Theo Bộ KH-ĐT, về các dự án đầu tư theo hình thức PPP, năng lực giám sát về cơ chế thu phí còn yếu, thiếu minh bạch trong quá trình quản lý hợp đồng; kinh nghiệm đầu tư, quản lý đầu tư, quản lý vận hành và năng lực tài chính, kỹ thuật còn rất hạn chế.

Vị trí BOT thu phí, mức thu phí còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch

11/07/2019, 17:30

Theo Bộ KH-ĐT, về các dự án đầu tư theo hình thức PPP, năng lực giám sát về cơ chế thu phí còn yếu, thiếu minh bạch trong quá trình quản lý hợp đồng; kinh nghiệm đầu tư, quản lý đầu tư, quản lý vận hành và năng lực tài chính, kỹ thuật còn rất hạn chế.

Bộ KH-ĐT báo cáo về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư 2018 - ảnh minh họa

Bộ KH-ĐT vừa có báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018, trong đó có đề cập đến tình hình thực hiện, quản lý các dự án đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư).

Bộ cho biết, theo báo cáo trên hệ thống thông tin, có 32 cơ quan có số liệu về dự án PPP (Bộ KH-ĐT và 31 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương). Tuy nhiên, còn nhiều cơ quan chưa báo cáo và nhiều cơ quan có báo cáo nhưng số liệu không đầy đủ, thiếu thông tin về số dự án kiểm tra, đánh giá, số liệu về vốn đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư.

Bộ Công Thương, Bộ GT-VT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết một số hợp đồng dự án theo hình thức BOT nhiệt điện, giao thông nhưng không có số liệu báo cáo.

Theo số liệu tổng hợp của 32 cơ quan, có 334 dự án theo hình thức PPP thực hiện các thủ tục đề xuất dự án (gồm 99 dự án do cơ quan nhà nước đề xuất, 235 dự án do nhà đầu tư tự đề xuất).

Trong năm có 47 dự án có quyết định đầu tư, 35 dự án hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, 10 dự án được cấp/điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 28 dự án hoàn tất thủ tục về hợp đồng dự án.

Tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan trong năm 2018 có 48 dự án trên tổng số 135 dự án đầu tư theo hình thức PPP thực hiện đầu tư trong kỳ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, đạt tỷ lệ 35,5%; trong năm có 57 dự án được kiểm tra, 28 dự án được đánh giá.

Tổng vốn đầu tư của các dự án PPP theo kế hoạch trong năm là 77.005 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư công tham gia là 1.638 tỉ đồng, chiếm 2,13%; vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư là 22.353 tỉ đồng, chiếm 29%; vốn vay thương mại là 53.012 tỉ đồng, chiếm 68,8%. Tổng giá trị thực hiện là 36.201 tỉ đồng, đạt 47% so với kế hoạch.

Bộ KH-ĐT cho hay, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn rất hạn chế so với nhu cầu đầu tư, việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP trong các năm qua cũng như trong năm 2018 là chủ trương đúng của Đảng và nhà nước.

Việc này nhằm khuyến khích và mở rộng thu hút nguồn lực đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả nước.

Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật chưa thực sự phù hợp với thực tế. Các dự án BOT giao thông hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước thực hiện, chưa thu hút được vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án BOT.

Vị trí trạm thu phí, mức thu phí còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch. Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về tính hiệu quả của dự án (như: mức lợi nhuận của nhà đầu tư, thời hạn nhà đầu tư được Nhà nước nhượng quyền thu phí của người sử dụng dịch vụ, giá sử dụng công trình/dịch vụ công, mức độ tham gia của Nhà nước) chưa rõ ràng.

Năng lực giám sát về cơ chế thu phí còn yếu, thiếu minh bạch trong quá trình quản lý hợp đồng; kinh nghiệm đầu tư, quản lý đầu tư, quản lý vận hành và năng lực tài chính, kỹ thuật còn rất hạn chế.

Một số dự án BOT huy động nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư và các ngân hàng thương mại là các doanh nghiệp nhà nước (hoặc doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) chủ yếu là vốn tín dụng ngắn hạn nhưng lại được sử dụng cho đầu tư dài hạn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro an toàn hệ thống ngân hàng.

Các dự án BOT nhiệt điện thời gian chuẩn bị, đàm phán hợp đồng dài, cơ chế ngoại tệ, ưu đãi đầu tư chưa thống nhất. Các dự án thực hiện theo hình thức BT chậm triển khai thực hiện, một số dự án gặp khó khăn do chưa có nguồn thanh toán cho nhà đầu tư do chưa có nghị định của Chính phủ hướng dẫn thanh toán theo hình thức này.

Theo đó, Bộ KH-ĐT đề xuất, về cơ chế chính sách: các cơ quan đề xuất xem xét hoàn thiện một số quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17.3.2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư như: vấn đề ưu đãi tiền thuê đất, sử dụng đất, quy trình lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế thanh toán theo hợp đồng BT bằng quỹ đất.

Các bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động truyền thông và xúc tiến đầu tư các dự án PPP tới các nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước, đồng thời tăng cường sự chia sẻ thông tin tới người dân.

Cần tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, của người dân, tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các dự án BOT, để bảo đảm đúng trách nhiệm của từng bên, tạo sự công khai, minh bạch trong thực thi các chính sách thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị trí BOT thu phí, mức thu phí còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch