghiệp địa phương của Nga, nhưng chúng tôi có một đội ngũ nhỏ dưới 100 nhân viên ở Nga, phục vụ một số khách hàng toàn cầu của công ty. Chúng tôi hiện đang làm việc chặt chẽ với những khách hàng đang bị ảnh hưởng để cho phép quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ”.

Cho đến cuối tháng 6, Infosys cho biết họ vẫn đang chuyển đội ngũ chưa đến 100 người từ Nga sang các dự án bên ngoài nước này. Giám đốc điều hành Salil Parekh nói rằng công ty rất ủng hộ hòa bình trong cuộc xung đột Ukraine-Nga và đang hỗ trợ mọi nỗ lực để giúp đỡ những người đang bị ảnh hưởng bởi tình hình.

Parekh nói: "Chúng tôi không có công việc kinh doanh ở Ukraine. Chúng tôi có một đội rất nhỏ dưới 100 người ở Nga. Chúng tôi đã bắt đầu các bước để chuyển đổi công việc mà họ đang làm ra bên ngoài nước Nga. Chúng tôi không phục vụ bất kỳ khách hàng nào là người Nga. Có các khách hàng toàn cầu đang thực hiện một số hoạt động ở Nga”.

Infosys, được thành lập bởi NR Narayana Murthy vào năm 1981 và hiện có giá trị thị trường khoảng 100 tỉ USD, có mối liên hệ lịch sử chặt chẽ với Nga và tổng thống Putin.

Murthy đã chào đón ông Putin trong chuyến tham quan khuôn viên Infosys ’Bangalore vào năm 2004, trong đó ông nói rằng chuyến thăm Ấn Độ của nhà lãnh đạo Nga là một lời khẳng định về "mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta”. Murthy đã khẳng định: “Khi quan hệ song phương của chúng ta ngày càng mở rộng về phạm vi và chiều sâu, chắc chắn công nghệ thông tin sẽ là một trong những lĩnh vực mà cả hai quốc gia có thể hợp tác vì tài năng và kiến ​​thức”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vợ tân Thủ tướng Anh và vụ bỏ vốn 900 triệu USD vào công ty "làm ăn với Nga"