Kiểm toán nội bộ là thông lệ tốt trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam, vai trò và trách nhiệm của kiểm toán nội bộ chưa được chú trọng hoặc nhiều khi nhầm lẫn, chồng chéo với các nhiệm vụ khác.

Vì sao doanh nghiệp Việt chưa mặn mà với kiểm toán nội bộ?

29/03/2019, 10:51

Kiểm toán nội bộ là thông lệ tốt trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam, vai trò và trách nhiệm của kiểm toán nội bộ chưa được chú trọng hoặc nhiều khi nhầm lẫn, chồng chéo với các nhiệm vụ khác.

Kiểm toán nội bộ sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp niêm yết - Ảnh: Internet

Nghị định số 05/2019/NÐ-CP về kiểm toán nội bộ do Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 1.4. Nghị định này quy định các doanh nghiệp là công ty niêm yết; doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con là đối tượng bắt buộc phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ, bên cạnh đối tượng là đơn vị nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Những công ty khác khuyến khích có công tác nội bộ.

Theo các chuyên gia, vai trò và trách nhiệm của kiểm toán nội bộ ở nhiều doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam đang bị nhầm lẫn hoặc chồng chéo với các nhiệm vụ kiểm soát nội bộ hay kiểm soát tuân thủ, hỗ trợ cho ban giám đốc.

Trong khi theo thông lệ quốc tế, kiểm toán nội bộ được biết đến là một chức năng giám sát độc lập và tuyến phòng vệ thứ ba của doanh nghiệp, thường xuyên rà soát và đánh giá độc lập, khách quan về hoạt động kiểm soát, quản lý rủi ro và quản trị trong nội bộ tổ chức.

Theo luật sư Nguyễn Thị Thu, kiểm toán nội bộ là một trong những thông lệ tốt của quốc tế nhưng tại Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp Việt chưa chú trọng. Trên thế giới, kiểm toán nội bộ được ghi nhận là công cụ đắc lực của nhà quản trị. Việc này đảm bảo các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp nhận diện những rủi ro ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu của đơn vị, xác định mức rủi ro để từ đó chủ động đề xuất các biện pháp đối phó, giảm thiểu rủi ro.

Tại nhiều thị trường phát triển, việc thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ ở doanh nghiệp là “quy định mở”. Chẳng hạn, tại Úc, Singapore hay Hồng Kông, không có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải có kiểm toán nội bộ, nhưng dưới áp lực từ nhu cầu của nhà đầu tư, bản thân các doanh nghiệp đều có ý thức tự xây dựng một hệ thống kiểm toán nội bộ để tăng cường giám sát hoạt động, hạn chế rủi ro có thể xảy ra.

Luật sư Thu nhận định, với việc Nghị định 05/2019/NP-CP được ban hành, các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư vào chức năng kiểm toán nội bộ một cách nghiêm túc hơn, để kiểm toán nội bộ có thể thực hiện đúng vai trò rà soát và đánh giá độc lập các quy trình quản trị, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp.

Theo bà Thu, thách thức đối với các doanh nghiệp khi triển khai thực hiện Nghị định 05 là văn bản này vẫn còn thiếu hướng dẫn chi tiết. Các quy định trong Nghị định 05 thực chất mới chỉ là các định hướng, quy tắc hoạt động đối với kiểm toán nội bộ. Thêm vào đó, nguồn nhân lực làm kiểm toán nội bộ còn thiếu và chưa được đào tạo, bồi dường một cách bài bản.

“Nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không có nhận thức rõ ràng chính xác về chức năng, vai trò của kiểm toán nội bộ, hoạt động này sẽ không đạt được sự hiệu quả cần phải có”, bà Thu nói.

Do đó, để hoạt động kiểm toán nội bộ hoạt động hiệu quả, lãnh đạo doanh nghiệp cần có những nhận thức rõ ràng về khái niệm, vai trò, chức năng, đặc biệt là sự quan trọng của kiểm toán nội bộ và đầu tư vào hoạt động kiểm toán nội bộ, thực hiện một cách nghiêm túc, khách quan, độc lập.

Cùng với đó, bà Thu cho rằng các cơ quan chức năng cần hoàn thiện sớm hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thực hiện kiểm toán nội bộ.

Về công tác đào tạo, theo luật sư Thu, các trường đại học cần mở rộng ngành nghề đào tạo theo hướng đào tạo nghề kiểm toán nội bộ chuyên nghiệp kết hợp đan xen chuyên môn kiểm toán nội bộ trong các ngành đào tạo kinh tế khác.

Tại hội thảo “Cập nhật quy định về kiểm toán nội bộ và kinh nghiệm tổ chức chức năng kiểm toán nội bộ hiệu quả tại công ty niêm yết” mới đây, ông Hoàng Hùng - Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận định rằng những nội dung trong Nghị định đã hướng đến các thông lệ quốc tế về kiểm toán nội bộ, nhằm tăng cường tính minh bạch của thông tin và tính hiệu quả trong quản trị công ty.

“Đây là khung pháp lý bài bản đầu tiên về cách thức tổ chức, thực hiện công tác kiểm toán nội bộ cũng như vai trò, trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ và các bên liên quan”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, từ 1.4.2019, Nghị định 05 sẽ có hiệu lực. Các đối tượng áp dụng sẽ có 24 tháng để hoàn thành các bước chuẩn bị cần thiết để triển khai công tác kiểm toán nội bộ theo quy định. Đây không phải là một khoảng thời gian dài, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, tổ chức chưa từng có chức năng kiểm toán nội bộ vì việc thiết lập một chức năng kiểm toán mới đòi hỏi chiến lược, kế hoạch chi tiết với nhiều bước chuẩn bị phức tạp. Do đó, các đối tượng áp dụng Nghị định cần phải đẩy mạnh các nỗ lực triển khai ngay từ bây giờ.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao doanh nghiệp Việt chưa mặn mà với kiểm toán nội bộ?