Từ ngày 20.8, chính phủ Tổng thống Venezuela thực hiện cuộc đổi tiền, với đồng Bolivar mới bị xóa đi 5 số 0, trong nỗ lực chung cố gắng chống siêu lạm phát và phục hồi nền kinh tế đang suy yếu mạnh.

Venezuela đổi tiền với hy vọng ‘phép lạ kinh tế’

Trần Trí | 21/08/2018, 18:54

Từ ngày 20.8, chính phủ Tổng thống Venezuela thực hiện cuộc đổi tiền, với đồng Bolivar mới bị xóa đi 5 số 0, trong nỗ lực chung cố gắng chống siêu lạm phát và phục hồi nền kinh tế đang suy yếu mạnh.

Đồng tiền mới trừ đi 5 số 0, tách cà phê giá 2 triệu Bolivar

Theo kế hoạch của Tổng thống NicolasMaduro, đồng Bolivar mới sẽ có 2 loại tiền xu, và các loại tiền giấy mới sẽ có mệnh giá từ 2 đến 500 Bolivar. Mệnh giá thấp nhất tương đương sức mua của 200.000 Bolivar hiện lưu hành, trong khi mệnh giá cao nhất tương đương 50 triệu Bolivar.

Hai dòng tiền cũ và mới sẽ cùng lưu hành trong một giai đoạn quá độ. Và để chuẩn bị phát hành đồng tiền mới, chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố ngày 20.8 là ngày lễ quốc gia, các ngân hàng đóng cửa chuẩn bị phát hành đồng tiền mới “Bovilar chủ quyền”.

Theo hãng tin AP, hôm 18.8, hàng người xếp hàng ở các chợ ngoài trời ở thủ đô Caracas đã dài hơn so với bình thường. Họ muốn có cơ hội trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm do hoang mang trước quyết định của chính phủ.

Lạm phát cao có nghĩa phải cầm cả đống tiền giấy mới có thể mua được một ổ bánh mì, nên nhiều người dân Venezuela phải dựa vào thẻ tín dụng ngân hàng để mua nhu yếu phẩm. Nhưng thẻ tín dụng trở nên vô dụng, người dân đến tiệm mua bánh mì, nhu yếu phẩm phải ra về tay không vì ngân hàng đóng cửa chuẩn bị lưu hành đồng tiền mới.

Lạm phát cũng khiến khó tìm ra tiền giấy. Tờ 100.000 Bolivar là tờ tiền có mệnh giá lớn nhất trong hệ thống tiền mặt cũ, nay đổi chưa được 3 cent Mỹ theo tỉ giá chợ đen.

Một tách cà phê nay có giá hơn 2 triệu Bolivar, và để mua được một con gà 2,4 kg, người mua sẽ phải trả 14.000.000 Bolivar mới, theo Reuters.

Minh họa thật nhiều tiền mặt mới mua được một con gà - Ảnh: Reuters

Theo hãng tin AP, phải đợi đến hết ngày 21.8 mới biết rõ tác động của việc đổi tiền. Một vấn đề được chú ý: liệu các ngân hàng có đủ tiền mặt để đổi cho người dân đang rất cần hay không, như chính quyền đã hứa sẽ đáp ứng đủ?

Năm 2008, tiền nhiệm Hugo Chavez của ông Maduro cũng quyết định đổi tiền, với đồng tiền mới trừ đi 3 số 0 để chống lạm phát.

Tổng thống Maduro tin tưởng sẽ có “phép lạ kinh tế”

Chuyện đổi tiền có mệnh giá mới là phần ít gây tranh cãi nhất trong kế hoạch giải cứu nền kinh tế suy kiệt của chính phủ Maduro, người đã quyết định từ ngày 1.9 tới sẽ tăng mức lương tối thiểu lên cao 3.000 %, và đến cuối tháng 9 sẽ tăng giá xăng lên ngang bằng giá quốc tế, nhằm ngăn chặn tệ nạn tuồn xăng lậu qua biên giới.

Mức lương tối thiểu mới sẽ là 1.800 Bolivar (sau khi đổi tiền và đã xóa 5 số 0)cũng sẽ bằng một nửa giá trị đồng Petro, tức đồng tiền điện tử của Venezuela (còn gọi là đồng tiền ảo) vốn được công bố hồi tháng 2 nhưng chưa đưa vào lưu hành.

