Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có xu hướng tăng dần về thứ hạng chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) qua các năm, điều đó khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Sau khi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2019, Bộ KH-CN đã tổ Hội thảo trực tuyến Báo cáo chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2019 và kết quả của Việt Nam.
Cụ thể, Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia và các nền kinh tế. Phương pháp đánh giá được liên tục hoàn thiện qua các năm và là hệ quy chiếu toàn diện nhất để đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia và các nền kinh tế.
Chỉ số GII năm 2019 với 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số vẫn được chia thành 7 trụ cột chính với 5 trụ cột đầu vào là: Thể chế vĩ mô, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Thị trường và Môi trường kinh doanh và 2 trụ cột đầu ra là: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.
Trước đó, ngày 24.7.2019 tại New Delhi (Ấn Độ), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2019. Theo đó, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018.
So với xếp hạng năm 2016, thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore, Malaysia. Kết quả chỉ số GII năm 2019 cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều chỉ tiêu Chính phủ đặt ra cho năm 2019 và 2021.
Theo thông tin từ Bộ KH-CN, một số chỉ số có cải thiện so với năm 2018 gồmTrình độ phát triển của thị trường tăng 3 bậc; Tín dụng tăng 4 bậc; Tăng năng suất lao động tăng 3 bậc.Đặc biệt là hai chỉ số liên quan đến đầu vào và đầu ra của KH-CN và đổi mới sáng tạo; cụ thể, chỉ sốTổng chi cho nghiên cứu và phát triển tăng 5 bậc; và chỉ số Sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ tăng 8 bậc.
Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ), Chủ tịch đại hội đồng WIPO nhận định việc cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số GII 2019 là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đứng đầu là Bộ KH-CN để triển khai đồng bộ các giải pháp.
Theo Đại sứ Dũng, chỉ số GII không chỉ là một tài liệu rất quan trọng đối với Việt Nam mà hiện tại tất cả các nước, trong đó các nước phát triển, đang phát triển (như Trung Quốc, Ấn Độ…) và các nước có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ đều quan tâm.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam có xu hướng tăng dần về thứ hạng chỉ số GII qua các năm, điều đó khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Về phía Bộ KH-CN, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Với tư cách là đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về đổi mới sáng tạo do Chính phủ phân công, Bộ KH-CN sẽ tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương với các hoạt động cụ thể.
Thu Anh