Theo thỏa thuận, Giấy Sài Gòn chuyển nhượng 95,24% cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản là Sojitz. Sau giao dịch, Sojitz sẽ nắm quyền kiểm soát và chi phối hoạt động của Giấy Sài Gòn.
Cuối tuần qua (29.6), Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã đăng thông tin trả lời Hồ sơ tham vấn tập trung kinh tế của Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn và Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) theo hình thức chuyển nhượng cổ phần, được gửi từ ngày 9.4.2018 trước đó.
Theo thỏa thuận của các bên, Giấy Sài Gòn chuyển nhượng 95,24% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là Sojitz. Sau giao dịch, Sojitz sẽ nắm quyền kiểm soát và chi phối hoạt động của Giấy Sài Gòn.
Sau khi xem xét Hồ sơ tham vấn việc tập trung kinh tế và ý kiến của Cục Công nghiệp và Hiệp hội Giấy và bột giấy, ngày 16.5.2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã hoàn thành báo cáo đánh giá hồ sơ này và có văn bản trả lời doanh nghiệp.
Nội dung chính trong văn bản khẳng định, tập trung kinh tế giữa Giấy Sài Gòn và Sojitz theo hình thức chuyển nhượng cổ phần không thuộc trường hợp bị cấm theo điều 18 và không thuộc trường hợp phải thông báo theo khoản 1 điều 20 Luật Cạnh tranh Việt Nam 2004, do thị phần kết hợp của các bên tham gia tập trung kinh tế trong năm 2016 và 2017 đều dưới 30%.
Do đó, Giấy Sài Gòn và Sojitz được tiến hành làm thủ tục tập trung kinh tế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo điều 24 Luật Cạnh tranh Việt Nam và theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Khoảng 1 tuần trước, tờ Nikkei Asian Review của Nhật đã đăng thông tin Tập đoàn Sojitz nước này đã mua lại hơn 90% cổ phần Công ty CP Giấy Sài Gòn của Việt Nam.
Được thành lập năm 1997, Giấy Sài Gòn chuyên sản xuất khăn giấy (nổi bật là thương hiệu Bless You), giấy vệ sinh và bìa cứng với doanh thu hằng năm lên đến 100 triệu USD, công suất 40.000 tấn giấy tiêu dùng, 230.000 tấn giấy công nghiệp, tờ Nikkei cho biết.
Vẫn theo Nikkei, nhu cầu giấy bìa carton ở Việt Nam tăng hơn 10 lần trong thập kỷ qua, một phần nhờ sự gia tăng mua sắm trực tuyến và chuyển dịch sản xuất hàng dệt và điện tử từ Trung Quốc. Nhu cầu giấy vệ sinh tăng gấp 5 trong thời gian đó khi mức sống được cải thiện trong bối cảnh tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 6%.
Và với việc mua lại này, Sojitz có thể sẽ gửi 6 nhà quản lý từ Nhật Bản sang giúp cải tiến hệ thống tài chính và kế toán, đồng thời nâng cấp hệ thống máy móc nhà xưởng của Giấy Sài Gòn.
A.T