Theo quy chế làm việc đã được thông qua, ngày 8.9.2021, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin, đã chủ trì cuộc họp lần thứ hai của Tổ công tác.

Việt Nam có thể nhận khoảng 16-17 triệu liều vắc xin trong tháng 9

Theo TTXVN | 09/09/2021, 06:04

Theo quy chế làm việc đã được thông qua, ngày 8.9.2021, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin, đã chủ trì cuộc họp lần thứ hai của Tổ công tác.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Cuộc họp tập trung rà soát kết quả triển khai ngoại giao vắc xin trong hơn ba tuần qua kể từ khi Tổ công tác được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời trao đổi, thống nhất những biện pháp để đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động vắc xin, thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn cấp bách hiện nay.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Tổ phó Thường trực Tổ công tác nhấn mạnh, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm cao, trong thời gian ngắn vừa qua, Tổ Công tác đã kịp thời tham mưu, kiến nghị và tổ chức triển khai mạnh các hoạt động ngoại giao vắc xin, đặc biệt là vận động cấp cao và đã đem lại những kết quả bước đầu tích cực.

Trong tháng 8, số lượng vắc xin mà Việt Nam đã nhận được tăng đáng kể với hơn 16 triệu liều, nâng tổng số vắc xin đến nay ta đã nhận được lên khoảng 33 triệu liều. Việt Nam cũng đã tiếp cận và nhập khẩu một số loại thuốc điều trị hiệu quả từ Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Sỹ…; tiếp nhận nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu như máy thở, máy tạo oxy, oxy lỏng, máy xét nghiệm PCR, bộ kít xét nghiệm, khẩu trang y tế,… trị giá hàng chục triệu USD từ sự hỗ trợ của hơn 20 đối tác, các tổ chức quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Các thành viên Tổ Công tác cho rằng, kết quả bước đầu đạt được là rất kịp thời, phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống dịch, góp phần đẩy nhanh tiêm chủng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước trong tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường, các nguồn vắc xin đã khan hiếm ngày càng khan hiếm, tình hình dịch bệnh ở nước ta còn phức tạp, các thành viên Tổ Công tác nhận thức rõ nhiệm vụ sắp tới tiếp tục hết sức nặng nề, cấp bách.

Các thành viên đã thảo luận và thống nhất nhiều giải pháp phù hợp với tình hình đặc biệt hiện nay, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả vận động, giải quyết nhanh hơn các thủ tục vận chuyển, tiếp nhận vaccine, thuốc và trang thiết bị để có thể chuyển về nước nhanh nhất và sớm nhất có thể. Bộ Y tế khẳng định sẽ nỗ lực hết sức, phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các bộ, ngành liên quan để triển khai nhanh nhất các quy trình phê duyệt, ký kết thỏa thuận, bảo đảm không chậm trễ trong bất cứ khâu nào. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho biết đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về ngoại giao vắc xin trong nội bộ của hai bộ để tăng cường phối hợp với Tổ Công tác của Chính phủ. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao các thành viên Tổ công tác đã phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, nỗ lực không quản ngày đêm, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, đồng thời phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng, hiệu quả, góp phần trực tiếp vào các kết quả bước đầu của ngoại giao vắc xin thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ Công tác là hết sức kịp thời, qua đó tăng cường phối hợp liên ngành nhằm tập trung đẩy mạnh ngoại giao vắc xin. Với những nỗ lực đã triển khai đến nay, dự kiến trong tháng 9, Việt Nam có thể nhận thêm khoảng 16-17 triệu liều vắc xin, đồng thời cần tiếp tục cố gắng để có thể đạt số lượng vắc xin chuyển về nhiều hơn.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhất trí với các hướng vận động, triển khai ngoại giao vắc xin được đề xuất tại cuộc họp; đồng thời chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh vận động ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, trong các khuôn khổ song phương và đa phương; liên tục rà soát; đôn đốc các hãng sản xuất vắc xin đẩy nhanh tiến độ cung cấp vắc xin cho Việt Nam; vận động các đối tác có khả năng dôi dư nhượng lại hoặc cho vay. Tổ công tác cũng cần tìm hiểu các loại vắc xin mới và tiềm năng đang được phát triển để sớm tiếp cận; đề xuất các biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác công nghệ sản xuất vắc xin và hỗ trợ tối đa phát triển vaccine trong nước, tiến tới tự chủ về vắc xin; nghiên cứu, xúc tiến ngay kế hoạch tiếp cận và vận động vắc xin cho năm 2022. Bộ trưởng cũng chỉ đạo cần tiếp cận mạnh hơn thuốc đặc trị COVID-19, tiếp tục vận động các đối tác, các tổ chức quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của nước ta.

Chú thích ảnh
Lô vắc xin Moderna phòng COVID-19 do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ về đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), sáng 10/7. Ảnh: UNICEF Việt Nam/TTXVN phát

Nhấn mạnh thông điệp xuyên suốt của Đảng và Chính phủ là tiêm chủng vắc xin bao phủ, miễn phí cho toàn dân và cho người nước ngoài đang sinh sống làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, ngoại giao vắc xin trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp bách, với yêu cầu đặt ra là phải có vắc xin càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị các thành viên Tổ công tác và 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân trong cuộc chiến nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam có thể nhận khoảng 16-17 triệu liều vắc xin trong tháng 9