Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển cho rằng, mức thuế suất tối thiểu toàn cầu đang có xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia, đồng thời, chiến lược thu hút FDI của các nước sẽ thay đổi.

Thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt 'cuộc đua xuống đáy' ưu đãi thuế

Sơn Lam | 19/04/2023, 12:36

Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển cho rằng, mức thuế suất tối thiểu toàn cầu đang có xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia, đồng thời, chiến lược thu hút FDI của các nước sẽ thay đổi.

Chấm dứt cuộc chạy đua xuống đáy

Từ trước đến nay, các quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ với nhau để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư đa quốc gia đến hoạt động kinh tế bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi thuế.

Để thu hút vốn FDI, các quốc gia mở cửa thị trường, nhưng do các đối thủ cạnh tranh quốc tế nên họ muốn nới lỏng các quy định đầu tư, bao gồm cả thuế suất.

Bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho hay, điều này đã dẫn đến một “cuộc chạy đua xuống đáy” của thuế ưu đãi không thể tránh khỏi khi các quốc gia cắt giảm thuế ngày càng nhiều nhằm duy trì một lựa chọn khả thi cho các nhà đầu tư.

thue-2.jpg
Thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ khiến chiến lược thu hút FDI nhiều quốc gia phải thay đổi

Tuy nhiên, sau khi các công ty/nhà đầu tư nước ngoài đã tiến hành hoạt động kinh doanh tại quốc gia nước ngoài, họ đã không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) một cách công bằng, và từ đó tạo nên gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp địa phương.

“Mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ chấm dứt cuộc đua xuống đáy trong việc giảm thuế suất nhiều thập kỷ qua và có thể sẽ làm đảo lộn các tính toán về địa điểm đầu tư và cách thức các công ty toàn cầu hoạt động”, bà Nga nói.

Bà Nguyễn Thy Nga đánh giá, thuế TNDN không phải động lực hàng đầu của FDI. Hiện thuế TNDN của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, Việt Nam đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài như: ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn...

“Theo tính toán, thuế thực tế với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%. Thuế suất doanh nghiệp thường được coi là một biến trong mô hình FDI đa biến. Trong hầu hết các trường hợp, tác động của việc giảm phần trăm thuế doanh nghiệp được dự đoán sẽ dẫn đến mức tăng FDI ước tính. Các động lực FDI quan trọng khác như quy mô thị trường, nhân công, sự ổn định, môi trường kinh doanh… đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các quyết định giúp các nước duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”, bà Nga nêu.

Bà Nga cũng cho rằng không có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy ưu đãi thuế làm tăng vốn FDI tại ASEAN, thậm chí thực tế còn ngược lại. Hầu hết các ưu đãi thuế TNDN hiện tại ở ASEAN không nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn, mà thay vào đó được sử dụng để khỏa lấp cho những yếu kém trong năng lực quản trị và cơ sở hạ tầng và đáp ứng mong muốn ngắn hạn của các nhà đầu tư bằng cách cắt giảm thuế TNDN xuống mức tối thiểu.

“Ưu đãi thuế thậm chí đã tạo ra môi trường đầu tư không công bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Nga nêu.

Đẩy nhanh tiến độ nội luật

Các chuyên gia cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ ngày 1.1.2024 và Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nội luật và thể hiện quan điểm ủng hộ thỏa thuận và cam kết thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Bà Nguyễn Thy Nga đề nghị, trong ngắn hạn, Việt Nam cần tranh thủ hỗ trợ, ý kiến tư vấn của OECD và các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về vấn đề này; đồng thời xây dựng đề án về thuế suất tối thiểu toàn cầu ngay trong quý 2/2023 trình Thủ tướng Chính phủ.

nga-2.jpg
Bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển

Tiếp đó, cần đánh giá chủ trương chính sách của Việt Nam và đẩy nhanh tiến xây dựng nội luật áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu thuế, có thể bắt đầu thí điểm từ tháng 11.2023 và mở rộng hơn với tháng 12.2023 và thông báo chính thức chủ trương vào ngày 1.1.2024 khi thuế suất tối thiểu toàn cầu có hiệu lực.

Trong dài hạn, hệ thống thuế cùng với các ưu đãi thuế cũng cần được xem xét cải cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của trụ cột 2, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Việc ban hành chính sách hoặc cơ chế mới cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp và không vi phạm các cam kết quốc tế Việt Nam đang tham gia.

Đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi trụ cột 2, bà Nga cho rằng Việt Nam nên chủ động lấy ý kiến và mời góp ý xây dựng hệ thống ưu đãi thuế để phù hợp hơn trong bối cảnh triển khai thuế suất. Điều này nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp này khi đầu tư tại Việt Nam để khuyến khích đầu tư, mở rộng đầu tư, đồng thời cũng dung hòa với quyền lợi của Việt Nam.

Ngoài ra, cần tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp FDI bổ sung thuế tại Việt Nam; nâng cao năng lực dự báo và phòng ngừa các khủng hoảng chính sách có thể xuất hiện khi thay đổi về thuế; phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, hệ thống pháp lý...

thue.jpg
Cần tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp FDI bổ sung thuế tại Việt Nam

“Các doanh nghiệp trong nước có đầu tư nước ngoài hoặc các chi nhánh của các tập đoàn tại Việt Nam cũng nên chủ động cùng với công ty mẹ đánh giá tác động của trụ cột 2 đối với tình hình hoạt động kinh doanh cũng như cấu trúc của doanh nghiệp trong ngắn hạn cũng như dài hạn, và tham gia đóng góp ý kiến từ góc độ doanh nghiệp cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng, điều chỉnh nội luật”, bà Nga nêu.

Bà Nga cũng khuyến nghị tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về thuế suất tối thiểu toàn cầu nên đẩy nhanh đánh giá tác động và nghiên cứu; xây dựng khung pháp lý nội luật liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả…

Chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu được yêu cầu áp dụng ngày từ ngày 1.1.2024. Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức Hợp
tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận.

Đưa ra mức thuế tối thiểu toàn cầu, một trạng thái cân bằng chính sách mới xuất hiện, tất cả các quốc gia đều đặt mức thuế suất tối ưu ở mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15%. Mức thuế tối thiểu toàn cầu tạo ra một mức sàn cho cuộc đua xuống đáy vì các thiên đường có thuế suất thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu không hấp dẫn hơn từ góc độ của các công ty đang chuyển đổi lợi nhuận so với các thiên đường có thuế suất chính xác ở mức toàn cầu tối thiểu. Xu hướng toàn cầu này không chỉ đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi phải có những thích ứng nhanh chóng, kịp thời từ phía các cơ quan chức năng"

Bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt 'cuộc đua xuống đáy' ưu đãi thuế