Nguyên nhân chính đã giúp cho Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong 9 tháng qua là do sự hạ nhiệt của lạm phát thế giới đã tác động tới lạm phát của Việt Nam.
Tài chính và đầu tư

Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát 9 tháng qua, vì sao?

Lam Thanh 17:21 08/10/2024

Nguyên nhân chính đã giúp cho Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong 9 tháng qua là do sự hạ nhiệt của lạm phát thế giới đã tác động tới lạm phát của Việt Nam.

Lạm phát thế giới hạ nhiệt tác động đến Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9.2024 tăng 0,29% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung Việt Nam kiểm soát khá thành công lạm phát trong 9 tháng qua.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng nguyên nhân chính đã giúp cho Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong 9 tháng qua là sự hạ nhiệt của lạm phát thế giới đã tác động tới lạm phát của Việt Nam.

Cụ thể, tỷ lệ lạm phát của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu tháng 9.2024 chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong ba năm rưỡi và dưới mức mục tiêu 2% của ECB. Trong tháng 8.2024, lạm phát của Mỹ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; Tây Ban Nha tăng 2,3%; Đức tăng 1,9%; Pháp tăng 1,8%. Tại châu Á, lạm phát tháng 8.2024 của Ấn Độ tăng 3,7%; Nhật Bản tăng 3%; Hàn Quốc tăng 2%.

Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, CPI tháng 9.2024 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước.

“Việc lạm phát thế giới hạ nhiệt đã giúp cho Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa bình quân 9 tháng đầu năm giảm 1,73% so với cùng kỳ năm trước”, bà Oanh nêu.

lp-1.jpg
Việt Nam kiểm soát khá thành công lạm phát trong 9 tháng qua

Đặc biệt, bà Oanh cho rằng phải kể đến mặt hàng xăng dầu, là một trong những mặt hàng chiếm tỷ trọng không nhỏ trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam, trong khi giá mặt hàng này lại phụ thuộc chủ yếu vào giá của thế giới. Do đó, giá dầu thế giới giảm làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước quý 3/2024 giảm 7,72% so với cùng kỳ năm trước đã tác động làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm.

Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân; chú trọng tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ.

Ngoài ra, cơn bão số 3 và hoàn lưu bão trong tháng 9 đã làm cho tại một số nơi, một số thời điểm xuất hiện hiện tượng khan hiếm hàng hóa như rau, củ quả, thực phẩm, nước uống… dẫn đến tăng giá cục bộ. Nhưng để bù đắp nguồn cung hàng hóa bị thiếu hụt do ảnh hưởng của bão số 3, các doanh nghiệp đã tăng cường nhập hàng từ phía nam, Đà Lạt nhằm giữ giá cả cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; Thủ tướng kịp thời có các công điện chỉ đạo cung ứng hàng hóa... Nhờ đó, hoạt động thương mại của các địa phương bị ảnh hưởng của bão đã sớm trở lại bình thường và giá cả hàng hóa có xu hướng trở về mức trước bão.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp được Chính phủ tiếp tục thực hiện. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả cũng góp phần kiểm soát lạm phát.

Nhiều yếu tố cần theo dõi thận trọng

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng từ năm 2024, CPI kiểm soát như mục tiêu đề ra do sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cũng như sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm thấp nhưng vẫn còn ở mức tương đối cao, có thể tác động tới kinh tế Việt Nam thông qua nhập khẩu lạm phát.

Ngoài ra, những cú sốc về nguồn cung có thể làm tăng giá hàng hóa, đặc biệt là gián đoạn nguồn cung dầu, các nguyên liệu do xung đột chính trị có thể tác động dai dẳng đến thị trường toàn cầu. Giá năng lượng cao hơn sẽ chuyển sang giá tiêu dùng và làm kỳ vọng lạm phát tăng lên.

Thêm nữa, theo ông Thịnh, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ đưa một lượng vốn lớn ra thị trường. Nhân tố này thúc đẩy việc tăng trưởng GDP nhưng cũng gây áp lực tăng lạm phát; việc tăng lương từ ngày 1.7.2024 cũng là nhân tố gây sức ép tăng cung tiền và tăng áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2024, dù không quá lớn.

lp-2.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính

Ông Thịnh kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng đạt 6,3 - 7%, lạm phát ở mức 3,5 - 3,8%.

Ông Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/- 0,2%), tức là rơi vào kịch bản cao trong dự báo từ đầu năm 2024 là 3,0% (+/-0,5%).

Theo Tổng cục Thống kê, có một số các yếu tố cần được theo dõi thận trọng để kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm nay, ví dụ rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi có thể tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, nhất là dịp cuối năm.

Ngoài ra, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường; USD có mức giá cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước…

Song song với đó, các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát 9 tháng qua, vì sao?