Loại bánh ngọt có tên là “bánh lười” hay “Lazy Cakes” là một dạng bào chế mới của cần sa để đánh lạc hướng và sử dụng tiện lợi hơn.

Vì sao bánh ngọt “Lazy Cakes” tẩm cần sa nhưng người dùng không biết?

Hồ Quang | 13/12/2022, 18:06

Loại bánh ngọt có tên là “bánh lười” hay “Lazy Cakes” là một dạng bào chế mới của cần sa để đánh lạc hướng và sử dụng tiện lợi hơn.

Mới đây, Công an TP.HCM đã phát đi thông tin cảnh báo về một biến tướng mới của ma túy dưới dạng bánh ngọt có tên “bánh lười” hay còn có tên gọi là “Lazy Cakes” đang xâm nhập vào Việt Nam, nhưng người sử dụng không biết.

Sử dụng cách bào chế mới để đánh lạc hướng người dùng

Theo đó, “bánh lười” hay “Lazy Cakes” là một loại bánh ngọt có tẩm cần sa mới du nhập vào Việt Nam. Khi sử dụng, chất kích thích sẽ ngấm nhanh vào máu khiến cho người sử dụng có cảm giác hưng phấn, ảo giác, dễ buồn ngủ hoặc chỉ thích nằm hay ngồi một chỗ cười. Loại bánh này được cảnh báo có thể gây suy hô hấp tạm thời và có thể khiến cho người dùng lâm vào trạng thái mê man.

vi-sao-banh-ngot-lazy-cakes-tam-can-sa-nhung-nguoi-dung-khong-biet-hinh-anh(1).png
"Bánh lười” hay “Lazy Cakes” là một loại bánh ngọt có tẩm cần sa mới du nhập vào Việt Nam - Ảnh: PV

Chia sẻ về điều này, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết, nếu như bột nước trái cây là một biến tướng của ma túy lắc dưới dạng bột hương trái cây hòa tan trong nước để uống, thì “bánh lười” là một dạng biến tướng của cần sa dưới dạng bánh ngọt và có tên lóng là “Lazy Cakes”, nhưng người sử dụng không biết bánh được tẩm cần sa.

Theo bác sĩ Hiển, cần sa thường được biết dưới dạng lá cây phơi khô, và sử dụng bằng cách quấn hút như thuốc rê. Cần sa có mùi khét rất đặc trưng, dễ nhận biết nên việc sử dụng rất dễ bị phát hiện.

Việc chiết xuất các chất cannabinols, hoặc chất tetrahydrocannabinol (THC) có trong lá cần sa thành dung dịch và sau đó trộn với nguyên liệu làm bánh ngọt. Loại này thông thường được trộn thêm hương dâu, hương sôcôla… Điều này sẽ hóa giải được mùi khét đặc trưng, khi sử dụng cần sa bằng cách quấn hút nên dễ qua mặt cơ quan chức năng, cũng như sẽ làm cho các phụ huynh mất cảnh giác.

“Nhiều phụ huynh nghĩ đó là những chiếc bánh vô hại, chứ không nghĩ là những chiếc bánh độc hại chứa ma túy. Nói chung, đây không phải là loại ma túy mới, chỉ là dạng bào chế mới để đánh lạc hướng và sử dụng tiện lợi hơn”, bác sĩ Hiển nói.

Theo thông tin, giá chiếc “bánh lười” này không hề rẻ cũng giống như hầu hết các loại ma túy. Hiện những chiếc bánh nhỏ, giống như bánh cookies thông thường, có giá 200.000 đồng đến 300.000 đồng, và đang có xu hướng lan truyền trong giới học sinh, sinh viên.

Dù mới được cảnh báo từ Công an TP.HCM, nhưng theo bác sĩ Hiển, những chiếc “bánh lười” này không hề mới ở Việt Nam, vì nó đã xuất hiện lẻ tẻ từ vài năm trước qua con đường của các du học sinh về thăm nhà, nhưng lúc đó các du học sinh mang về để dùng hay vui chơi với bạn bè chứ không mang tính thương mại. Thời gian gần đây, nhận thấy thị trường bắt đầu có “tiềm năng” nên thế giới ngầm nhảy vào kinh doanh mặt hàng béo bở này.

Không chỉ gây nghiện ngập mà còn nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt

Phân tích của bác sĩ Hiển cho thấy, chất tetrahydrocannabinol (THC) có trong lá cần sa có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương tạo nên cảm giác sảng khoái, hưng phấn nhưng nhẹ hơn so với ma túy lắc hay đá, sau đó chuyển sang trạng thái ức chế, tạo ra cảm giác thư giãn và an thần - gây ngủ nhẹ.

Tuy cần sa có mức độ gây lệ thuộc thấp hơn heroin hay ma túy lắc, ma túy đá nhưng nếu sử dụng lâu dài sẽ gây những tổn hại trên hệ thần kinh trung ương, có thể gây kém tập trung và suy giảm nhận thức.

“Các thống kê cho thấy hầu hết những người sử dụng cần sa sau một thời gian, sẽ nâng cấp lên các loại ma túy khác “nặng đô” hơn như heroin, lắc, đá, ketamine… cho nên có thể nói cần sa là sự khởi đầu của mọi tình trạng nghiện ngập”, bác sĩ Hiển cho biết.

Bên cạnh đó, bác sĩ Hiển cũng cho biết, một số nghiên cứu và thống kê cho thấy tỷ lệ người bị bệnh tâm thần phân liệt tăng cao một cách bất thường trên quần thể những người có sử dụng cần sa. Đó là lý do mà hầu hết các quốc gia trên thế giới cấm sử dụng cần sa dù cần sa được xem là ít gây tác hại.

“Đây là loại bánh không hề rẻ, nên biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất là các phụ huynh đừng cho con em mình quá nhiều tiền, các trường học cần tăng cường phổ biến giáo dục về tác hại của ma túy, để giới trẻ không bị vướng vào ma túy với phương châm “ma túy, không thử dù chỉ một lần”, bác sĩ Hiển khuyến cáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao bánh ngọt “Lazy Cakes” tẩm cần sa nhưng người dùng không biết?