Việc thiếu ưu đãi về các điều kiện phát triển như nguồn vốn vay, trong khi các sức ép về thuế phí, thủ tục phiền hà từ các cơ quan nhà nước thì lại tăng lên khiến cho hầu hết các doanh nghiệp tư nhân không có động lực để mở rộng sản xuất kinh doanh mặc dù có điều kiện.

Vì sao doanh nghiệp Việt Nam không chịu lớn?

Một Thế Giới | 04/02/2016, 06:00

Việc thiếu ưu đãi về các điều kiện phát triển như nguồn vốn vay, trong khi các sức ép về thuế phí, thủ tục phiền hà từ các cơ quan nhà nước thì lại tăng lên khiến cho hầu hết các doanh nghiệp tư nhân không có động lực để mở rộng sản xuất kinh doanh mặc dù có điều kiện.

Nếu có một thời điểm nào đó Việt Nam cần nhìn lại tất cả mọi bộ phận và lĩnh vực trong nền kinh tế đất nước, thì đó chính là thời điểm hiện tại: năm 2016, khi đây là năm đánh dấu cho sự hội nhập sâu rộng nhất của kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Nếu như chúng ta đã nói nhiều về các bộ phận chủ đạo của nền kinh tế như các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì một bộ phận quan trọng không kém là các doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Quan điểm chung là khối tư nhân trong tương lai sẽ giữ vai trò quan trọng nhất trong nền kinh tế, nhưng vẫn đang có quy mô khá nhỏ và cần nhiều sự hỗ trợ. Nhưng, để hỗ trợ như thế nào cho hiệu quả thì cần phải xem xét lại vấn đề, vì sao doanh nghiệp Việt Nam không chịu lớn?
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không nhỏ, nhưng không chịu lớn
Nhìn vào con số thống kê về quy mô các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay, hẳn nhiều người sẽ lấy làm lo ngại. Theo thống kê, cả nước hiện đang có khoảng 500.000-800.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp quy mô lớn chỉ chiếm 2% tổng số, số doanh nghiệp quy mô vừa cũng là 2%, còn 96% là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, phần lớn trong số đó là các hộ doanh nghiệp chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ. Trong bối cảnh Việt Nam sắp chính thức ký kết TPP và một loạt các FTA đi vào hoạt động, khi mà các doanh nghiệp lớn và tập đoàn nước ngoài tràn vào thị trường, thì việc có tới 96% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ như vậy không khác gì ngọn đèn leo lét trước gió lớn, có thể tắt bất cứ lúc nào.
Nhưng, nếu nhìn sâu hơn, thì tình hình lại có vẻ không hoàn toàn như vậy. Một con số thống kê đáng chú ý là trong 44% mức đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân vào GDP của đất nước, thì mức đóng góp của các doanh nghiệp chỉ là 11,2 - 11,3% GDP, trong khi đó mức đóng góp của khối kinh tế doanh nghiệp hộ cá thể lên tới 33,2%, cao hơn rất nhiều. Điều này có nghĩa là 96% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ mà phần lớn là hộ doanh nghiệp lại đang có mức đóng góp vào tăng trưởng GDP cao hơn khoảng 3 lần so với khoảng 4% các doanh nghiệp cỡ lớn và trung bình. Nó đang cho thấy, chúng ta đang có một cái nhìn chưa thực sự chính xác về quy mô và năng lực của khối kinh tế doanh nghiệp hộ cá thể mà phần lớn vẫn nghĩ là có quy mô rất nhỏ và không đáng kể.
Thực tế là, khối kinh tế doanh nghiệp hộ cá thể có quy mô lớn hơn mức chúng ta tưởng rất nhiều. Theo luật doanh nghiệp quy định thì bất cứ doanh nghiệp nào sử dụng trên 10 lao động thì phải đăng ký, trong khi đó có rất nhiều doanh nghiệp hộ cá thể sử dụng tới hàng trăm lao động tức là tương đương với một doanh nghiệp có quy mô trung bình thì lại không đăng ký. Các doanh nghiệp hộ cá thể này không đăng ký vì về danh nghĩa, họ vẫn là hộ doanh nghiệp, và việc không đăng ký này giúp họ không phải chịu quy định chặt chẽ về biên lai, chứng từ và không phải đóng thuế theo biên lai theo các quy định. Các chủ doanh nghiệp hộ cá thể này có thể làm việc trực tiếp với cán bộ thu thuế để giảm thiểu mức đóng thuế do họ không phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ về biên lai, chứng từ.
