Nhiều người bỏ ra hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng để mua các gói sở hữu kỳ nghỉ và tưởng rằng có thể sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp. Tuy nhiên, thực tế lại khiến nhiều người “vỡ mộng”.

‘Vỡ mộng’ khi ký hợp đồng mua gói sở hữu kỳ nghỉ

Hồ Đông | 26/08/2021, 12:58

Nhiều người bỏ ra hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng để mua các gói sở hữu kỳ nghỉ và tưởng rằng có thể sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp. Tuy nhiên, thực tế lại khiến nhiều người “vỡ mộng”.

Nhiều tranh chấp liên quan đến hợp đồng kỳ nghỉ

Trong 1 thập kỷ trở lại đây, dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ - gói nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm tại các khu nghỉ dưỡng - cũng không còn quá xa lạ ở Việt Nam và trên thế giới. Theo đó, người sở hữu kỳ nghỉ có quyền sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định và có thể chia sẻ sản phẩm hoặc trao đổi dịch vụ đó với các chủ sở hữu khác.

Để "sở hữu kỳ nghỉ", người mua sẽ phải trả một khoản tiền để có thể sở hữu kỳ nghỉ tại các bất động sản bất kỳ trong hệ thống của doanh nghiệp (thường là một tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản hay nghỉ dưỡng). Chủ sở hữu có quyền sử dụng bất động sản đó trong một khoảng thời gian thường là 7 ngày/năm liên tục trong nhiều năm với mức giá được quy định tại hợp đồng.

Tuy nhiên, loại hình kinh doanh mới này khi du nhập vào Việt Nam - sau một thời gian - đã xuất hiện những vấn đề gây bức xúc cho người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch liên quan đến dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ.

Một số phản ánh từ người tiêu dùng cho thấy, sau khi hai bên ký kết hợp đồng nhiều năm, dù đã thanh toán nhiều đợt cho phía doanh nghiệp với trị giá lên tới hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng nhưng họ vẫn chưa được sử dụng dịch vụ kỳ nghỉ như doanh nghiệp cam kết. Khi người tiêu dùng có yêu cầu chấm dứt hợp đồng, hoàn trả tiền thì bị doanh nghiệp gây nhiều khó khăn, thậm chí không được hoàn trả.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian qua, các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vẫn tiếp tục được cơ quan truyền thông thông tin cũng như người tiêu dùng phản ánh tới Cục.

Đặc biệt, đã có tranh chấp về loại hợp đồng này được xét xử tại Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa theo bản án sơ thẩm số 54/2018/DS-ST ngày 16.11.2018 (bản án). Trong các thông tin được phản ánh cũng như nội dung khởi kiện tại bản án trên, việc người tiêu dùng không đọc kỹ hợp đồng tại thời điểm giao kết do thời gian eo hẹp là một thực trạng phổ biến.

Thậm chí, sau khi ký kết hợp đồng, người tiêu dùng vẫn mặc nhiên xác định quyền và nghĩa vụ của các bên theo các thông tin được quảng cáo và “cam kết miệng” từ bên cung cấp dịch vụ hoặc đơn vị được thuê quảng cáo, bán hàng. Đến khi phát sinh giao dịch trên thực tế, ví dụ nhận được thư điện tử thông báo từ phía công ty hoặc khi khách hàng liên hệ để đặt phòng nghỉ dưỡng, khách hàng mới xem kỹ lại hợp đồng đã giao kết và thấy có những điều khoản không hợp lý hoặc không đúng với nội dung quảng cáo.

hop-dong-so-huu-ky-nghi.jpeg
Nhiều tranh chấp liên quan đến hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ - Ảnh: Internet

Cẩn trọng khi ký hợp đồng

Về vấn đề này, khoản 1, Điều 17 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng. Bên cạnh nghĩa vụ của doanh nghiệp, việc nghiên cứu hợp đồng còn là quyền của người tiêu dùng và trong một số trường hợp, việc hợp đồng không được nghiên cứu kỹ còn xuất phát từ việc người tiêu dùng đã từ bỏ quyền này của mình trước sự chào mời về các lợi ích hấp dẫn nếu ký kết hợp đồng ngay.

Cụ thể, trong vụ án trên, nguyên đơn cho rằng khi tham gia ký kết hợp đồng, nhân viên tiếp thị của bên cung cấp dịch vụ đã không cho nguyên đơn thời gian hợp lý để nghiên cứu nội dung hợp đồng. Với lý lẽ này, Tòa án nhận định rằng việc dành thời gian nghiên cứu hợp đồng là quyền của người tiêu dùng, việc nguyên đơn không sử dụng quyền này là xem như từ bỏ quyền của mình.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như Bộ luật Dân sự không có quy định về việc nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng thì hợp đồng sẽ vô hiệu. Việc nguyên đơn đã tự nguyện ký kết hợp đồng là có thật và tại phiên tòa, đại diện cho nguyên đơn vẫn khẳng định việc giao kết hợp đồng là hoàn toàn tự nguyện. Vì thế, hợp đồng phát sinh hiệu lực.

“Như vậy, để tránh kết quả không mong muốn xảy ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng. Trước khi quyết định, cần nghiên cứu kỹ hợp đồng và so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc cam kết miệng của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng.

Đặc biệt, khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung. Cần tỉnh táo trước những lợi ích hấp dẫn được chào mời để đặt cọc hoặc ký bất kỳ tài liệu nào do doanh nghiệp đưa ra bởi hệ quả của việc bị ràng buộc vào một giao dịch mình chưa hiểu rõ có thể sẽ lớn hơn rất nhiều lợi ích trước mắt”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến cáo.

Bài liên quan
Chủ tịch HoREA: Doanh nghiệp thua lỗ, ngân hàng lãi ‘khủng’ là phản cảm
Chủ tịch HoREA cho rằng doanh nghiệp thua lỗ, còn các ngân hàng lãi to là phản cảm. Điều này tương phản với bức tranh chung của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Vỡ mộng’ khi ký hợp đồng mua gói sở hữu kỳ nghỉ