Venice từ lâu đã được mệnh danh là La Dominante, Serenissima, Nữ hoàng của biển Adriatic, thành phố trên nước, thành phố của những mặt nạ, thành phố của những kênh, cầu… Sở dĩ như vậy vì đây đã từng là một hải cảng sầm uất và lớn nhất thời Trung cổ với sự giao lưu văn hóa, thương mại ra cả châu Á.

Venice, thành phố của kênh và cầu

Theo Doanh nhân Plus | 20/04/2021, 15:44

Venice từ lâu đã được mệnh danh là La Dominante, Serenissima, Nữ hoàng của biển Adriatic, thành phố trên nước, thành phố của những mặt nạ, thành phố của những kênh, cầu… Sở dĩ như vậy vì đây đã từng là một hải cảng sầm uất và lớn nhất thời Trung cổ với sự giao lưu văn hóa, thương mại ra cả châu Á.

Đến Venice lúc nào cũng cảm thấy phiêu bồng, một cảm giác lâng lâng khó tả khi đi trên mặt nước cùng những cây cầu chập chùng, nối kết hết nơi này tới nơi khác. Cảm giác huyền diệu ấy có được là nhờ Venice có tới 177 con kênh, 354 cây cầu bắc ngang 118 hòn đảo và hàng trăm ngôi nhà, mà cứ mở cửa ra là cầu ở dưới chân.

Tuy nhiều kênh song con kênh chính của Venice là Canale Grande, với mặt nước mênh mông trải dài như một biển nhỏ và có hình chữ S, chia thành phố thành hai nửa, một đầu dẫn tới cù lao, đầu kia thông đến châu thổ. Bên đôi bờ của con kênh thăm thẳm này, tọa lạc hơn 170 tòa nhà từ 300 đến 800 năm tuổi, trong đó nhiều tòa nhà là các lâu đài, thánh đường, nhưng nhìn từ xa đều như những du thuyền nổi dập dềnh trên sóng.

Nhắc tới đó, mọi người lại nhớ đến bốn cây cầu đặc sắc ở trên kênh là Ponte de Rialto, Ponte degli Scalzi, Ponte dell'Accademia và Ponte della Costituzione mà lúc nào cũng đông nghịt, do là biểu tượng của thành phố nổi và ngay từ xưa đã đi vào văn học nghệ thuật, với nhiều tranh vẽ về cầu.

Ở Ý có đến 2.000 cây cầu, song riêng ở Venice đã có gần 400 cây cầu, chiếm 1/5 số lượng cầu đường cả nước. Cây cầu đầu tiên được biết ở đây là cầu gỗ Rialto, ra đời vào năm 800, là tiền thân của Ponte de Rialto bây giờ. Những cây cầu gỗ ban đầu thường có mặt phẳng, nằm ngang để xe ngựa, xe thồ và người đi bộ bước qua.

Tuy nhiên, do nhu cầu chở nặng ngày càng lớn, đến năm 1337 người ta đã quyết định phải xây một cây cầu đá, có nhịp cuốn để chịu được trọng tải lớn, và đó là cây cầu đá cạnh quảng trường San Barnaba, và tới nay thì đã có đủ loại cầu đa vật liệu, trong đó hiện đại nhất là cầu thép lắp lan can khung kính.

Cầu xưa ở Venice thường chỉ dài trên dưới 20m, đủ để nối giữa hai tòa nhà, song dần dà đã có cầu 50, 80, 100m và gần đây là 4km. Chúng thay nhau bám đuổi các bờ kênh, cứ một đoạn lại thấy một cái, thành thử tạo thành một mạng lưới cầu đường độc đáo, và tựa như một con rồng biển bí hiểm, thoắt ẩn thắt hiện với những khúc thân uốn lượn.

cauvenie2.jpg

Tranh cây cầu Ponte de Rialto của Gustaf Wilhelm Palm

Cây cầu đầu tiên ở trên kênh Canale Grande và cả Venice là Ponte de Rialto. Thuở ban đầu, nó chỉ là một cầu nhỏ được dựng tạm, đơn giản để phục vụ cho một số nhà ở địa điểm ngày nay, do người xưa chưa có thói quen đi cầu sang các bến bờ và mỗi lần đi đâu, họ thường chỉ bơi lội (nhờ các con kênh chỉ sâu từ 3- 5 m) hoặc dùng thuyền gỗ qua lại.

