Nhiều khoản thu thuế trọng yếu trong quý 1/2023 đều thấp hơn cùng kỳ năm trước như: thuế giá trị gia tăng bằng 95,5%, thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 92,9%, thuế thu nhập cá nhân bằng 97,3%…

Vì sao nhiều khoản thu thuế trọng yếu giảm nhanh và mạnh?

Tuyết Nhung | 27/04/2023, 17:10

Nhiều khoản thu thuế trọng yếu trong quý 1/2023 đều thấp hơn cùng kỳ năm trước như: thuế giá trị gia tăng bằng 95,5%, thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 92,9%, thuế thu nhập cá nhân bằng 97,3%…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - ông Phi Vân Tuấn chiều 27.4 cho biết, tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách quý 1/2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, áp lực từ sức ép lạm phát, hệ thống tài chính tiền tệ gặp thách thức lớn khi đồng nội tệ tại nhiều quốc gia mất giá mạnh, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina chưa dự báo được thời điểm kết thúc.

thue.jpg

Trong nước, GDP quý 1 ước chỉ tăng 3,32 % so với cùng kỳ, gần như thấp nhất trong những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh 2 tháng liên tiếp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1/2023 giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 1/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước... những yếu tố này đã tác động đến thu ngân sách nhà nước trong quý 1/2023.

Tổng thu ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm 2023 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 430.535 tỉ đồng, bằng 31,4% dự toán, bằng 105,5% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, thu từ dầu thô ước tính đạt 15.883 tỉ đồng, bằng 37,8% dự toán, bằng 90,8% so cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 414.653 tỉ đồng, bằng 31,1% dự toán, bằng 106,1% so cùng kỳ, trong đó thu thuế phí nội địa ước đạt 332.234 tỉ đồng bằng 31,1% dự toán, bằng 107,1% so cùng kỳ.

Mặc dù thu quý 1/2023 đạt 31,4% dự toán, tăng 5,5% so cùng kỳ, nhưng theo Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn, tiến độ thu ngân sách quý 1 thấp hơn 2 năm liền kề trước đó. Số thu qua các tháng có dấu hiệu suy giảm nhanh. Tính chung 3 tháng, nếu loại trừ các khoản thu sau quyết toán và đột biến phát sinh năm 2022 nộp trong năm 2023 thì thu nội địa quý 1/2023 của toàn quốc chỉ bằng 19,1% dự toán, bằng 84,6% so cùng kỳ.

Đáng chú ý, nhiều khoản thu trọng yếu thu trong quí 1 đều thấp hơn cùng kỳ năm trước như: thuế giá trị gia tăng bằng 95,5%, thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 92,9%, thuế thu nhập cá nhân bằng 97,3%... Mức giảm thu diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa phương như: bất động sản bằng 54,9%; ô tô bằng 73%; chứng khoán bằng 42,6%; dầu khí bằng 88,1% so cùng kỳ...

Bên cạnh đó, các giải pháp về chính sách giảm thuế được ban hành quyết liệt từ rất sớm với quy mô lớn như chính sách về giảm thu thuế bảo vệ môi trường được ban hành ngay từ đầu năm, chính sách về giảm thu tiền thuê đất được ban hành cho năm 2022. Hiện nay đang trình giảm tiền thuế đất cho năm 2023 và giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các mặt hàng chịu thuế 10%.

Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn cho biết, theo như tính toán tổng số tiền giảm, gia hạn năm 2023 ước tính lên đến trên 194.000 tỉ đồng, trong đó: Tổng số giảm khoảng 69.000 tỉ đồng thêm ngoài dự toán đã tính (gồm: giảm thuế bảo vệ môi trường khoảng 38.000 tỉ đồng; giảm tiền thuê đất cho 2 năm khoảng 7.000 tỉ đồng; dự kiến giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng khoảng 22.200 tỉ đồng;… Gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuế, tiền thuê đất khoảng 125.000 tỉ đồng).

Phó Tổng cục trường nhận định, trước bối cảnh nền kinh tế như trên, cùng với việc tiếp tục triển khai những chính sách giảm thuế trong thời gian tới, sẽ tác động đến việc triển khai thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2023 của toàn ngành Thuế.

Theo đó, Phó Tổng cục trưởng Tuấn đề nghị các Cục Thuế, Chi cục Thuế trên cả nước tiếp tục bám sát triển khai thực hiện tốt, đồng bộ 10 nhiệm vụ và 22 nhóm giải pháp Tổng cục Thuế đã đề ra tại Hội nghị triển khai công tác thuế năm 2023 của ngành Thuế, các giải pháp đề ra tại báo cáo trung tâm. Từ đó, phấn đấu đấu hoàn thành và vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Bộ Tài chính giao là 1.373.244.000 đồng.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu cần phải tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như thực hiện tốt các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà cho doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời, tập trung vào các giải pháp để tìm kiếm nguồn thu, bù đắp một số khoản thu, sắc thuế có thể giảm; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ; công tác hoàn thuế; thực hiện công tác kỷ luật, kỷ cương; thực hiện công tác lập và xây dựng dự toán năm 2024.

Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn đặc biệt yêu cầu các Cục Thuế đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra hóa đơn điện tử theo phương pháp rủi ro để ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn nhằm chống thất thu cho ngân sách. Đồng thời, tập trung nguồn nhân lực giải quyết nhanh chóng những hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện, tháo gỡ nguồn vốn tức thì để doanh nghiệp có nguồn vốn quay vòng tài chính, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bài liên quan
DN nào ở Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu?
Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu. Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao nhiều khoản thu thuế trọng yếu giảm nhanh và mạnh?