Nhà phân tích Jonathan Head trên BBC có bài viết nói về cách giải quyết khủng hoảng tại Myanmar hiện giờ

Việt Nam cùng ASEAN có thể giúp giải quyết khủng hoảng tại Myanmar khi LHQ và các siêu cường bó tay

Anh Tú | 26/02/2021, 13:07

Nhà phân tích Jonathan Head trên BBC có bài viết nói về cách giải quyết khủng hoảng tại Myanmar hiện giờ

Sự xuất hiện của Bộ trưởng Ngoại giao do quân đội Myanmar bổ nhiệm, Wunna Maung Lwin, tại Bangkok hôm 24.2 trong cuộc gặp không báo trước với những người đồng cấp Thái Lan và Indonesia, đánh dấu sự khởi đầu của một cam kết ngoại giao đầy cam go của Myanmar đối với Đông Nam Á.

myanmar-2.jpg

Không có chi tiết nào được tiết lộ về những gì đã được thảo luận. Cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên này với một thành viên cấp cao của quân đội rất tế nhị đến mức khi được hỏi về nó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha không sẵn lòng xác nhận rằng có một cuộc tiếp xúc như thế.

Trên thực tế, đối với mọi quốc gia quan tâm đến những gì xảy ra ở Myanmar, cuộc khủng hoảng là một thách thức khó khăn bất thường. Phản ứng của các siêu cường kinh tế và quân sự trên thế giới chắc chắn đã thu hút nhiều sự chú ý nhất; các biện pháp trừng phạt do chính quyền Biden ở Mỹ và những biện pháp được Liên minh Châu Âu chuẩn bị.

Có một tuyên bố nhạt nhẽo có thể đoán trước từ Trung Quốc, chỉ đơn thuần kêu gọi tất cả các bên giải quyết những khác biệt của họ một cách hòa bình. Nhưng Trung Quốc đã phủ quyết một tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), trong khi không lên án cuộc đảo chính. Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và quay trở lại các chuẩn mực dân chủ. Điều đó ít nhiều cho thấy rằng Trung Quốc không hài lòng về cuộc đảo chính.

Nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều có rất ít các lựa chọn để đối phó với cuộc khủng hoảng Myanmar. Ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này đã giảm đi nhiều, thấp hơn nhiều so với lần cuối cùng Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế trên diện rộng với Myanmar vào những năm 1990.

Tuy nhiên, ngay cả những biện pháp trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế Miến Điện, cũng có rất ít ảnh hưởng đến các quyết định của chính quyền cầm quyền lúc bấy giờ. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt có mục tiêu, hạn chế hơn được áp đặt hiện nay chỉ nhằm vào những người trực tiếp liên quan đến cuộc đảo chính và các công việc kinh doanh của quân đội, sẽ chẳng thể làm thay đổi suy nghĩ ở Nay Pyi Taw.

Cuộc khủng hoảng đã đến từ rất sớm với chính quyền Biden ngay khi chủ nhân mới Nhà Trắng bắt đầu hình thành một cách tiếp cận mới đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông Biden theo đuổi một phương pháp được cho là nhấn mạnh các giá trị dân chủ và cũng hợp tác với các đối tác khu vực thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tuy nhiên, giống như Trung Quốc, ASEAN sẽ không theo đuổi cách tiếp cận dựa trên các biện pháp trừng phạt và lên án chính quyền quân sự.

Bắc Kinh cẩn thận từng bước đi

Trung Quốc thoạt đầu trông giống như một người chiến thắng trong cuộc đảo chính, vì họ là siêu cường sẵn sàng chìa tay với chế độ mới và tiếp tục cung cấp vũ khí cũng như đầu tư vào Myanmar.

Tuy nhiên, không có gì bí mật khi Trung Quốc cảm thấy thoải mái hơn khi bắt tay với chính phủ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), nhất là khi các mối quan hệ với NLD đang trở nên ấm áp hơn so với một chế độ quân sự khó đoán, vốn có lịch sử hoài nghi với Trung Quốc. Quân đội Myanmar nghi ngờ vai trò của Trung Quốc với một số nhóm nổi dậy vũ trang trên biên giới chung hai nước.

