"Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành ngành xuất khẩu và là nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho các hãng lớn trên thế giới...".

Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu ô tô, cung cấp linh kiện cho hãng lớn thế giới

tuyetnhung | 12/10/2017, 22:22

"Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành ngành xuất khẩu và là nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho các hãng lớn trên thế giới...".

Bài toán mang tên "nội địa hóa"

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội thảo - Triển lãm Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam diễn ra ngày hôm nay 12.10.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Năm 2016, sản lượng đạt trên 2.000 xe/năm, tăng 38% so với năm 2015 và 109% so với năm 2014.

Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar... đặc biệt đã có sự tham gia tích cực và rộng rãi của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có một số công ty trong nước nhưCông ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco), Công ty cổ phần ô tô TMT... và các Tập đoàn ô tô lớn trên thế giới (Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi...).

Tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô khoảng 460.000 xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con (công suất khoảng 200.000 xe/năm), xe tải và xe khách (công suất khoảng 215.000 xe/năm). Đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỉ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Bên cạnh lợi thế, Thứ trưởng Hải cũng nhìn nhận ngành công nghiệp ô tô của nước ta hiện còn nhiều hạn chế như: Chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản); Giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Theo Thứ trưởng, những hạn chế trên là do quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ (thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/10 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/4 của Indonesia), trong khi ngành công nghiệp ô tô phát triển dựa vào lợi thế quy mô; số lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô quá nhiều so với quy mô thị trường; GDP bình quân đầu người giai đoạn vừa qua chưa đủ để người dân có thể sở hữu ô tô...

Thời gian qua, Việt Nam bước đầu đã hình thành nên một ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình trên 20%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 55% vượt chỉ tiêu so với quy hoạch).

Mặc dù ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô đã hình thành, nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa... Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn; các loại nguyên vật liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Trăn trở nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng sản lượng

Để gạt qua những rào cản, hạn chế và trở thành nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho các hãng ô tô lớn trên thế giới, ông Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam cho rằng, không nên coi sản xuất ô tô là một ngành công nghiệp mà phải là một nền công nghiệp ô tô. Khi nhận thức được như thế thì chúng ta mới có các chính sách bắt kịp xu thế vì quy mô của nó vô cùng lớn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó vụ Trưởng vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đề xuất không nên nói chung chung về vấn đề yêu cầu giảm thuế vì giảm thuế hay các chính sách thuế nói chung đều phải phù hợp với các cam kết, thỏa thuận thương mại quốc tế, điều quan trọng là các doanh nghiệp hãy trăn trở vấn đề làm thế nào nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và gia tăng sản lượng.

Về các chính sách dành cho ngành công nghiệp ô tô, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành nhị định về điều kiện kinh doanh, sản xuất ô tô. Theo đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn. Bởi chỉ có những doanh nghiệp đủ lớn mới kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, từ đó là động lực để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi lên.

"Quan điểm của Chính phủ thời gian tới là ưu tiên kêu gọi các tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia đảm bảo đủ hai tiêu chí: lớn mạnh và chưa có cơ sở sản xuất trong khu vực để kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nước nhà", Thứ truởng nhấn mạnh.

Định hướng và giải pháp phát triển ngành

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với định hướng như sau:

- Đối với xe chở người đến 9 chỗ ngồi (xe con): tập trung vào phát triển các sản phẩm xe con phù hợp với người Việt Nam và xu hướng phát triển xe con của thế giới (xe thân thiện môi trường: eco car, hybrid, xe điện...) gồm: xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

- Đối với xe tải và xe khách: tập trung vào phát triển các chủng loại sản phẩm sản xuất trong nước có lợi thế và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các loại xe chuyên dùng, gồm có: xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn; xe khách tầm trung và tầm ngắn; xe chở bê tông, xi téc và đặc chủng an ninh - quốc phòng; xe nông dụng đa chức năng.

- Về công nghiệp hỗ trợ: định hướng trong thời gian tới là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng, trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công lượng công nghệ cao phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.

Để phát triển ngành công nghiệp ô tô và phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô, thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Công nghiệp và các đơn vị của Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện những giải pháp như: làm đầu mối thành lập tổ công tác liên ngành để đánh giá việc thực hiện chiến lược và quy hoạch ô tô; xây dựng nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; nghiên cứu, áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ qua đó tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu ô tô, cung cấp linh kiện cho hãng lớn thế giới