Chuyên gia dự báo, với kịch bản tích cực, VN-Index có thể biến động trong vùng 1.391 – 1.441 với điệu kiện P/E ở vùng 14 – 14,5.
Thị trường và chính sách

VN-Index có thể chạm 1.441 điểm năm 2024 với kịch bản tích cực

Lam Thanh 19/03/2024 23:42

Chuyên gia dự báo, với kịch bản tích cực, VN-Index có thể biến động trong vùng 1.391 – 1.441 với điệu kiện P/E ở vùng 14 – 14,5.

Chiều ngày 19.3, Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Kinh tế hồi phục – ngân hàng dẫn sóng và triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) 2024”.

Theo các chuyên gia, năm 2023 có nhiều biến động động kinh tế và chính trị, nhưng bước sang năm 2024 đã có những tín hiệu lạc quan dần.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết lạm phát toàn cầu giảm khá nhanh, dự báo 2024 xuống mức khoảng 3% và không còn là vấn đề đáng lo ngại. Do đó, các ngân hàng trung ương có thể giữ nguyên hoặc giảm dần lãi suất.

ck-4.jpeg
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV

Với Việt Nam, ông Lực dự báo lãi suất ở mức trung bình và sẽ đi ngang trong năm 2024 khi các yếu tố vĩ mô chưa có nhiều tác động để lãi suất phải giảm thêm.

Ông Lực cho rằng kinh tế Việt Nam tính đến tháng 2 về cơ bản tiếp tục phục hồi tích cực so với mức nền thấp của năm 2023. Dự báo từ các tổ chức uy tín đồng thuận về sự tăng trưởng của Việt Nam từ 5,5% – 6,5%. Tuy nhiên, lạm phát dự báo có thể cao hơn với kỳ vọng do vòng quay tiền nhanh hơn bởi kinh tế hồi phục, tăng lương cơ bản, tăng giá một số mặt hàng thiết yếu…

Ngoài ra, ông Lực cũng đánh giá việc nhiều luật sắp có hiệu lực sẽ góp phần tháo gỡ rất nhiều điểm nghẽn của thị trường đất đai, bất động sản…

TS Cấn Văn Lực cho rằng đây là những yếu tố tác động tích cực đến TTCK. Bằng chứng là TTCK tăng trưởng tích cực, tăng 11% trong 2 tháng đầu năm 2024, bằng cả năm ngoái. Số liệu "hàn thử biểu" sát hơn với thực tế, không có hiện tượng “bong bóng”, tăng trưởng nóng như trước.

ck-1.jpeg
Thị trường chứng khoán được dự báo tích cực

Các chuyên gia tại hội thảo cũng đánh giá TTCK đã cho thấy giai đoạn tạo đáy dài hạn.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Nhất Việt cho biết bối cảnh kinh tế còn khó khăn nhưng số lượng cổ phiếu vượt đỉnh 2022 lên tới 206 mã. Trong đó, nhiều mã tăng trưởng về giá lên tới 300%, 400%, thậm chí 700%. Các nhóm ngành lớn như ngân hàng, bán lẻ, dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản cũng ghi nhận nhiều “gương mặt” quen thuộc vượt đỉnh.

“VN-Index đã tạo đáy vững chắc tại vùng 900 điểm vào tháng 11.2022 và xác nhận bước vào một xu hướng tăng trung hạn”, ông Hoàng nêu.

Vị chuyên gia cho biết minh chứng cho điều này là định giá P/E của thị trường cũng đã tạo đáy; dòng tiền tự doanh và dòng tiền nước ngoài mua ròng mạnh từ cuối năm 2022 hỗ trợ thị trường tạo đáy.

“Thị trường tạo đáy và đi lên trong nghi ngờ khi chính sách tiền tệ đảo chiều. Biến động của VN-Index có tương quan với sự thay đổi của lãi suất điều hành. Cụ thể, việc hạ lãi suất điều hành hầu hết đều tạo ra những pha tăng điểm mới của thị trường. Diễn biến này đã xuất hiện kể từ cuối năm 2022 khi lãi suất điều hành đã bắt đầu được điều chỉnh giảm”, ông Hoàng nêu.

Theo đó, tính riêng trong năm 2023, VN-Index 2023 tăng 10% trong bối cảnh kinh tế khó khăn với động lực tăng trưởng đến từ định giá rẻ, mức chiết khấu lớn và sự đảo chiều chính sách tiền tệ.

hoang.jpeg
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Nhất Việt

Với nền tảng như vậy, ông Hoàng đưa ra 2 kịch bản về TTCK năm 2024.

Với kịch bản trung tính: VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.317 – 1.366 với điều kiện P/E ở vùng 13,5 – 14 và tăng trưởng EPS đạt 10%.

Với kịch bản tích cực: VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.391 – 1.441 với điệu kiện P/E ở vùng 14 – 14,5 và tăng trưởng EPS đạt 12%

Theo ông Hoàng, động lực tăng trưởng cho thị trường đến từ TTCK Việt Nam là điểm đến tiềm năng của dòng tiền đầu tư trong năm 2024 khi các kênh đầu tư khác trở nên kém hấp dẫn hơn; môi trường lãi suất thấp được duy trì sẽ thẩm thấu và tác động rõ rệt lên nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp; hoạt động kinh doanh cốt lõi và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp cải thiện và tăng trưởng trở lại…

Ông Hoàng cho rằng 3 ngành tiềm năng trong năm 2024 bao gồm: ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp và bán lẻ.

Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích dữ liệu, FiinGroup Việt Nam đánh giá, ngành ngân hàng trong năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề nợ xấu khiến áp lực trích lập lớn, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp với lượng đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300 nghìn tỉ đồng và thị trường bất động sản cần thời gian để giải quyết các vướng mắc về pháp lý.

Tuy nhiên, theo bà Vân, triển vọng ngành vẫn được kỳ vọng lợi nhuận sau thuế ngành ngân hàng dự báo tăng 12 – 15% so với mức 3,5% trong năm 2023 dựa trên sự hồi phục từ tăng trưởng tín dụng trong môi trường lãi suất thấp, sức khỏe nền kinh tế tăng trưởng cao hơn năm trước cùng với NIM (tỷ suất lợi nhuận lãi thuần) cải thiện.

Từ đó, bà Vân cũng đưa ra khuyến nghị nên lựa chọn cổ phiếu ngân hàng dựa trên 2 tiêu chí: “Kỳ vọng lợi nhuận hồi phục và định giá hấp dẫn” và “có kế hoạch bán vốn, thuộc top nắm giữ của quỹ ngoại”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VN-Index có thể chạm 1.441 điểm năm 2024 với kịch bản tích cực