Hiện nay, nhiều gia đình khó khăn trong sinh nở, mọi trách nhiệm đổ lên vai người phụ nữ. Từ thực tế đó, vô hình trung, người phụ nữ đã phải “chịu trận”.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ, Nguyễn Thị Minh - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - BV Phụ sản Trung ương về tư duy của nam giới trong điều trị vô sinh.
Thưa bà, nhiều gia đình khó khăn trong sinh nở, mọi trách nhiệm đổ lên vai người phụ nữ. Là bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ sinh sản, bà có nhận định thế nào về thực tế này?
Hiện nay tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng ở Việt Nam khoảng 15%, trong đó xuất phát từ người vợ chiếm khoảng 40%, từ người chồng 40% và 10% không rõ nguyên nhân.
Do vậy, phải thay đổi tư duy đối với nam giới trong việc điều trị vô sinh. Nam giới cần cởi mở hơn và phải thừa nhận vô sinh hiếm muộn xuất phát từ hai phái. Do vậy, khi đi khám vô sinh, cần khám cả hai vợ chồng chứ không chỉ tập trung riêng về phái nữ. Việc quy trách nhiệm hay đổ lỗi cho người phụ nữ là quan niệm sai lầm
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện nước ta đang gia tăng số cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn. Bà có thể lý giải rõ hơn về điều này?
Tình trạng vô sinh hiếm muộn đang là thách thức của ngành sản khoa nhưng không phải hết hy vọng cho các cặp vô sinh khi y khoa ngày nay đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực điều trị vô sinh và hiếm muộn.
Theo kết quả một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước do ông Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế, làm chủ đề tài, khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam hiếm muộn. Con số này tương đương với 1 triệu cặp cần được hỗ trợ sinh sản.
Cũng theo các chuyên gia về sản phụ khoa và hiếm muộn, chỉ có khoảng 40% nguyên nhân vô sinh có thể giải quyết được bằng điều trị thuốc hoặc phẫu thuật, còn lại 60% là cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại. Thời gian vô sinh càng kéo dài, việc điều trị càng phức tạp, chi phí cũng càng lớn. Chính vì vậy tôi khuyến cáo các cặp vợ chồng sau khi cưới khoảng từ 6 tháng đến 1 năm mà chưa thụ thai, nên đi khám bác sỹ chuyên khoa để sớm tìm được cách chữa trị hiệu quả nhất.
Là một bác sỹ sản khoa chuyên giúp các cặp vợ chồng sinh con, tuy nhiên không phải ai cũng có được may mắn đó. Xin bà đưa ra những lời khuyên cho những cặp vợ chồng không thể có con?
Hiện nay, công tác điều trị vô sinh mất rất nhiều thời gian. Có những trường hợp nhẹ, điều trị mất khoảng 1- 2 tháng, tuy nhiên có không ít trường hợp nặng phải mất từ 5- 7 năm và còn có nhiều phụ nữ rơi vào tình cảnh xót xa mãi mãi không bao giờ thực hiện được thiên chức làm mẹ.
Nhiều lúc tiếp xúc, làm việc với bệnh nhân mà thời gian điều trị dài nhưng vẫn chưa đạt được kết quả khả quan tôi cũng thấy rất trăn trở. Những lúc đó tôi thường phải nghiên cứu kỹ, xem lại thật tỉ mỉ hồ sơ bệnh án để tìm những điểm còn nghi vấn, kết hợp với thảo luận với đội ngũ bác sỹ tìm hiểu căn nguyên của vấn đề, để có giải pháp xử lý.
Quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương” được nhiều người ứng dụng trong y học đặc biệt là lĩnh vực sản khoa. Nhiều người không chỉ tìm đến thầy thuốc trong nước mà còn nhờ đến cả thần linh, cúng bái, bói toán. Bà nghĩ sao về phương pháp này?
Việc người dân khi gặp bất lực tìm đến thế giới tâm linh chỉ thỏa mãn, giải tỏa nhu cầu tinh thần, giúp họ có thêm một nơi để bấu víu, tin tưởng, còn thực tế việc có con hay không phụ thuộc vào thể trạng, sức khỏe của các cặp vợ chồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phần lớn những cặp vợ chồng tìm đến trung tâm điều trị vô sinh hiếm muộn là những cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Hiện tại, ở Việt Nam, chi phí cho một ca thụ tinh nhân tạo dao động trong khoảng 50-60 triệu đồng. Trong khi đó ở một số nước khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore, chi phí này cao gấp nhiều lần, dao động từ 8.000 đến 15.000 USD (tương đương khoảng 170 triệu đến 300 triệu đồng).
Theo Diệu Thu (Danviet.vn)