Tôi cho rằng, nếu xóa giãn cách mà không đặc biệt quan tâm đến hệ thống y tế, gồm cả y tế dự phòng, thì khả năng không kiểm soát được tình trạng dịch bùng phát lại là rất lớn.

Việc cần làm ngay sau khi TP.HCM mở cửa lại

Lê Vĩnh Triển | 15/09/2021, 15:12

Tôi cho rằng, nếu xóa giãn cách mà không đặc biệt quan tâm đến hệ thống y tế, gồm cả y tế dự phòng, thì khả năng không kiểm soát được tình trạng dịch bùng phát lại là rất lớn.

y-te-so-2.jpg
Cần có một tầm nhìn hiện đại cho nền y tế TP.HCM cũng như Việt Nam - Ảnh: Internet

Khi nền kinh tế nói chung có dấu hiệu kiệt quệ, thì điều đó được phản ánh rõ nhất ở người dân lệ thuộc vào thu nhập tháng, thậm chí ngày (công nhật). Đã có không ít doanh nghiệp phá sản, giải thể, đời sống hầu hết mọi giới đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng... Nhu cầu nới lỏng hay xóa giãn cách/phong tỏa là rất rõ ràng, để dân tự cứu mình chứ không trông chờ mãi vào các gói an sinh dù cố gắng nhưng thực chất là không thấm vào đâu. Đối diện với nhu cầu bức thiết này, điều gì đáng lo lắng nhất?

Không nói ra thì ai cũng biết, nỗi lo dịch bùng phát trở lại và mọi thứ có được (cái gì?) bằng sự hy sinh kinh tế để tránh dịch thời gian qua sẽ bị mất trắng.

Rõ ràng, cũng không có gì lạ, trong một cuộc chiến, lương thực và hệ thống y tế chăm sóc cho dân chúng bị dính bom đạn và binh sĩ bị thương là hai vấn đề cốt lõi. Phòng chống dịch bệnh ở TP.HCM hiện nay cũng vậy. Đời sống kinh tế của người dân và khả năng của hệ thống y tế, kể cả y tế dự phòng, phải là hai mối quan tâm chính.

Đời sống kinh tế của người dân thì như đã nói, buộc phải mở cửa vì chính quyền không lo hết cho dân chúng và mở cửa chậm hơn chỉ càng làm khó nhau hơn, và đời sống của đại bộ phân cư dân sẽ càng khó khăn hơn một cách không cần thiết. Đó là nhận định đối với vấn đề hay tham số thứ nhất là kinh tế và sự kiệt quệ của dân cư.

Tôi cho rằng, nếu xóa giãn cách ngày 15.9 hay chậm hơn mà không đặc biệt quan tâm đến vấn đề thứ 2 là hệ thống y tế gồm cả dự phòng thì rủi ro không kiểm soát được nếu dịch bùng phát lại là rất lớn. Như vậy vấn đề không phải là mở cửa nay mai hay chậm hơn mà vấn đề là chính quyền có tập trung phát triển hệ thống y tế hay không. Nếu tập trung đặc biệt vào hệ thống y tế và phòng dịch thì có thể giảm thiểu khả năng dịch bùng phát trở lại.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 này bộc lộ rõ ràng những yếu kém vô cùng lớn của hệ thống y tế và hệ phòng dịch của Việt Nam. Chính quyền cần nhân cơ hội này, vượt qua các lợi ích cục bộ giữa các ngành, đầu tư mau chóng vào y tế, trước mắt tại TP.HCM và các thành phố lớn. Nếu không thì có thể xem như mất cơ hội chống dịch bệnh thành công trong tương lai, mất luôn cơ hội cải tổ một lĩnh vực nhiều ách tắc, bất cập.

Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe

Theo đuổi vắc xin là đúng, nhưng rõ ràng cách thức chống dịch, hệ thống hạ tầng thông tin y tế, các tuyến y tế địa phương, trang thiết bị chữa trị, thuốc men; hệ thống khám chữa từ xa (Telemedicine), nghiên cứu và sản xuất vắc xin các loại; và cả cơ chế thu nhập, động viên đối với ngành y... là những yếu tố nền tảng nhằm:

- Phát hiện bệnh (FO) sớm.

- Phát thuốc sớm nhất.

- Chuyển đi nhanh nhất khi bệnh nhân trở nặng.

