Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam đang đàm phán với Mỹ về việc sản xuất vắc xin mRNA trong nước.

Việt Nam đàm phán với Mỹ việc sản xuất vắc xin mRNA trong nước

P.V | 22/07/2021, 17:00

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam đang đàm phán với Mỹ về việc sản xuất vắc xin mRNA trong nước.

Vắc xin ngừa COVID-19 theo công nghệ mRNA của Moderna và Pfizer dạy các tế bào của chúng ta cách tạo ra một protein hay chỉ là một mảnh protein, kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể.

Hôm 22.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ rằng các cơ quan chức năng Việt Nam đang thảo luận với nhà sản xuất Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA. Nhà máy sản xuất sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ có công suất 100 - 200 triệu liều/năm, có thể bắt đầu ngay từ quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.

Bà Hằng cho biết Việt Nam sẽ nhận được thêm 3 triệu liều vắc xin Moderna vào ngày 25.7 từ Mỹ thông qua cơ chế COVAX. Trước đó, Việt Nam đã nhận 2 triệu liều vắc xin Moderna mà Mỹ tặng qua COVAX vào ngày 10.7.

Theo Reuters, vào tháng 5.2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang xem xét đề xuất của một nhà sản xuất (không xác định) tại Việt Nam về việc trở thành trung tâm công nghệ vắc xin COVID-19 dựa trên mRNA.

viet-nam-dam-phan-voi-my-san-xuat-vac-xin-mrna-trong-nuoc(1).jpg
Vắc xin công nghệ vắc xin mRNA của Pfizer và Moderna được đánh giá cao

Hôm 21.7, theo Bộ Y tế, Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) về việc đóng ống vắc xin ngừa COVID-19 Sputnik V với quy mô 5 triệu liều/tháng, bắt đầu từ tháng 7.2021, hướng tới chuyển giao công nghệ sản xuất ở quy mô 100 triệu liều/năm.

Bà Hằng nói thêm: “Vabiotech cũng đang đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam”.

Theo Bộ Y tế, đến nay các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác đã cam kết cung ứng cho Việt Nam 150 triệu liều vắc xin thông qua đàm phán mua và viện trợ.

Hiện Việt Nam đã nhận được hơn 8 triệu liều vắc xin hỗ trợ từ các nước và các đối tác, các tổ chức quốc tế: Thông qua cơ chế COVAX khoảng 4,5 triệu liều, Mỹ 2 triệu liều nằm trong cơ chế COVAX, Nhật Bản 3 triệu liều, Trung Quốc 500.000 liều và Nga tặng 1.000 liều.

Các nước và các đối tác cũng cam kết tiếp tục ủng hộ vắc xin cho Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có thể kể đến COVAX sẽ phân bổ tiếp hơn 1 triệu liều, Rumani tặng hơn 100.000 liều, Úc cam kết hỗ trợ 1,5 triệu liều.

Ngoài ra, các nước như Ấn Độ, Anh, Úc, Cuba và Đức… cũng đã có những cam kết cụ thể về viện trợ, ưu tiên, hợp tác chuyển giao công nghệ với Việt Nam.

Về thiết bị, vật tư y tế và các nguồn lực phòng chống dịch bệnh, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ hết sức có ý nghĩa từ UNICEF, các nước như Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đức, Ả rập Xê út.

Nhiều nước châu Á đang tìm cách tăng cường sản xuất vắc xin trong nước vì nguồn cung toàn cầu eo hẹp đã làm cản trở các chiến dịch tiêm chủng của họ, bị tụt lại so với Bắc Mỹ và châu Âu trong cuộc chiến chống lại sự gia tăng các mắc COVID-19.

BioNTech có thỏa thuận sản xuất với Trung Quốc thông qua đối tác địa phương Fosun Pharma và có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất vắc xin ở Singapore sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2023.

Tại Hàn Quốc, Samsung BioLogics có kế hoạch bắt đầu công việc đóng chai và đóng gói vắc xin cho Moderna trong quý 3/2021 và quốc gia này đang đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin mRNA để tạo ra tới 1 tỉ liều.

Bài liên quan
Mời tham gia sáng tác logo kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam
Hội Nhà báo Việt Nam vừa có công văn 582/VC-NBVN về việc hưởng ứng sáng tác mẫu logo 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam cùng nhiều hoạt động hướng tới ngày kỷ niệm này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
một giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam đàm phán với Mỹ việc sản xuất vắc xin mRNA trong nước