Sau khi có thông tin Trung Quốc triển khai phi pháp tên lửa trên đá Xu Bi, đá Vành Khăn, đá Chữ Thập (tất cả đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp), Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối và đề nghị Bắc Kinh rút tên lửa.

Việt Nam đề nghị Trung Quốc rút tên lửa, báo Philippines đòi chính phủ hành động tương tự

12/05/2018, 07:31

Sau khi có thông tin Trung Quốc triển khai phi pháp tên lửa trên đá Xu Bi, đá Vành Khăn, đá Chữ Thập (tất cả đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp), Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối và đề nghị Bắc Kinh rút tên lửa.

Tên lửa YJ đã được Trung Quốc triển khai phi pháp tại Trường Sa - Ảnh: Internet

Ngày 8.5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Việt Nam hết sức quan ngại trước các thông tin nêu trên và khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay (COC).

Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc".

Không chỉ Việt Nam mà Philippines cũng bị ảnh hưởng từ việc Trung Quốc triển khai tên lửa nêu trên. Hệ thống tên lửa chống hạm YJ-12B có tầm bắn 295 hải lý (gần 550 km) bao trùm lên lãnh hải phía tây Philippines và cả đảo Palawan. Báo chí Philippines đang hết sức sốt ruột khi thấy nhà cầm quyền Manila chưa có động thái chính thức nào phản đối hành động của Bắc Kinh.

Trang Philstar của Philippines cho rằng phản ứng của Việt Nam là ví dụ đáng để Manila học hỏi. Trang Inquirer thì nhận định: "Trong khi Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc triển khai tên lửa trong khu vực tranh chấp, chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn chưa thấy nói gì cả".

Thực ra, chính phủ Philippines cũng đã lên tiếng nhưng cách lên tiếng này khá bình thản nên khiến báo chí không hài lòng. Phản ứng chính thức duy nhất là phát ngôn viên của phủ Tổng thống Philippines Harry Roque khẳng định hôm 4.5: “Với mối quan hệ gần gũi và tiến triển gần đây giữa chúng ta với Trung Quốc, chúng tôi tin tưởng rằng hệ thống tên lửa đó không nhắm vào chúng ta”. Đồng thời, đại diện từ Manila nói sẽ tiếp tục tìm các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề này.

Vào ngày Việt Nam lên tiếng phản đối hôm 8.5, trước áp lực từ báo chí và đặc biệt là từ quốc hội, ông Roque mới cho biết Manila chưa lên tiếng vì không có phương tiện kỹ thuật để xác minh thông tin Trung Quốc có triển khai tên lửa hay không. Đồng thời, ông Roque còn nói thêm rằng hiện giờ chính phủ mới đang đi... mua thiết bị về để xác minh.

Trước sự lãnh đạm của chính phủ, các nghị sĩ của Philippines đã yêu cầu quốc hội nước này cần lên tiếng. Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson hôm thứ Tư 9.5 đã kêu gọi Hội đồng An ninh Quốc gia tổ chức phiên họp để xử lý việc Trung Quốc triển khai tên lửa nêu trên và khẳng định hành động của Trung Quốc là vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng.

Roilo Golez, cựu thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia ca ngợi việc Việt Nam củng cố quốc phòng là cách tốt nhất để phòng thủ trên biển và dù có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn sẵn sàng lên tiếng phản đối các hành động gây hấn của Bắc Kinh.

Ngày 7.5, Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes đã đệ trình nghị quyết 722 kêu gọi Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Philippines cần tiến hành điều tra về tin Trung Quốc cho lắp đặt phi pháp các tên lửa chống hạm và hệ thống tên lửa phòng không trên ba cơ sở ở Biển Đông. Theo Thượng nghị sĩ, Trillanes, cáo buộc quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc rất đáng báo động và đặt ra mối đe dọa lớn cho quốc phòng và an ninh quốc gia của Philippines.

Cùng lúc đó, Thượng nghị sĩ Gregorio Honasan, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Thượng viện, cho biết Philippines nên kêu gọi cộng đồng quốc tế và huy động các đồng minh có hiệp ước để chống lại việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông.

Chủ tịch thượng viện Philippines Aquilino Pimentel III cho rằng việc điều tra này cần do Ủy ban Đối ngoại khởi xướng. Bà Loren Legarda, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện lên tiếng khẳng định thông tin Trung Quốc đặt tên lửa trái phép ở Trường Sa là vấn đề nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi: "Chúng ta nên phản đối việc quân sự hoá các khu vực đang tranh chấp, bất chấp kẻ khơi mào là ai".

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đề nghị Trung Quốc rút tên lửa, báo Philippines đòi chính phủ hành động tương tự