Chiều 6/10, ngay sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức họp báo thông tin về kết quả hội nghị.

Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước đã diễn ra trong lịch sử

TTXVN | 06/10/2018, 21:22

Chiều 6/10, ngay sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức họp báo thông tin về kết quả hội nghị.

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh cho biết sau 5 ngày làm việc trách nhiệm, trí tuệ, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã thành công tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra.

Tại hội nghị lần này, Trung ương đã thông qua các nội dung cơ bản Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; thông qua Kết luận về tình hình kinh tế- xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2019.

Hội nghị cũng quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng, gồm: Tiểu ban Văn kiện do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế-xã hội do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Nhân sự do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng Tiểu ban.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã thống nhất rất cao việc giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sắp tới; bầu bổ sung hai Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII là đồng chí Võ Thái Nguyên và đồng chí Trần Đức Thắng.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Trần Văn Minh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng; thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 đối với đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, báo cáo của Bộ Chính trị về công tác quan trọng đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ 7 đến Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và báo cáo công tác tài chính Đảng năm 2017.

Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước đã diễn ra trong lịch sử

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc Trung ương thống nhất cao giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước; Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch thì có hay không việc sáp nhập Văn phòng Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước.

Trả lời câu hỏi này, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh cho biết 175/175 đồng chí Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết đồng ý giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV.
Theo Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh, 4 Văn phòng: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội có quy chế phối hợp chặt chẽ để bảo đảm công việc cho Đảng, Nhà nước. Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ thuận lợi hơn trong việc tổ chức công việc. Đây cũng là việc đã diễn ra trong lịch sử cách đây hàng chục năm.
Đối với câu hỏi có nên sáp nhập Văn phòng Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước, ông Lê Quang Vĩnh cho biết khi Bác Hồ làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước, vẫn có 2 cơ quan này riêng biệt. Văn phòng Trung ương Đảng có nhiệm vụ giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tham mưu, giúp việc, phục vụ lãnh đạo Đảng. Văn phòng Chủ tịch nước giúp Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước chứ không chỉ Chủ tịch nước. Đây là chế định trong tổ chức nhà nước: Chủ tịch nước vừa là pháp nhân và là thể nhân, ông Lê Quang Vĩnh nêu rõ.

Tiếp tục hoàn thiện Quy định về trách nhiệm nêu gương

Về dự thảo "Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương" được Trung ương bàn lần này, ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương thông tin quy định về trách nhiệm nêu gương là vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp, vì vậy Ban Tổ chức Trung ương rất thận trọng trong nghiên cứu. Trung ương thống nhất cao ban hành, nhưng ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp tục hoàn thiện và xin thêm ý kiến các đồng chí Ủy viên Trung ương trước khi ban hành trong thời gian sớm nhất.

Nhấn mạnh nội dung "Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương" hiện chưa thể thông tin cụ thể, ông Vũ Thanh Sơn lưu ý trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, một số báo đăng tải nội dung của Quy định này nhưng nội dung sai lệch với các nội dung Ban Tổ chức Trung ương đang nghiên cứu. Vì vậy, ông Vũ Thanh Sơn khuyến nghị các cơ quan báo chí cần cẩn trọng về việc đăng tải nội dung Đề án.

"Chừng nào chúng tôi chưa công bố chính thức, báo chí không nên đăng một bản thảo không rõ ràng, gây sai lệch thông tin và ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội," ông Vũ Thanh Sơn nói.

Theo TTXVN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước đã diễn ra trong lịch sử