"Việc cáo buộc nhà mạng Halotel có liên quan đến vụ việc này là cáo buộc một phía và chưa có kết luận chính thức từ tòa án Tanzania", thông cáo của Viettel nêu.
Ngày 7.6,Reutersđưa tin các công tố viên Tanzania đã buộc tội giám đốc điều hành của 2 công ty điện thoại di động và 4 nghi phạm khác với tội danh gian lận thuế.
Trong 2 lãnh đạo kể trên có một người quốc tịch Việt Nam là ông Lê Văn Đại, 35 tuổi, Giám đốc điều hành Halotel Tanzania, doanh nghiệp thuộc sở hữu của Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel). Người còn lại mang quốc tịch Ai Cập là Sherif El Barbary, Giám đốc điều hành Zantel.
Liên quan đến vấn đề này, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa phát đi thông cáo cho biết, ngày 6.6.2018, ông Lê Văn Đại, Giám đốc Halotel - công ty của Viettel tại Tanzania và ông Sherif El Barbary, Giám đốc Công ty viễn thông Zantel - một công ty thuộc Millicom, đã bị toà án Tanzania triệu tập và lưu giữ.
Việc triệu tập này là do chính phủ Tanzania vừa bắt một nhóm người nước ngoài tàng trữ số lượng lớn sim cards và sim box (300.000 SIM) tình nghi là gian lận cước quốc tế trong đó có SIM của hai nhà mạng Halotel và Zantel.
"Việc cáo buộc nhà mạng Halotel có liên quan đến vụ việc này là cáo buộc một phía và chưa có kết luận chính thức từ tòa án Tanzania", thông cáo nêu.
Về số lượng 300.000 SIM nghi ngờ để sử dụng cho mục đích gian lận cước, Viettel cho biết là do nhóm người nước ngoài thu mua từ hệ thống đại lý phân phối của nhà mạng (tại Tanzania các nhà mạng đều phân phối SIM qua đại lý và hướng dẫn yêu cầu đại lý kích hoạt Sim theo quy định của pháp luật). Vì thế Halotel không trực tiếp bán SIM cho đối tượng người nước ngoài bị tình nghi.
Theo đó, đối với việc nhập khẩu, lắp đặt và sử dụng các thiết bị viễn thông nghi ngờ liên quan đến gian lận cước và qua mặt chính quyền quản lý là do nhóm người nước ngoài đang bị giam giữ thực hiện không liên quan đến Halotel.
Viettel cho biết hiện sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra của cảnh sát và tòa án nước sở tại. Halotel đang có đầy đủ các chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê Văn Đại và thương hiệu Halotel.
Viettel cũng khẳng định luôn cẩn trọng và tuân thủ luật lệ trong hoạt động đầu tư quốc tế.
Viettel đầu tư vào Tanzania từ năm 2004 với khoảng 800 triệu USD. Sau 3 năm hoạt đông, Halotel là nhà mạng lớn thứ ba tại Tanzania. Doanh thu của Halotel năm 2017 đã tăng trưởng 65% (mức tăng trưởng cao nhất trong các thị trường mà Viettel đầu tư). Halotel cũng tiết kiệm chi tiêu được gần 7 triệu USD trong khi vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Lam Thanh