Thế nhưng, đến năm 1181, trước yêu cầu phải có một đại lộ nối giữa hai bờ kênh Canale Grande, người dân đã dựng lên một công trình kiên cố từ những con thuyền đã cũ và gọi là Ponte della Moneta vì nó ở gần xưởng đúc tiền.

Kế tiếp, đến năm 1250, khi quận Rialto được mở rộng, chợ búa nhộn nhịp, dòng người đổ về mỗi lúc một đông, chính quyền đã quyết định xây một công trình mới hẳn hoi và từ gỗ cứng, nguyên khối thay vì những mảnh thuyền. Tên gọi của nó cũng đổi thành cầu Rialto, ngụ ý khu chợ trong vùng.

cauvenie3.jpg

Tranh cây cầu Ponte de Rialto của Maurice Prendergast

Chưa dừng lại đó, vào cuối thế kỷ 16, nó lại được dỡ ra để xây một cây cầu đá được xem là một kỳ quan kiến trúc bấy giờ, với chiều dài gần 50m, rộng 23m và dù chỉ có một nhịp bên dưới thân, song bên trên – nơi một mái đôi đồ sộ – chia ra 13 ô cửa mỗi bên như thể 13 nhịp cuốn, chứa nhiều điêu khắc tinh xảo. Mỗi ô cửa ấy tương ứng với một gian hàng buôn bán quần áo, trang sức, lụa là, đồ gốm, thủy tinh… và nhờ có mái che hợp thành một cái chợ trên sông, quanh năm không ngại mưa nắng.

Cho tới nay, công trình này vẫn là một kiệt tác vô đối ở Ý và thế giới vì sự độc đáo, đẹp mắt. Văn thơ, hội họa trong nhiều thế kỷ luôn ca ngợi nó vì vẻ đẹp ấn tượng và cả thời gian tồn tại lâu bền, trên thế giới hiếm có cây cầu nào mà 800 năm vẫn đẹp như vậy! Kiến trúc sư của nó là Antonio da Ponte và cháu trai vào năm 1591 đã thắng trong một cuộc thi thiết kế cầu cho thành phố.

Và thật có duyên khi Ponte lại xây dựng Ponte (theo tiếng Venice, ponte có nghĩa là cầu), và không phụ lòng những người đã tín nhiệm ông, Ponte đã mang tới một tuyệt phẩm bằng đá trắng muốt, với nhiều vòm cuốn, nhiều con tiện lan can và nhiều phù điêu hình hoa lá-thiên thần.

cauvenie4.jpg

Cầu Ponte degli Scalzi

Ra đời thứ ba trên con kênh đại, và muộn hơn hàng thế kỷ, song cầu Ponte degli Scalzi lại mang dáng dấp của cầu Rialto, và là một vòng cung thanh mảnh bằng đá trắng theo phong cách Baroque, nối giữa ga xe buýt ở Santa Crose với nhà thờ của những vị tu sĩ chân đất tại Cannaregio, và được đặt tên theo thánh đường này.

Màu trắng của nó cộng với màu trắng – hồng của những tòa nhà xung quanh, làm cho mặt nước lúc nào cũng sáng bừng và khi bình minh hay hoàng hôn đều rất quyến rũ.

cauvenie5.jpg

Tranh cầu Ponte degli Scalzi củacủa Vladimir Derkach

Nó cũng có số bậc khá vừa vặn – 38 bậc và dù đứng ở đâu vẫn thấy toàn cảnh con kênh tráng lệ. Tiền thân của Ponte degli Scalzi vốn là một cầu sắt, nhưng vì không hài lòng, có lẽ do sắt hay hoen rỉ, chính quyền đã cho thay mới vào năm 1934 và hiện giờ là một thạch kiều đẹp nhất nước.

cauvenie6.jpg

Cây cầu Ponte della Costituzione

Xuất hiện thứ hai trên kênh Canale Grande, và từ gỗ chuyển sang sắt là Ponte dell'Accademia, một công trình đi bộ để giảm tải cho Cầu Rialto. Sau hơn 300 năm từ cây cầu tiền phong, người ta mới làm cây cầu thứ hai trên con kênh này, và đặt tên là Accademia theo các gallery mỹ thuật gần đó.

Từ sắt, nó được đổi sang gỗ vào năm 1854, và từ gỗ lại chuyển sang thép vào năm 1930 làm một cây cầu tạm trước khi xây đá. Tuy nhiên, vì vững chãi, cứng rắn, nó vẫn tồn tại đến nay, minh chứng cho một thời đại công nghiệp mới. Dù bằng thép, sơn nâu đỏ, song nó không nặng nề chút nào, mà chỉ như một cái xương sống khủng long nằm vắt vẻo, hướng tới quảng trường St. Mark.

