Cho rằng rủi ro tài khóa mà Việt Nam phải đối mặt do thiên tai là rất lớn, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng một trong những ưu tiên của Việt Nam là chuyển từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang “kinh tế xanh và bền vững”.

Việt Nam cần chuyển từ 'tăng trưởng bằng mọi giá' sang 'kinh tế xanh và bền vững'

Lam Thanh | 19/05/2022, 16:00

Cho rằng rủi ro tài khóa mà Việt Nam phải đối mặt do thiên tai là rất lớn, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng một trong những ưu tiên của Việt Nam là chuyển từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang “kinh tế xanh và bền vững”.

Đại dịch đã nhấn mạnh sự mong manh của cuộc sống con người khi đối mặt với những cú sốc ngoại sinh. Do đó, nhiều Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã tăng cường sự tham gia của họ nhằm hướng tới sự phục hồi xanh trên toàn thế giới.

Mặc dù các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu chưa dẫn đến những thay đổi đáng kể trong các chính sách ở Việt Nam, song chúng đã trở thành một trong những trụ cột mới của chiến lược 10 năm của đất nước, được thông qua vào tháng 2.2021.

Báo cáo Đánh giá môi trường quốc gia gần đây do WB thực hiện nhấn mạnh rằng Việt Nam đang tụt hậu về tính bền vững và khả năng chống chịu. Việt Nam liên tục đạt điểm thấp hơn trong hai lĩnh vực này so với các nền kinh tế Đông Á khác, trong khi có thành tích tốt hơn trong lĩnh vực hiệu quả kinh tế và phát triển bao trùm.

“Cái giá phải trả cho sự xuống cấp của môi trường thực sự là rất lớn đối với Việt Nam, và một số chi phí đã tăng lên tới mức nguy hiểm trong những năm gần đây”, WB nêu.

Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia của Nhóm Ngân hàng Thế giới với tiêu đề "Để tươi sắc đào xuân - cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả" đã chỉ ra rằng mô hình tăng trưởng truyền thống của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn do đại dịch COVID-19, toàn cầu hóa chững lại, và nguy cơ quốc gia ngày càng dễ tổn thương đối với những cú sốc bên ngoài, đặc biệt với rủi ro khí hậu.

Sau khi xác định một loạt ứng phó chính sách và ưu tiên cải cách, phần nhiều trong đó không phải là mới, báo cáo nhận định rằng thể chế hiện đại, có tính thích ứng sẽ là chìa khóa để đảm bảo thành công.

"GDP theo đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần sau ba thập kỷ qua, trong khi thể chế của quốc gia chưa thích ứng với tốc độ thay đổi đó kể từ thời kỳ Đổi mới vào cuối thập kỷ 1980. Cải cách thể chế đồng bộ có thể giúp quốc gia tránh bẫy thu nhập trung bình qua nâng cao hiệu quả ứng phó với những thách thức mới và phức tạp phát sinh trong nước và trên toàn cầu", bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam nói.

xanh.jpg
WB khuyến nghị Việt Nam cần ưu tiên chuyển từ “tăng trưởng bằng mọi giá” sang “kinh tế xanh và bền vững”

WB cho rằng kể từ giữa những năm 1990, Việt Nam đã nổi lên là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng nhanh nhất trên thế giới. Điều này dẫn đến mức độ ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam vượt khá xa mức an toàn sức khỏe; quản lý nước và chất thải đang hoạt động kém hiệu quả…

Ngoài ra, theo WB, rủi ro tài khóa mà Việt Nam phải đối mặt do thiên tai là rất lớn. Trung bình mỗi năm Việt Nam có khả năng gánh chịu thiệt hại trực tiếp 30,2 nghìn tỉ đồng (1,4 tỉ USD) đối với tài sản công và tư do lũ lụt, bão và động đất. Trong đó, thiệt hại tiềm tàng riêng của Chính phủ ước tính là 5,9 nghìn tỉ đồng (278 triệu đô la Mỹ).

Đánh giá ước tính rằng trong 50 năm tới, có 40% khả năng Việt Nam phải chịu thiệt hại kinh tế vượt quá 141.2 nghìn tỉ đồng (6,7 tỉ USD) và 20% khả năng phải chịu thiệt hại vượt quá 171.2 nghìn tỉ đồng (8,1 tỉ USD)

Do đó, WB cho rằng giải quyết những thiệt hại về môi trường và rủi ro khí hậu đã trở nên cấp thiết đối với Việt Nam, vì chúng không chỉ tác động tới các thế hệ tương lai mà cả các lĩnh vực chính sách chính (thương mại, đầu tư) và các lĩnh vực ưu tiên (giao thông và du lịch), vốn nằm trong số những động lực quan trọng nhất của mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong những năm gần đây.

Ví dụ, nhiều công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam đã cam kết thực hiện chuyển đổi carbon thấp trong chương trình nghị sự của công ty. Điều này có thể ảnh hưởng đến các quyết định về địa điểm của họ trong tương lai không xa. Một số quốc gia nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam hiện đang xem xét sử dụng “thuế xanh” ở biên giới của họ và điều này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam…

WB khuyến nghị Việt Nam cũng sẽ phải học cách quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên không thể tái sinh của mình, bao gồm đất đai, rừng, mỏ, đa dạng sinh học và nước, bằng cách thúc đẩy phục hồi các hệ sinh thái.

Việc sử dụng các cơ chế định giá (ví dụ: đánh thuế nhựa, điều chỉnh giá dịch vụ xử lý nước thải và chất thải rắn) và truyền thông công cộng hiệu quả sẽ tạo ra các động lực phù hợp cho cả người sản xuất và người tiêu dùng điều chỉnh hành vi của họ và quản lý các nguồn tài nguyên này bền vững hơn theo thời gian.

Việt Nam cũng nên ưu tiên khuyến khích áp dụng các công nghệ mới, sạch hơn và/hoặc thông minh, bao gồm cả trong hệ thống canh tác và tưới tiêu. Vì một tương lai bền vững về môi trường, Việt Nam cần trân quý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị của hệ sinh thái để cung cấp thông tin tốt hơn cho việc ra quyết định và hoạch định chính sách.

Đặc biệt, cải thiện tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật về môi trường và tài nguyên sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả hơn nữa các hoạt động bất hợp pháp phổ biến trong một số lĩnh vực như lâm nghiệp và khai thác cát.

WB cũng cho rằng, cần nâng cấp các tiêu chuẩn thiết kế công trình để có thể chịu được tác động của thiên tai và tránh phát sinh các rủi ro mới; đầu tư vào các biện pháp thích ứng và sử dụng các công cụ thị trường (ví dụ, bảo hiểm rủi ro thiên tai) để giảm thiệt hại về người và tài sản đối với rủi ro khí hậu và thiên tai, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam cần chuyển từ 'tăng trưởng bằng mọi giá' sang 'kinh tế xanh và bền vững'