Ukraine trở thành điểm nóng trong căng thẳng Nga - NATO thời gian qua khi Moscow tăng thêm quân đến biên giới.

Vì sao ông Putin chú trọng vấn đề Ukraine?

Cẩm Bình | 18/12/2021, 11:42

Ukraine trở thành điểm nóng trong căng thẳng Nga - NATO thời gian qua khi Moscow tăng thêm quân đến biên giới.

Với vấn đề này, Tổng thống Vladimir Putin đưa ra hàng loạt phát ngôn cứng rắn. Vậy những yếu tố gì khiến ông quyết tâm không nhượng bộ như vậy?

Yếu tố lịch sử

Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Nga mất quyền kiểm soát 14 nước cộng hòa, trong đó mất Ukraine là cay đắng nhất. Mối quan hệ song phương đã có từ thế kỷ thứ 9 lúc Kiev trở thành thủ đô của đại công quốc Rus.

Năm 988, đại hoàng tử Vladimir - người cai trị đại công quốc Rus - đưa Cơ đốc giáo chính thống vào Nga. Từ năm 1654, Ukraine được sáp nhập vào Nga theo một hiệp ước với sự cai trị của Sa hoàng. Hai quốc gia này cộng thêm Belarus tạo nên nòng cốt khối Slav trong Liên Xô. Nhiều người Nga cảm thấy có mối liên hệ Ukraine, điều mà họ không hề thấy đối với các quốc gia khác cũng thuộc Liên Xô.

Tổng thống Putin trong một bài báo đăng vào tháng 6 từng viết người Nga và người Ukraine cùng một dân tộc “có cùng không gian lịch sử và tâm linh”, sự xuất hiện của “bức tường ngăn cách” giữa hai bên vài năm gần đây là một bi kịch.

Phía Ukraine sau đó lên tiếng bác bỏ quan điểm trên, cáo buộc Tổng thống Putin đơn giản hóa lịch sử vì mục đích chính trị.

viputin.jpg
Tổng thống Putin trong một bài báo từng viết người Nga và người Ukraine cùng một dân tộc - Ảnh: Reuters

Yếu tố địa chính trị

Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, NATO tiến hành mở rộng về phía đông bằng cách tiếp nhận 14 quốc gia mới, bao gồm số quốc gia thuộc khối Hiệp ước Warsaw trước đây cùng 3 quốc gia vùng Baltic từng thuộc Liên Xô. Nga xem đây là một sự xâm phạm đầy đe dọa đối với biên giới nước mình.

Ukraine chưa phải thành viên NATO nhưng năm 2008 từng cam kết gia nhập. Sau khi một tổng thống thân Nga bị lật đổ năm 2014, Ukraine ngày càng xích lại gần phương Tây hơn: hai bên thường xuyên tổ chức tập trận chung, Ukraine nhận vũ khí từ khối NATO như tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ và máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ukraine cùng NATO xem đây là loạt động thái hợp pháp giúp Ukraine tăng cường năng lực quốc phòng, sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và tiếp tục hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Phía Tổng thống Putin lại xem quan hệ Ukraine - NATO ngày càng thân thiết như mối nguy quốc gia láng giềng trở thành nơi NATO triển khai hệ thống tên lửa nhắm vào Nga.

Nga bác bỏ nghi ngờ nước này chuẩn bị tiến hành xâm lược Ukraine, Moscow tuyên bố họ chỉ đang đáp trả lại các mối đe dọa và khiêu khích. Tổng thống Putin muốn phương Tây đưa ra cam kết đảm bảo an ninh, trong đó có cam kết không cho Ukraine gia nhập NATO.

vinato.jpg
Ukraine ngày càng xích lại gần NATO - Ảnh: The Hill

Tâm lý và động cơ của ông Putin

Là nhà lãnh đạo gần như không dung thứ cho tiếng nói bất đồng trong nước, Tổng thống Putin không thích biến động ở các nước láng giềng có thể châm ngòi cho biểu tình tại Nga. Tại Belarus, ông ủng hộ người đồng cấp Alexander Lukashenko trong đợt trấn áp biểu tình năm ngoái.

Trong trường hợp Ukraine, viễn cảnh nước láng giềng phát triển nhờ trở thành thành viên NATO lẫn Liên minh châu Âu( EU) là không thể chấp nhận được, đe dọa đến Tổng thống Putin nếu nó truyền cảm hứng khiến người dân Nga muốn thân thiện hơn với phương Tây.

Duy trì căng thẳng về vấn đề Ukraine giúp Tổng thống Putin củng cố một thông điệp chính trị trong nước, rằng chính ông ta là người quyết tâm bảo vệ lợi ích của Nga trong một thế giới đầy rẫy kẻ thù và mối đe dọa. Điều này khiến phương Tây không ngừng phỏng đoán về mối nguy Ukraine bị tấn công xâm lược, cũng khiến Nga có vị trí cao trong chương trình nghị sự quốc tế.

Bài liên quan
Ứng viên thân Nga dẫn đầu bầu cử tổng thống Romania nhờ TikTok?
Calin Georgescu, một chính trị gia cực hữu ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã bất ngờ dẫn đầu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Romania.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
2 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao ông Putin chú trọng vấn đề Ukraine?