Dọc con đường hình cung của cầu, đếm được 50 bậc lên, 50 bậc xuống, và tại các thanh bắt chéo hình chữ thập tuy mộc mạc song gợi cảm thấy rất nhiều ổ khóa được móc bởi những người qua đường yêu cầu, muốn gửi gắm kỷ niệm, đồng thời mong ước mạnh khỏe, chung thủy, sắt son...

cauvenie7.jpg

Cây cầu mới nhất ở kênh Canale Grande là Ponte della Costituzione

Cây cầu mới nhất ở kênh Canale Grande là Ponte della Costituzione, một thiết kế của kiến trúc sư Santiago Calatrava nên còn gọi là Cầu Calatrava đánh dấu 60 năm ngày thành lập Quốc hội Ý. Nhẹ nhàng bắc qua ga xe lửa Santa Lucia và quảng trường Piazzale Roma, nó cũng được làm từ vật liệu nhẹ, gồm thép và kính, cho ra một hình dáng như một làn sóng dâng trào lên mặt nước.

cauvenie8.jpg

Cây cầu Ponte della Costituzione

Vì có thành kính, ở đâu cũng thấy rõ mồn một những hành khách trên cầu, từ điệu bộ tới màu sắc quần áo của họ. Vì thế, nó là địa điểm vui chơi, tụ hội của khá nhiều người muốn ngắm cảnh trên bến dưới thuyền.

cauvenie9.jpg

Cầu Ponte dei Pugni

cauvenie10.jpg

Ngoài 4 cây cầu này bắc qua thái kênh, những cây cầu còn lại đều nối với các phần khác nhau của thành phố, từ trong nội thành ra tận ngoại vi đô thị. Trong đó cầu Ponte dei Pugni hàng năm từ tháng 9 đến tháng 12 đều có truyền thống thanh niên chia làm hai đội, một thuộc phía Castellani và một thuộc phía Nicolotti, xông vào đấm đá (pugni) để đẩy đối phương ngã xuống nước, đội nào giữ được nhiều thành viên nhất sẽ thắng.

Truyền thống này đã có từ thế kỷ 17, khi hai đội quân của nhà thờ có hiềm khích với nhau, mà giao đấu, từ việc ghét bỏ họ cũng dần chuyển sang lấy việc xô đẩy làm thú vui gặp mặt và tổ chức thành hội.

cauvenie11.jpg

Cầu Ponte dei Sospiri

Cầu Ponte dei Sospiri lại là cầu chứa nhiều tâm sự của kẻ ở người đi, khi bắc qua lâu đài Ducale và khu nhà ngục thành phố. Những ai bị tội đều được dẫn qua đây và có lẽ sẽ không bao giờ trở về, tái hợp với thân quyến nữa, nên lúc qua cầu đều cố nhòm qua những ô cửa nhìn ra ngoài và xuống mặt kênh – nơi người thân cũng đang ngếch cổ trông mong.

cauvenie12.jpg

Tranh Cầu Than thở của P. Vale

cauvenie13.jpg

Tranh Cầu Than thở của Shirley Leswick

Đó là câu chuyện của thế kỷ 17 và cho nó cái tên cầu Than thở, nhưng đến nay nhiều người vẫn duy trì thói quen ngắm cảnh thầm kín từ trên cao, và các đôi uyên ương thường ôm hôn nhau say đắm dưới gầm cầu để mãi mãi nhớ giây phút này.

Kỳ thực, đây là một cây cầu treo đẹp nhất thành phố, vì nằm tít trên cao thuộc tầng thượng của hai tòa nhà và có hình bán nguyệt, với mái che cùng các mảng phù điêu tuyệt đẹp trên đá vôi trắng.

cauvenie14.jpg

Cầu Ponte delle Tette - cầu Hở ngực

Giản đơn song không kém thú vị và có màu hồng phấn như má đào là cầu Ponte delle Tette - cầu Hở ngực. Do nó bắc qua một khu vực xưa là phố “bán” hoa, “đèn đỏ” và để tiện cho khách làng chơi thấy được dung nhan và bộ ngực đẫy đà của mình, các cô gái luôn đứng trên cầu vẫy khách. Nam giới ai cũng si mê, quên ăn quên làm, khiến chính quyền phải ra luật cấm đoán hoặc đánh thuế cực cao.

cauvenie15.jpg

Cầu Ponte Della Liberta

Ponte Della Liberta lại là một cây cầu đặc biệt, không chỉ vì có kiến trúc xinh đẹp mà còn là cầu dài nhất, hiện đại nhất, gắn liền với nền độc lập, tự do của Venice. Nối liền với khu trung tâm thương mại của thành phố (đa đảo), công trình dài tới 4km, gần bằng chiều dài kênh Canale Grande và được đặt tên trên để kỷ niệm ngày thoát khỏi chế độ phát xít.