- Có nhiều máy thở nhất có thể.

- Hệ thống thông tin trong dân chúng, nâng cao ý thức phòng chống dịch.

- Trang thiết bị chữa trị tại bệnh viện...

Đó là những thứ cần đầu tư, cần tiền! Chúng tôi không phải người trong ngành y nên không bàn sâu về cách thức tổ chức hệ thống điều trị, hơn nữa cũng đã có nhiều nhà chuyên môn đề cập. Ở đây chỉ nói một điều, đó là việc đầu tư ngay, nhanh và mạnh cho nền y tế, kể cả y tế dự phòng. Đây là thời điểm tốt nhất và cơ hội nên làm nhất để cải thiện trình độ của cả hệ thống y tế nước nhà vì khả năng được ủng hộ bởi các ngành các giới là cao nhất.

Điều trên đặc biệt quan trọng. Xin nêu 2 ví dụ:

Israel dịch bùng phát trở lại sau 3 tháng lắng xuống (đầu tháng 4 tới cuối tháng 6.2021).

Anh bùng phát trở lại sau 2 tháng rưỡi lắng xuống (đầu tháng 4 - giữa tháng 6.2021).

Cả hai quốc gia trên đều có mật độ tiêm chủng cao trước khi dịch bùng phát trở lại. Họ đều giàu có và chủ động về vắc xin hơn Việt Nam. Khi dịch bùng phát họ đều chống đỡ tương đối tốt.

TP.HCM đã phủ vắc xin khá tốt, nhưng không chủ động vắc xin. Có đáng lo không? Vậy dịch có bùng phát sau 3 tháng ở TP.HCM không? Nếu dịch bùng phát sau 3 tháng thì hệ thống y tế có chống đỡ nổi hay không?

1. Có đáng lo không? Trả lời: Không lưu ý, không học hỏi, và đặc biệt là nếu không gấp rút nâng cấp hệ thống y tế như đã nêu trên thì thật sự rất đáng lo.

2. Nếu dịch bùng phát sau 3 tháng nữa thì hệ thống có chống nổi không? Trả lời: Nếu không gấp rút nâng cấp hệ thống y tế như đã nêu trên thì không chống nổi.

3. Dịch có bùng phát sau 3 tháng ở TP.HCM không? Có thể. Tuy nhiên, bài học của Anh và Israel là cả hai nước này (có lẽ vì chủ động được vắc xin) đều đã nới lỏng gần như hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch nơi công cộng và đó được cho là nguyên nhân chính khiến dịch bùng phát trở lại. Như vậy, có thể tin rằng nếu TP.HCM tháo bỏ giãn cách, chốt chặn, rào chắn và các loại soát xét gây tụ tập đông người như thời gian qua, nhưng vẫn duy trì 5K thì hoàn toàn có thể tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại! Ngoài ra, nếu gấp rút nâng cấp hệ thống y tế như đã nêu trên thì hoàn toàn có thể giảm tối đa khả năng dịch bùng phát trở lại sau 3 tháng vì hệ thống y tế dự phòng giúp phát hiện sớm, chữa trị sớm các ca nhiễm như mục đích đầu tư vào nó.

Câu hỏi là, liệu nhà chức trách có nhận ra mấu chốt của vấn đề và thực hiện quyết sách có tầm nhìn cho tương lai của chăm sóc sức khỏe người dân?

Việc đầu tư gấp rút như trên cho hệ thống y tế nước nhà ngoài mục đích xử lý nguy cơ trước mắt hiện rõ còn thể hiện tầm nhìn xa hơn của chính quyền trong việc nâng cao sức khỏe của toàn dân. Cơ hội làm cuộc cách mạng trong ngành y và toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe cho quốc gia không lúc nào rõ ràng, cấp thiết và được ủng hộ mạnh hơn từ các ngành, các giới như lúc này. Và dĩ nhiên, người dân trông mong vào sự minh bạch và liêm chính của việc bỏ tiền vào công cuộc chính đáng này.

Quay lại chuyện bỏ phong tỏa, giãn cách toàn TP.HCM ngày 15.9. Nếu đã có tầm nhìn xa và nhận ra việc quan trọng hơn nên làm, cần làm, thì chính quyền không việc gì phải chần chừ trong quyết định của mình.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc cần làm ngay sau khi TP.HCM mở cửa lại