Tổng thống Maduro nói 1 Petro sẽ bằng 60 USD (dựa theo giá dầu thô) với mục tiêu hướng tới một tỉ giá hối đoái thống nhất trong tương lai kết nối với đồng Petro.

Theo Reuters, Tổng thống Maduro nói ông là nạn nhân của “cuộc chiến tranh kinh tế” do Mỹ kích động và dẫn đầu. Ông nói việc sử dụng đồng Petro sẽ “xóa bỏ thế độc tài” của đồng USD, và dẫn đến sự phục hồi kinh tế cho Venezuela, một quốc gia thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu quốc tế (OPEC).

Venezuela từng là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất Nam Mỹ, với nguồn dầu thô dự trữ lớn nhất thế giới. Nhưng việc giá dầu rớt mạnh, cùng nạn tham nhũng nặng, quản lý kém suốt 20 năm gần đây đã khiến nước này lâm khủng hoảng kinh tế-chính trị trầm trọng.

Ngày 19.8, Tổng thống Maduro tuyên bố trên truyền hình trực tiếp:“Tôi muốn tổ quốc phục hồi, và tôi có cách. Hãy tin tôi!", đồng thời khẳng định “không có chuyên gia nào” giúp ông lập “Chương trình phục hồi-tăng trưởng và tiến lên sự thịnh vượng kinh tế”.

Ông Maduro, 55 tuổi, từng là một tài xế xe buýt, còn tuyên bố đất nước cần thể hiện "kỷ luật tài chính", chấm dứt tình trạng in tiền quá mức, vốn diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây. Ông nói: “Chúng ta đang bắt đầu quá trình hồi phục trong những ngày tháng tới. Đây là một công thức cách mạng... độc đáo nhất thế giới. Venezuela đang chuẩn bị chứng kiến một phép lạ kinh tế”.

Vừa thoát chết sau một vụ mưu sát hụt, ông Maduro còn tuyên bố: “Tôi sẵn sàng hy sinh cả đời để phục hồi và giúp nền kinh tế nước ta đến sự tăng trưởng và thịnh vượng. Mọi sự sẽ thành công. Tôi có niềm tin lớn lao đó. Tôi rất yêu tổ quốc Venezuela và tôi biết khi bạn chuyển hóa tình yêu vào chính trị, các phép lạ có thể xảy ra ”.

Các loại tiền giấy Bolivar mới - Ảnh: Getty Images

Tăng lương tối thiểu 3.000 %, chủ doanh nghiệp sợ hãi

Nhưng sau khi chính quyền thông báo tăng mạnh mức lương tối thiểu, nhiều chủ doanh nghiệp sợ không thể trả đủ lương cho nhân công, nếu không tăng mạnh giá bán. Các nhà kinh tế cảnh báo một số công ty không thể chịu nỗimức lương tối thiểu tăng quá cao, sẽ làm tăng tỉ lệ thất nghiệp.

Ông Asdrubal Oliveros, Giám đốc công ty tư vấn Ecoanalitica (ở Caracas) nói: “Vài ngày tới sẽ rất lộn xộn cho cả người tiêu dùng lẫn lĩnh vực tư nhân, nhất là các nhà bán lẻ. Đó là một kịch bản hoảng loạn”.

Chuyên gia kinh tế Luis Oliveros nói: “Trong tình hình hiện nay, mức lương tối thiểu 180 triệu Bolivar ẩn chứa nguy cơ hàng ngàn công ty phải đóng cửa, rất nhiều người bị thất nghiệp”. Liên đoàn Các phòng thương mại và sản xuất của Venezuela (Fedecamaras) cho biết chưa có bất kỳ ước tính nào về tác động của biện pháp cải cách kinh tế.

Nhằm xoa dịu dư luận, ông Maduro cam kết chính phủ sẽ giúp chi trả 3 tháng lương sau khi áp dụng mức tăng tối thiểu mới cho các công ty vừa và nhỏ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Venezuela không nói chi tiết và vẫn chưa rõ làm thế nào chính phủ cạn tiền mặt có đủ khả năng xoay xở hoặc liệu có thể trả lương đúng hạn hay không.

