Vùng Đông Nam Bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước…

Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết mới về vùng Đông Nam Bộ?

Lam Thanh | 24/10/2022, 10:00

Vùng Đông Nam Bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước…

Tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại

Phát biểu tại hội nghị của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đây là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, vùng luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước; là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạt nhân là đô thị đặc biệt TP.HCM.

Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao nhất cả nước.

Đây cũng là vùng đã hình thành trung tâm công nghiệp hàng đầu với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước. Kinh tế tư nhân phát triển năng động, có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI…

tbt.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng kinh tế - xã hội của vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức lớn: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu quan trọng đề ra chưa đạt được; tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm; tốc độ tăng năng suất lao động thấp; một số công trình trọng điểm xây dựng còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng nghiêm trọng tại TP.HCM vẫn chưa được khắc phục. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; chưa làm chủ được công nghệ cao, cốt lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực.

Công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững; chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; tình trạng quá tải ở các trường học, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh công lập chậm được khắc phục; năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, đặc biệt là khi xẩy ra dịch bệnh bất thường…

Tình hình thực tế đó đã đặt ra yêu cầu phải khẩn trương, nghiêm túc tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa 9; Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị khóa 11 và nghiên cứu xây dựng, ban hành Nghị quyết mới để phát triển vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn mới.

TP.HCM là thành phố kinh tế tri thức, trung tâm tài chính quốc tế

Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh: Cần phải đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á; giữ vai trò đầu tàu trong liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.

Trong đó, TP.HCM là thành phố kinh tế tri thức, trung tâm tài chính quốc tế, là điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức, nhất là trí thức trẻ, đến sinh sống và làm việc; có trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn ở khu vực châu Á, đóng vai trò là một cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Ngoài ra, cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao. Tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh cần phải đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương để Đông Nam Bộ phải trở thành một hình mẫu tiêu biểu, hiệu quả cao trong hợp tác liên kết vùng. Thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, có sức cạnh tranh quốc tế cao, tạo bước đột phá trong việc phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của vùng.

tbt-2.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Tổng Bí thư yêu cầu phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, đổi mới, năng động, sáng tạo; ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, đã đạt được.

“Tôi đề nghị Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng”, Tổng Bí thư nêu.

Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu nâng cao, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực và chất lượng lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Đồng thời tiếp tục cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi và bảo vệ những cán bộ mạnh dạn đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức.

Bài liên quan
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết mới về vùng Đông Nam Bộ?