Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TC-NS) cho rằng việc huy động, sử dụng nguồn vốn vay bù đắp bội chi NSTW, trả nợ gốc, lãi năm 2021 chưa hợp lý, chưa đúng yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu quản lý chặt chẽ việc vay, trả nợ.

Việc sử dụng vốn vay bù đắp bội chi, trả nợ năm 2021 chưa hợp lý

Hoài Lam | 24/05/2023, 10:57

Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TC-NS) cho rằng việc huy động, sử dụng nguồn vốn vay bù đắp bội chi NSTW, trả nợ gốc, lãi năm 2021 chưa hợp lý, chưa đúng yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu quản lý chặt chẽ việc vay, trả nợ.

Làm rõ trách nhiệm địa phương, bộ ngành chậm gửi báo cáo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, sáng 24.5, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Ông Lê Quang Mạnh cho biết, kết quả giám sát của Ủy ban TC-NS và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm; công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chấn chỉnh, nhưng chưa được khắc phục.

Ngoài ra, tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý, tổng hợp quyết toán NSNN không phù hợp quy định Luật NSNN chậm được khắc phục.

Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm và chấn chỉnh việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 không nghiêm, không đúng quy định; làm rõ trách nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ,… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021.

Về quyết toán thu NSNN năm 2021, theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu NSNN tăng 233.327 tỉ đồng so với dự toán, tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7% GDP.

Theo ông Mạnh, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, quyết toán thu NSNN đạt kết quả như trong báo cáo, ngoài lý do lập dự toán thận trọng, các khoản thu về nhà đất, chứng khoán, dầu thô tăng cao,… là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.

manh-2.jpg
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15

Nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2021 đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí mà số tăng thu NSNN năm 2021 vượt rất cao là do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát, như lập dự toán thu tiền sử dụng đất nhiều năm thấp hơn số thực hiện năm trước.

Về quyết toán chi NSNN năm 2021, đa số ý kiến cho rằng quyết toán chi NSNN (bao gồm cả số chi chuyển nguồn năm trước chuyển sang) đạt mức rất thấp là do công tác lập dự toán chi không sát, giải ngân đầu tư công chậm, không tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2021. Việc hủy bỏ dự toán, chuyển nguồn lớn, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách kinh tế, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Sử dụng vốn vay, trả nợ chưa hợp lý

Về tình hình vay nợ, tổng mức vay dự toán là 608.569 tỉ đồng; quyết toán là 455.927 tỉ đồng, bằng 74,9% (giảm 152.642 tỉ đồng) so với dự toán và giảm 73.586 tỉ đồng số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Đa số ý kiến thấy rằng việc huy động, sử dụng nguồn vốn vay bù đắp bội chi NSTW, trả nợ gốc, lãi năm 2021 chưa hợp lý, chưa đúng yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu quản lý chặt chẽ việc vay, trả nợ.

“Việc phát hành trái phiếu Chính phủ khi vẫn có số dư tiền gửi nguồn ngân quỹ nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại là không hợp lý, đặc biệt phát hành một số thời điểm vượt quá nhu cầu trả nợ gốc, lãi cần được xem xét đánh giá kỹ lưỡng; phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất thấp, nhưng không trả nợ gốc đến hạn theo dự toán”, báo cáo nêu.

Ngoài ra, ông Lê Quang Mạnh cũng cho hay việc phát hành vốn trái phiếu Chính phủ vượt quá nhu cầu chi tiêu trong năm không chỉ không phù hợp các nghị quyết của Quốc hội và trong một số trường hợp có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực, sử dụng không hiệu quả các nguồn vốn huy động, thậm chí ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, đến các thành phần kinh tế khác có nhu cầu huy động vốn.

Kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nhiều biến chuyển

Cũng theo ông Lê Quang Mạnh, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều nỗ lực và đổi mới trong công tác kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021; đã công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương đã có nỗ lực khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.

manh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Lê Quang Mạnh

Tuy nhiên, nhiều nội dung chưa đạt yêu cầu, nhiều tồn tại, hạn chế trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN từ lâu trước chưa được xử lý dứt điểm.

Cụ thể, về chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã có các công văn gửi các bộ, ngành, địa phương thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội. Nhưng lại chưa quyết liệt đôn đốc, tổ chức thực hiện, nên nhiều nội dung đến hết thời gian tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021, các bộ, ngành, địa phương vẫn không thực hiện đúng quy định của Luật NSNN và các Nghị quyết của Quốc hội.

Về tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng NSNN không để xảy ra thất thoát, lãng phí, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng nội dung này cơ bản chưa nhiều chuyển biến. Tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công thấp, phân bổ, giao dự toán chậm, không giao hết dự toán, hủy bỏ dự toán vẫn tồn tại ở nhiều bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo cũng nêu rõ, việc hủy bỏ, thu hồi các khoản chi không đúng quy định triển khai rất chậm. Trong đó đáng lưu ý việc cho phép các địa phương tiếp tục chuyển nguồn sang năm 2022 các khoản chi sai quy định, số hủy dự toán các khoản NSTW hỗ trợ cho các địa phương từ các năm trước, không đưa vào quyết toán để cắt giảm bội chi NSTW năm 2021 là rất bất hợp lý; không thể hiện đúng bản chất số quyết toán thu, chi, bội chi NSTW và rất khó khăn trong việc theo dõi thu hồi, gây thất thoát, lãng phí nguồn NSNN.

Ủy ban TC-NS đề nghị Chính phủ chỉ đạo và Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Đối với các kết luận, kiến nghị kéo dài nhiều năm không có khả năng thực hiện cần báo cáo làm rõ lý do và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Chính phủ đề xuất phương án xử lý cụ thể để xử lý dứt điểm các tồn tại và nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện; Kiểm toán Nhà nước khẩn trương làm rõ nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc sử dụng vốn vay bù đắp bội chi, trả nợ năm 2021 chưa hợp lý