Vì dài hàng cây số, nên nó phục vụ xe cộ, hàng nghìn lượt mỗi ngày.

cauvenie16.jpg

Bên cạnh cầu, người Venice cũng đi thuyền, du ngoạn, họp chợ và tổ chức tiệc tùng- vui chơi, văn nghệ, cưới hỏi trên thuyền; việc đi lại trên nước cũng là một dịch vụ thu về cho ngành du lịch địa phương một khoản tiền không nhỏ.

Thuyền ở đây gồm hai loại: thuyền thường và thuyền chở khách, nhưng đều gọi là gondola và có hình dáng như thuyền độc mộc, dài tới 11m, rộng khoảng 1,5m với hai đầu cong vút.

cauvenie17.jpg

Những gondola chở khách luôn sơn đen, nhưng cũng có khi gặp thuyền sặc sỡ. Vì cấu tạo đặc biệt nên chúng chỉ chở được sáu, bảy người, cộng với người lái. Anh này luôn phải đứng chèo vì đó là tư thế thuận tiện để bẻ lái khi tránh nhau trên cùng một con kênh, cũng như luồn qua các gầm cầu thấp.

Mỗi tay chèo thường mặc quần áo có kẻ sọc vì họ luôn coi mình là một thủy thủ thật sự.

cauvenie18.jpg

Nhiều người nhận chèo thuyền là vì tình yêu đối với sông nước, thích ngắm cảnh kênh rạch. Hơn thế, chèo gondola cũng là một việc sành điệu và sang trọng, phản ánh khả năng chèo chống kỳ diệu của một người. Bằng chứng là có cả chục cái thuyền đi ngược chiều nhau trong một đoạn kênh, song không một cái nào va chạm cái nào.

Người Venice cũng sinh hoạt trên gondola rất nhiều. Họ ca hát, hò hẹn, yêu đương, làm việc trên đó vô tư. Mỗi thuyền vì thế là phương tiện, cũng là bạn hữu thân thiết của người dân. Hàng ngày, cứ ra khỏi nhà là họ bước lên cầu, xuống thuyền và rong ruổi muôn nơi ở một thành phố trên nước. Có thể nói gondola là sức mạnh của Venice và người nắm giữ gondola sẽ nắm giữ sức mạnh ấy.

Đến Venice, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể gặp gondola, nhất là khu trung tâm thành phố và cầu Rialto với những gondolier (tay chèo) cắm cọc đứng chờ. Một chuyến vòng quanh thành phố bằng gondola thường kéo dài 30 phút, thậm chí vài tiếng song dù có bao nhiêu thời giờ cũng không thể nào thăm hết được những con kênh và cầu ở Venice.

cauvenie19.jpg

Cầu Rialto với những gondolier (tay chèo)

Nhân ý nghĩa về một thành phố nổi và triển lãm mỹ thuật Venice hai năm một lần, vào năm 2019 nhà điêu khắc người Ý Lorenzo Quinn đã giới thiệu trước công chúng một pho tượng nghệ thuật sắp đặt, gọi là “Sự xây cầu”, cho thấy Venice là một điểm gặp gỡ của nhiều văn hóa. Tác phẩm này gồm sáu đôi cánh tay, cao 15m, rộng 20m với tên gọi: Tình bạn, niềm tin, trí tuệ, sự giúp đỡ, tình yêu và hy vọng, nhằm truyền tải thông điệp về hòa bình, thống nhất và đoàn kết.

Đôi cánh tay đầu tiên có hai bàn tay khẽ chạm vào nhau thể hiện tình bằng hữu cũng như sự tin tưởng, đỡ đần. Đôi cánh tay thứ hai có bàn tay của một người già và một người trẻ, gợi lên ý niệm về những kiến thức được trao truyền, phát huy, trong khi những đôi cánh khác nắm chắc bàn tay biểu thị sự thông cảm, yêu thương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Venice, thành phố của kênh và cầu