Tuy nhiên, niềm tin phổ biến ở Myanmar cho rằng Trung Quốc đang hậu thuẫn cho chính quyền quân sự, đang khiến tinh thần bài Hoa của người biểu tình ngày càng tăng. Tình hình nghiêm trọng đến mức các quan chức Trung Quốc buộc phải phá vỡ thói quen im lặng của họ và ra mặt phủ nhận những tin đồn rằng Trung Quốc đang giúp quân đội xây dựng một bức tường lửa internet hay điều động các lực lượng đặc biệt để giúp dẹp tan các cuộc biểu tình.

Sự phản đối cuồng nhiệt đối với cuộc đảo chính cũng làm dấy lên bóng ma về sự bất ổn lâu dài ở Myanmar, vốn đe dọa các lợi ích kinh tế và chiến lược đáng kể của Trung Quốc ở đó. Vì tất cả những lý do này, Bắc Kinh sẽ muốn đi từng bước thật thận trọng.

Liên Hợp quốc khó phát huy vai trò

LHQ có một hồ sơ về sự can dự ở Myanmar không mấy đẹp đẽ: những sứ mệnh của một số đặc phái viên nhằm thúc đẩy mở cửa dân chủ trong hai thập kỷ sau cuộc nổi dậy năm 1988 thất bại toàn diện, những nỗ lực của các báo cáo viên nhân quyền hầu như chẳng gặt hái được kết quả rồi chuyện người Rohingya năm 2017…

Đặc phái viên hiện tại của LHQ, nhà ngoại giao Thụy Sĩ Christine Schraner Burgener, đang đối diện nhiệm vụ bất khả thi là tìm ra cách thúc đẩy cho một thỏa hiệp có thể đưa Myanmar thoát khỏi cuộc đối đầu nguy hiểm hiện nay giữa quân đội và nhân dân.

Burgener đang tìm kiếm một cuộc gặp với các đại diện của chính phủ mới là một vấn đề cấp bách. Thế nhưng, bất kỳ cuộc họp nào như vậy cũng kèm điều kiện là bà được quyền gặp Aung San Suu Kyi, hiện đang bị giam giữ ở một địa điểm không xác định. Đương nhiên, quân đội khó chấp thuận đòi hỏi như thế. Hơn nữa, trong vai trò là người dưới quyền Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres thì bà Burgener sẽ gặp khó khăn. Ông Guterres đã tuyên bố lên án cuộc đảo chính và khiến các tướng lĩnh Myanmar mất thiện cảm với LHQ

Ít ai tin rằng thủ lĩnh cuộc đảo chính, Tướng Min Aung Hlaing, sẵn sàng thảo luận việc từ bỏ quyền lực mà ông ta đã nắm giữ. Một số cấp dưới của ông có thể không đồng ý với cuộc đảo chính và nhận ra những rủi ro to lớn mà nó gây ra cho Myanmar, nhưng Tatmadaw (quân đội Myanmar) hiếm khi để lộ bất đồng trong hàng ngũ của mình.

Aung San Suu Kyi cũng không dễ thỏa hiệp hơn vị tướng đã hạ bệ bà.

Vai trò của ASEAN

Với việc Myanmar là thành viên và bị ràng buộc bởi việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận theo thông lệ và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau, ASEAN có những thách thức đặc biệt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Nhưng phải tìm cách giải quyết, vì nếu tiếp tục đối đầu và đổ máu ở Myanmar sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sự ổn định và danh tiếng của hiệp hội, đặc biệt là đối với quốc gia chung đường biên giới dài như Thái Lan.

Các nhà chức trách Thái Lan đang chuẩn bị cho khả năng một số lượng lớn người Myanmar di cư qua biên giới.

Thái Lan, Campuchia và Philippines… đều từ chối chỉ trích cuộc đảo chính, coi đây là vấn đề nội bộ. Singapore, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Myanmar, đã mạnh mẽ hơn trong các tuyên bố của mình, cũng chỉ bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" và mô tả việc sử dụng vũ lực đối với người biểu tình là "không thể lý giải được".