Đây là lần điều chỉnh lương tối thiểu thứ 5trong năm qua ở Venezuela, trong bối cảnh đồng nội tệ Bolivar liên tục rớt giá, kinh tế suy thoái trầm trọng.

Các nhà kinh tế nói gói giải pháp của chính phủ chỉ càng làm tăng siêu lạm phát (hiện đã hơn 40.000 %) và nói gói giải cứu không giải quyết được các vấn nạn chính của nền kinh tế, ví dụ sản lượng dầu thô của Venezuela đã giảm xuống tận đáy, điều xảy ra vào năm 1947.

Các nhà kinh tế học ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo tỉ lệ lạm phát của Venezuela sẽ chạm mốc 1 triệu % vào cuối năm 2018.

Thăm dò mới nhất cho biết 90% dân Venezuela sống trong cảnh nghèo, 60% thừa nhận bị đói ăn vì không có điều kiện mua lương thực. Tình trạng suy dinh dưỡng tăng vì mức lương tối thiểu/tháng chỉ bằng vài USD đã khiến nhiều sản phẩm cơ bản (như thịt gà) nằm ngoài tầm tay với của nhiều người dân. Nhiều gia đình đã phải moi rác tìm thức ăn thiu, cha mẹ nhịn đói cho con cái ăn....

Bảng giá hàng hóa tiêu dùng tăng giá - Ảnh: Reuters

Phe đối lập lợi dụng dân hoang mang, kêu gọi tổng đình công

Phe đối lập nói gói giải cứu kinh tế của chính phủ Maduro sẽ càng khiến cuộc khủng hoảng kinh tế thêm nghiêm trọng. Thủ lĩnh Andres Velasquez nói: “Các biện pháp của chính phủ không hề là kế hoạch phục hồi kinh tế quốc gia, ngược lại là sự tượng trưng của sự nghèo đói, đau thương, thêm lạm phát, kinh tế càng suy thoái”.

Thủ lĩnh phe đối lập tranh thủ sự hoang mang của người dân, kêu gọi tổng đình công trên toàn quốc để phản đối trong ngày 21.8. Họ hy vọng lôi kéo được đám đông xuống đường chống đảng cầm quyền của ông Maduro. Tuy nhiên, các nỗ lực xuống đường phản đối trước đó do liên minh đối lập tổ chứcvận động người dân không mang lại hiệu quả đáng kể.

Nhưng theo Reuters, các quyết sách của chính phủ Venezuela càng thúc đẩy dân Venezuela rời khỏi quê hương, chạy sang các nước láng giềng.

Oliver Stuenkel, một chuyên gia quan hệ đối ngoại ở Viện Getulio Vargas (Brazil) dự báo làn sóng di dân sẽ tăng tốc, từ những thay đổi kinh tế của chính phủ Venezuela, nhất là việc ông Maduro tăng quá cao mức lương tối thiểu.

LHQ ước tính khoảng 2,3 triệu dân Venezuela đang sống ở nước ngoài, gồm 1,6 triệu người đã bỏ ra nước ngoài, kể từ năm 2015.

Dòng di cư tăng vọt trong năm 2018, gây căng thẳng cho các hệ thống công ích, tạo ra sự tranh giành việc làm lương thấp (không đòi hỏi kỹ năng cao) và gây ra nỗi sợ di dân Venezuela phạm pháp. Ngày càng phổ biến hình ảnh người Venezuela xin ăn ở các thành phố như ở thủ đô Bogota và Quito của Colombia và Ecuador.

Tuần trước, cả Ecuador và Peru đều phải tuyên bố siết chặt khâu xét duyệt nhập cảnh đối với người Venezuela, trong khi chính quyền bang Roraima (Brazil) hôm 20.8 đề nghị Tòa án tối cao Brazil cấm dân Venezuela nhập cảnh, sau một cuộc nổi loạnchống nhập cư hồi cuối tuần qua, mà dân Brazil phản đối, chở khoảng 1.200 người di dân Venezuela đến vùng biên giới.

Vĩnh Thụy (theo Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Venezuela đổi tiền với hy vọng ‘phép lạ kinh tế’