Trường hợp các doanh nghiệp tư nhân cố ý tiết giảm quy mô kinh doanh ở mức nhất định thay vì liên tục mở rộng phạm vi và quy mô kinh doanh cũng không phải là hiếm. Theo một số chuyên gia, ngoại trừ các tập đoàn và doanh nghiệp lớn chủ yếu nằm trong số 2% tổng số các DN có quy mô lớn, thì hầu hết các DN có quy mô trung bình không muốn phát triển lên một quy mô lớn hơn.
Theo phản ánh của các chủ doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì thường phải đối mặt với nhiều sức ép hơn do phí tuân thủ thủ tục hành chính cũng nhiều hơn, bị thanh tra kiểm tra nhiều hơn, cũng như dễ bị các cơ quan hành chính và thuế nhũng nhiễu hơn. Đó là lý do phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và trung bình, một khi phát triển nhất định thì hầu hết sẽ tiết giảm quy mô kinh doanh ở một mức độ nhất định và đầu tư tiền vào lĩnh vực khác thay vì tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh. Nói cách khác, các doanh nghiệp này đang cố tình không muốn lớn.
Giải pháp nào để cải thiện tình hình?
Việc có quá nhiều doanh nghiệp trong khối tư nhân không muốn lớn đang mang lại những hậu quả khá nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Về phía nhà nước, việc có quá nhiều doanh nghiệp tự tiết giảm quy mô đồng nghĩa với việc nguồn thu ngân sách từ nộp thuế giảm đi đáng kể. Theo thống kê, khối kinh tế doanh nghiệp hộ cá thể chiếm tới 33,2% GDP nhưng lại chỉ chiếm khoảng 2% tổng thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi mà các doanh nghiệp cố tình không chịu lớn, dẫn đến nhiều hậu quả, chẳng hạn như mức sử dụng lao động ít đi, ít đóng thuế hơn và mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước sẽ giảm đáng kể. Không có một nền kinh tế nào có thể phát triển mạnh nếu như các doanh nghiệp trong nền kinh tế đó không chịu lớn và cứ mãi chỉ ở quy mô trung bình.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nếu như trong trường hợp các doanh nghiệp hộ cá thể lý do chủ yếu là để lách luật để giảm mức đóng thuế, thì trường hợp các doanh nghiệp tư nhân không chịu lớn chủ yếu là đến từ những bất cập về chính sách. Việc thiếu ưu đãi về các điều kiện phát triển như nguồn vốn vay, trong khi các sức ép về thuế phí, thủ tục phiền hà từ các cơ quan nhà nước thì lại tăng lên khiến cho hầu hết các doanh nghiệp này không có động lực để mở rộng sản xuất kinh doanh mặc dù có điều kiện.
Trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách từ đánh thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm dần theo quy định của các hiệp định thương mại, thì xu hướng là nguồn thu ngân sách sẽ dần chuyển sang các doanh nghiệp nội địa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam buộc phải thúc đẩy các DN trong nước phát triển hết mức có thể để tăng thu ngân sách từ thu thuế nếu như không muốn rơi vào cảnh thâm hụt ngân sách. Nếu các DN cứ không chịu lớn như thế này, thì chắc chắn trong tương lai ngân sách của Việt Nam sẽ rơi vào cảnh thâm hụt trầm trọng.
Để cải thiện tình hình, ngoài việc hoàn thiện cơ sở luật pháp để tránh tình trạng lách luật như khối kinh doanh hộ cá thể vẫn làm, thì điều quan trọng nhất là phải cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Trong đó cần phải tạo mọi điều kiện giúp các doanh nghiệp phát triển, đồng thời giảm những ràng buộc và nhũng nhiễu từ phía các cơ quan hành chính. Trên thực tế, khối doanh nghiệp tư nhân có quy mô kinh doanh không quá nhỏ như chúng ta vẫn nghĩ thông qua con số thống kê (96%), mà khá nhiều trong số đó có quy mô và tiềm lực rất đáng kể. Một khi Việt Nam tạo được lộ trình phát triển cho khối doanh nghiệp này, thì việc thu được kết quả là điều chắc chắn. Vấn đề chủ yếu là ở chỗ Việt Nam có muốn các doanh nghiệp trở nên lớn mạnh hay không mà thôi.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Dangkydautu, Baodatviet, CAND)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao doanh nghiệp Việt Nam không chịu lớn?