Theo Bộ GTVT, để hoàn thành dự án, các nhà thầu đã triển khai thủ tục trình UBND tỉnh Đồng Nai xin gia hạn thời gian khai thác nhưng chưa được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây gặp trở ngại tiến độ vì vật liệu phục vụ thi công

H.Đ | 09/03/2023, 07:46

Theo Bộ GTVT, để hoàn thành dự án, các nhà thầu đã triển khai thủ tục trình UBND tỉnh Đồng Nai xin gia hạn thời gian khai thác nhưng chưa được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà  liên quan đến việc gia hạn sử dụng vật liệu đất dôi dư thu hồi trong quá trình thực hiện hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (có tổng chiều dài 99 km. Trong đó, hơn 51 km thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai).

Theo Bộ GTVT, để giải quyết các khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp cho dự án, bên cạnh thực hiện các thủ tục cấp phép các mỏ đất cho dự án theo cơ chế đặc thù tại các Nghị quyết số 60 và Nghị quyết số 133 của Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ, cấp cho các nhà thầu 5 vị trí với tổng trữ lượng là hơn 2,1 triệu m3 với hình thức lập hồ sơ cải tạo hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng.

Vật liệu đất dôi dư trong quá trình thực hiện được thu hồi để sử dụng cho dự án với thời hạn đến ngày 31.12.2022 phù hợp với tiến độ ban đầu của các hợp đồng xây lắp đã ký.

Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách quan như: Dịch bệnh COVID-19 kéo dài, điều kiện thời tiết bất lợi, khan hiếm vật liệu đắp nền (thủ tục cấp phép khai thác theo quy định mất nhiều thời gian) ảnh hưởng đến tiến độ, dự án phải gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu đến ngày 30.4.2023 và cần phải gia hạn thời gian khai thác.

Theo Bộ GTVT, để hoàn thành dự án, các nhà thầu đã triển khai thủ tục trình UBND tỉnh Đồng Nai xin gia hạn thời gian khai thác nhưng chưa được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận.

Nguyên nhân do Thanh tra Chính phủ đang thực hiện thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án giao thông quan trọng quốc gia. Đến nay, Thanh tra Chính phủ làm việc với các sở, ngành của địa phương, chủ đầu tư cũng chưa có ý kiến liên quan đến việc cấp phép hạ cốt nền cải tạo đất nông nghiệp đã cấp cho dự án.

Theo báo cáo từ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU), dự án cần khai thác đất để đắp đường dẫn cầu vượt, các nút giao, đường gom... Các hạng mục này nếu không hoàn thành đồng bộ sẽ không thể khai thác tuyến chính.

Bộ GTVT cho biết, theo tính toán, khối lượng đất còn thiếu là 617.261 m3, trong đó gói thầu 03-XL thiếu 430.000 m3 và gói 04-XL thiếu 187.261 m3. Khối lượng này chủ yếu phải lấy từ nguồn đất hạ cốt nền (cải tạo đất nông nghiệp) với trữ lượng còn lại 967.370 m3 tại xã Suối Cát, xã Xuân Hưng và thị trấn Long Giao. Tuy nhiên, do chưa được gia hạn nên không có vật liệu đất để thi công, dẫn tới việc hoàn thành vào ngày 30.4.2023 sẽ không thực hiện được.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị cần cuộc họp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xem xét việc gia hạn các vị trí hạ cốt nền cải tạo đất nông nghiệp nâng cao hiệu quả cây trồng, vật liệu đất dôi dư trong quá trình thực hiện được thu hồi để sử dụng cho dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các gói thầu trước ngày 30.4.2023 theo yêu cầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây gặp trở ngại tiến độ vì vật liệu phục vụ thi công