Ngày 10.3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Xây dựng về Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (gọi tắt Đề án).

Việt Nam không chỉ hướng tới 1 triệu căn nhà ở xã hội khi hàng chục triệu người có nhu cầu

H.Đ | 11/03/2023, 06:53

Ngày 10.3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Xây dựng về Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (gọi tắt Đề án).

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, việc thực hiện Đề án không chỉ gói gọn ở con số 1 triệu căn nhà ở xã hội, vì hiện nay còn hàng chục triệu người có nhu cầu về nhà ở. Mục tiêu dài hạn, tổng thể của Đề án là phải nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong bảo đảm quyền tiếp cận nhà ở của người dân. Trong từng giai đoạn, cần đề ra mục tiêu cụ thể, như xây ký túc xá cho sinh viên, nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở nhóm người yếu thế… từ đó, đưa ra các giải pháp, chính sách, phân bổ nguồn lực ưu tiên, phù hợp.

Phó thủ tướng  yêu cầu nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó, cần tính đến mức thu nhập phổ biến của người lao động và khả năng có thể mua nhà ở xã hội.

Ông Trần Hồng Hà cho rằng: "Nhà nước phải bảo đảm giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến Bộ Xây dựng mà cả Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng… Do vậy, các bộ, ngành cần nghiên cứu chính sách để công nhân, người lao động có việc làm, thu nhập ổn định được vay tiền để mua nhà, thuê nhà… với mức lãi suất thấp".

Những khó khăn về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội cần được khẩn trương tháo gỡ theo hướng Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về hạ tầng, đất đai, tài chính… cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, "lấy đầu tư công về hạ tầng cơ bản để dẫn dắt, thu hút đầu tư".

Theo Phó thủ tướng, trong quá trình triển khai Đề án cần phân định rõ trách nhiệm của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương là làm gì, khu vực tư nhân làm gì; đồng thời, có tiêu chí xác định dự án sử dụng vốn đầu tư công, hợp tác công-tư và xã hội hoá. Đồng thời, ông Trần Hồng Hà cũng lưu ý, các dự án nhà ở xã hội cần được tính toán đồng bộ, dự báo chính xác để đưa vào quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.

Trên cơ sở đó, Phó thủ tướng phân tích: "Cụ thể như khi quy hoạch các khu công nghiệp phải đi kèm với quy hoạch, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân để có thể hình thành khu đô thị mới với đầy đủ cơ sở hạ tầng. Doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội có đủ năng lực, bảo đảm yêu cầu tiến độ, chất lượng. Chính sách thuê, mua nhà ở xã hội cần linh hoạt để công nhân gắn bó với doanh nghiệp".

Ngày 10.3, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 và công bố chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030.

Tại Hội nghị, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết giai đoạn 2016-2020, nhà ở xã hội chỉ đạt 69,2% chỉ tiêu. Lý do là "Nhà ở xã hội hiện nay gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, việc thẩm định giá bán, thuê mua và xác định đối tượng. Một dự án thương mại bình thường đã kéo dài, nhà ở xã hội còn có nhiều thủ tục hơn và khó hơn khiến tiến độ kéo dài thêm".

Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP cho rằng Luật Nhà ở năm 2005 đã có quy định khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo, phải xác định rõ diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Quy định này đã được kế thừa trong Luật nhà ở hiện hành (Luật nhà ở năm 2014).

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra, quy hoạch sử dụng đất của thành phố thời kỳ 2011-2020 không xác định chỉ tiêu riêng cho đất xây dựng nhà ở xã hội mà chỉ có chỉ tiêu chung về đất ở. Điều này gây lúng túng, thiếu chủ động trong tạo lập quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá: TP vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở cho người thu nhập thấp, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng chưa tương xứng với phát triển nhà ở, quá tải, việc quản lý, bảo trì còn nhiều bất cập

Tại hội nghị, UBND TP cũng công bố chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đến năm 2030, thành phố dự kiến phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam không chỉ hướng tới 1 triệu căn nhà ở xã hội khi hàng chục triệu người có nhu cầu