Indonesia, quốc gia lớn nhất ASEAN đã đẩy mạnh nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi, là một trong những người có kinh nghiệm nhất khu vực và cũng là người đã tích cực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Rohingya bốn năm trước.

Indonesia cách xa Myanmar, không có biên giới cũng như không có bất kỳ dính líu đến chiến lược hay kinh tế nào trong những gì xảy ra ở đó. Và là một quốc gia hậu thuộc địa lớn, đa sắc tộc, trong đó lực lượng vũ trang đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng đất nước, Indonesia đôi khi được các tướng lĩnh ở Myanmar coi là một hình mẫu.

Tuy nhiên, khi bà Marsudi bắt đầu lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp ASEAN đặc biệt về Myanmar, chi tiết về các đề xuất đang được thảo luận với các quốc gia thành viên khác đã bị rò rỉ - đặc biệt là ý tưởng cam kết giữ chính quyền trong vòng một năm để tổ chức bầu cử lại và nhấn mạnh rằng Aung San Suu Kyi và các chính trị gia NLD khác được trả tự do cũng như được phép tranh cử.

myanmar.jpg

Như một sự thỏa hiệp, ý tưởng đó cũng có ý nghĩa nhất định. Nhưng nó lại khiến những người biểu tình chống quân đội ở Myanmar phẫn nộ vì họ cho rằng cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái mà NLD giành chiến thắng áp đảo phải được tôn trọng. Họ cho rằng việc ủng hộ một cuộc bầu cử mới sẽ là phần thưởng cho quân đội vì đã lật ngược kết quả của cuộc bầu cử vừa qua và sẽ chỉ khuyến khích họ tiến hành các cuộc đảo chính sau này.

Chuyến đi dự kiến ​​của bà Marsudi đến Nay Pyi Taw nhanh chóng bị gác lại.

ASEAN còn có thể làm gì?

Đối với tất cả những điểm đặc thù của mình, ASEAN vẫn là một diễn đàn nơi các quan chức cấp cao của Myanmar vẫn sẽ được hoan nghênh và là nơi các kênh liên lạc vẫn mở.

ASEAN là diễn đàn tốt nhất để tạo điều kiện để phần còn lại của thể giới chuyển thông điệp đến các vị tướng ở Myanmar và để thế giới lắng nghe từ Myanmar những suy nghĩ của các tướng lĩnh về cách giải quyết cuộc khủng hoảng.

Các biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây áp dụng sẽ không khiến các tướng lĩnh bị ảnh hưởng nhiều trong giai đoạn này, nhưng việc loại bỏ các trường phạt có thể được sử dụng như một củ cà rốt để khiến Tatmadaw ngưng đối đầu và đàn áp.

Sự can dự của các nước láng giềng châu Á của Myanmar cũng sẽ không khiến các tướng nổi tiếng bài ngoại cảm động nhiều. Thế nhưng, nếu phối hợp tốt với sức ép mà phương Tây tạo ra, nó có thể thu về kết quả tích cực.

Những tướng lĩnh vẫn còn thống trị ở chính phủ Thái Lan có cơ hội để thể hiện tinh thần chính trị và sử dụng mối quan hệ cá nhân chặt chẽ của họ với Min Aung Hlaing để khám phá những điểm có thể khai thác.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cũng đã nêu lên quan điểm của Việt Nam trong vấn đề này.

Theo bà Lê Thị Tuyết Mai, là nước trong khu vực và cùng là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam theo dõi sát các diễn biến tại Myanmar và hy vọng Myanmar sẽ sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước vì hòa bình, ổn định cũng như hợp tác trong khu vực, tiếp tục đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Đại sứ nêu rõ: “Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế và các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại Myanmar, phù hợp với mong muốn và lợi ích của người dân Myanmar."

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam cùng ASEAN có thể giúp giải quyết khủng hoảng tại Myanmar khi LHQ và các siêu cường bó tay