Trong khi những ly cà phê trên thế giới ngày một đắt đỏ thì giá trị mỗi kg cà phê thu về của bà con nông dân vẫn thấp và bấp bênh. Thậm chí 1kg cà phê của nông dân bán ra chưa bằng giá 1 ly cà phê ở quán.

Vì sao 1kg cà phê của nông dân chưa bằng giá 1 ly cà phê ở quán?

16/08/2020, 06:56

Trong khi những ly cà phê trên thế giới ngày một đắt đỏ thì giá trị mỗi kg cà phê thu về của bà con nông dân vẫn thấp và bấp bênh. Thậm chí 1kg cà phê của nông dân bán ra chưa bằng giá 1 ly cà phê ở quán.

Giá trị cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều nước trên thế giới - Ảnh: TN

Hiện nay, chuỗi giá trị của cà phê bao gồm 6 khâu chính: sản xuất nguyên phụ liệu, trồng trọt, chế biến thô sơ, rang xay, marketing và phân phối sản phẩm. Việt Nam được xem là một trong những nước xuất khẩu nguyên liệu cà phê hàng đầu thế giới. Sản lượng hàng năm rất cao nhưng giá trị thu về lại thấp do chất lượng không đồng đều, tỷ lệ hạt vỡ cao nên giá bán thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước khác.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam từng nói rằng: "Khi bán 1kg cà phê với giá thành như hiện nay, các nông hộ thu được gần 2 USD, tương đương với giá trung bình của 1 ly cà phê (đã được pha chế) ở các nước nhập khẩu cà phê. Trong khi đó, 1kg cà phê thì pha chế được 50 ly cà phê".

Điều này cho thấy sự mất cân đối về giá trị trong cả chuỗi cà phê. Khâu chế biến là "con át chủ bài" thu về lợi nhuận khủng khiếp, trong khi người nông dân sản xuất ra nguyên liệu lại mang về giá trị không đáng là bao. Đó là bài toán cần giải trong việc gieo trồng và thu hoạch cà phê của Việt Nam hiện nay.

TS Nguyễn Văn Lạng, chuyên gia nông nghiệp, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,8 triệu tấn cà phê, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Brazil nhưng giá trị thu về rất thấp, chỉ đạt khoảng 3,5 tỉ USD mỗi năm.

Theo ông Lạng, khâu thu hoạch của Việt Nam còn rất yếu khiến chất lượng trong những niên vụ gần đây giảm đáng kể. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến giá trị sản phẩm cà phê.

Lý giải vấn đề trên, TS Lạng cho rằng khâu chế biến đang đạt giá trị cao nhất, hay nói cách khác là thu lợi nhuận lớn nhất trong chuỗi giá trị cà phê. Trên thế giới, tỷ trọng cà phê đạt khoảng 62-65 tỉ USD thì phân khúc chế biến đã chiếm trên 50%.

"Nhu cầu uống cà phê của người dân trên thế giới rất lớn với hơn 1 tỉ người uống cà phê mỗi ngày. Vì vậy rất nhiều nhà đầu tư tìm đến sản phẩm này và họ quyết định được giá của thị trường. Tại sao Starbucks lại có doanh số khổng lồ vậy? Vì đến với Starbucks, khách hàng không chỉ uống một ly cà phê mà còn thưởng thức cả văn hóa của Starbucks. Đây chính là vấn đề cốt lõi quyết định giá một ly cà phê cao hay thấp. Do đó, khâu chế biến và cung ứng sản phẩm cuối cùng cho người tiêu dùng rất quan trọng. Hai yếu tố này chiếm tỷ trọng cao nhất trong doanh số là như vậy", TS Lạng lý giải.

Ông Lạng cho biết, tại Việt Nam, 1,5 kg - 1,6 kg cà phê nhân rang say ra thì được 1kg cà phê. Trong khi đó, 1kg cà phê nhân mua với giá 40.000 đồng nhưng 1kg cà phê rang say có giá lên đến 120.000 - 150.000 đồng. Nghĩa là chỉ cần rang say bình thường, giá trị cà phê đã tăng lên gấp 1,5 lần. Hay cà phê viên capsule có giá lên tới 1,3 triệu đồng/kg, tương ứng với 5.000 đồng 1 viên 6gr trong khi phụ liệu chiếm giá trị rất nhỏ. Như vậy có thể thấy lợi nhuận của người rang say và chế biến là cực kỳ lớn.

Để nông dân nâng cao giá trị thu hoạch, TS Nguyễn Văn Lạng cho rằng cần phải áp dụng các chế độ canh tác hợp lý, hữu cơ, tưới nước và bón phân theo nhu cầu của cây, đồng thời áp dụng các công nghệ của Nhật Bản, EU... Đặc biệt, thu hoạch cà phê phải chín, tỷ lệ thu hoạch quả chín phải trên 95% thì chất lượng cà phê xuất khẩu sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó, cần đầu tư hệ thống sau thu hoạch như sân phơi, máy sấy... để đảm bảo được chất lượng hạt cà phê sau thu hái. Để chất lượng cà phê đạt tốt hơn, TS Lạng đề xuất nên tái canh hoặc ghép chồi.

"Năm 2001, tôi từng đưa một mô hình công nghệ ghép chồi từ Brazil về Việt Nam và áp dụng với Đắk Lắk đầu tiên, sau đó là Lâm Đồng. Với mô hình công nghệ này, hai tỉnh thành trên đã rất thành công trong việc ghép chồi, nghĩa là tạo ngân hàng chồi xong ghép chồi vào các gốc cũ, gốc già. Ghép ở đây không phải chặt bỏ hay cắt tất cả để ghép mà cắt so le, ví dụ năm nay cắt 30%, sang năm 30%, năm nữa lại cắt 40%. Như vậy thì 3 năm liên tục sẽ cải tạo được giống cà phê mới với chất lượng cao", TS Lạng chia sẻ.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao 1kg cà phê của nông dân chưa bằng giá 1 ly cà phê ở quán?