Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Trung cấp chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, tuyển sinh bậc học này trong năm 2015 sẽ không quá chú trọng vào quy mô mà tập trung nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.  

Vì sao nhiều ngành thị trường cần nhưng chẳng ai chịu học?

Một Thế Giới | 10/05/2015, 10:12

Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Trung cấp chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, tuyển sinh bậc học này trong năm 2015 sẽ không quá chú trọng vào quy mô mà tập trung nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.  

Khống chế chỉ tiêu tuyển sinh ngành sức khỏe và sư phạm
Thưa ông, nhiều trường trung cấp đang rất khó tuyển sinh trong khi thị trường lao động vẫn cần nhiều nguồn nhân lực bậc học này. Đâu là lý do?
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT phải chỉ đạo các trường thực hiện tốt việc kết nối với xã hội, bao gồm kết nối với trường phổ thông và doanh nghiệp. Việc kết nối trường trung cấp với trường phổ thông nếu được làm tốt thì lợi ích mang lại không chỉ tạo nguồn đầu vào cho các trường trung cấp mà còn thực hiện tốt chủ trương phân luồng. Nếu học sinh khi còn học phổ thông có đầy đủ thông tin và sự hiểu biết về các ngành nghề đào tạo - chuẩn đầu ra của các trường trung cấp thì việc thu hút các em theo học cũng thuận lợi hơn, hạn chế việc các em có năng lực học tập cũng như điều kiện kinh tế khó khăn cứ lao vào học ĐH.
Tuy nhiên, Bộ cũng đòi hỏi các trường tránh tình trạng đang ở mức độ phổ biến là cứ tiếp thị đầu vào nhưng khi tuyển sinh được rồi lại buông lỏng chất lượng. Các trường cần phải quán triệt quan điểm “tuyển sinh - đào tạo - việc làm - lập nghiệp” là 4 khâu gắn liền, không tách rời để nâng cao chất lượng.
Chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo bậc học này năm nay có gì thay đổi không, thưa ông?
Sẽ có sự điều chỉnh ở một số ngành. Mấy năm vừa rồi bậc trung cấp mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu tuyển sinh, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe chiếm tới 1/3. Các ngành khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên cũng chiếm tỷ trọng khá lớn. Riêng lĩnh vực sức khỏe, nhu cầu thị trường lao động hiện vẫn khá lớn, đặc biệt là ngành điều dưỡng. Cơ hội việc làm của ngành này không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở các nước châu Âu và Nhật Bản. Nhưng vừa rồi Bộ cũng đã họp với Bộ Y tế về chất lượng đào tạo trung cấp trong lĩnh vực này. Hiện nay quy mô đào tạo quá lớn, các bệnh viện quá tải lượng học viên đến thực tập, ảnh hưởng tới năng lực huấn luyện kỹ năng cho học viên. Vì thế cả hai ngành cần phải điều chỉnh chất lượng đào tạo, trước hết là nâng cao tỷ lệ người học/giáo viên, điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải khống chế chỉ tiêu tuyển sinh. Đồng thời Bộ cũng đang triển khai một dự án với Bỉ, theo đó bạn sẽ giúp mình xây dựng chuẩn nghề, chuẩn đào tạo - đánh giá của ngành điều dưỡng.
Chuyển phương thức đào tạo từ dài hạn sang ngắn hạn
Theo ông, hiện nay những ngành nào “đắt hàng” trên thị trường lao động?
Ngoài lĩnh vực sức khỏe thì các lĩnh vực dịch vụ - du lịch - thương mại, công nghệ thông tin, truyền thông… cũng đang rất khát lao động trình độ trung cấp. Mấy năm nay, Bộ cũng đã phối hợp với Bỉ mở thêm các chương trình đào tạo mới có chất lượng quốc tế, chẳng hạn như: quản lý bán hàng siêu thị hoặc quản lý kho bãi. Nhưng đáng tiếc là không phải ngành nào thị trường cần cũng hấp dẫn người học, có thể do ngành quá mới người dân họ chưa hiểu, hoặc phương thức đào tạo không phù hợp, hoặc các trường thiếu năng động nên chưa đổi mới được chương trình, nội dung đào tạo.
Ví dụ: ngành quản lý kho bãi rất cần người do sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, siêu thị nhưng các trường trung cấp không tuyển sinh được. Mình hiểu quản lý kho là việc làm cho người lao động có trình độ thấp, nhưng thực ra hệ thống kho bãi hiện nay rất phức tạp, tinh vi, ứng dụng công nghệ thông tin rất cao... đòi hỏi người lao động phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Có ngành tưởng như sẽ rất đắt hàng như chăm sóc trẻ em và hỗ trợ gia đình, nhưng mở ra lại không có người học. Có thể những trường có ngành này phải chuyển phương thức đào tạo, thay vì đào tạo 2 năm để có bằng trung cấp thì chuyển sang đào tạo những khóa ngắn hạn, chủ yếu cung cấp kỹ năng cơ bản. Vấn đề là nhu cầu thì có, nhưng các trường phải rất năng động, và phải chuyển đào tạo chương từ (kiến thức) sang đào tạo kỹ năng. Mà muốn đào tạo kỹ năng thì bản thân các thầy phải có kỹ năng. Do đó thách thức lớn nhất để cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng là đội ngũ thầy cô giáo, còn đầu tư tiền bạc thì chỉ là một vấn đề thôi.
83% người trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo về kỹ năng
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, khoảng 83% số người trong độ tuổi lao động của VN còn chưa được đào tạo về kỹ năng. Bộ GD-ĐT đang khuyến nghị các trường áp dụng công nghệ mở các khóa đào tạo ngắn hạn để cấp chứng chỉ, để cho những người học, kể cả những người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ nhưng chưa kiếm được việc làm mà muốn chuyển đổi việc làm, có được những kỹ năng nghề nghiệp.

Lê Đăng Ngọc
Theo Thanh Niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao nhiều ngành thị trường cần nhưng chẳng ai chịu học?