Venezuela, quốc gia đang chìm trong khủng hoảng kinh tế với tốc độ lạm phát “vô địch” thế giới, sẽ rút đồng tiền mệnh giá lớn nhất khỏi lưu thông trong tuần này để chuẩn bị cho việc phát hành tiền mới.

Venezuela bất ngờ tuyên bố đổi tiền

Dân Trí | 13/12/2016, 05:06

Venezuela, quốc gia đang chìm trong khủng hoảng kinh tế với tốc độ lạm phát “vô địch” thế giới, sẽ rút đồng tiền mệnh giá lớn nhất khỏi lưu thông trong tuần này để chuẩn bị cho việc phát hành tiền mới.

Tuyên bố bất ngờ trên trên vừa được Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đưa ra ngày 11.12 trong một bài phát biểu kéo dài hàng giờ đồng hồ. Đồng 100 Bolivar của Venezuela, đồng tiền mệnh giá lớn nhất của nước này hiện nay, hiện tương đương 2 cent Mỹ nếu tính theo tỷ giá “chợ đen”.

Động thái đổi tiền được dự báo là sẽ làm căng thẳng thêm tình trạng khan hiếm tiền mặt ở Venezuela. Ông Maduro cho biết đồng 100 Bolivar sẽ được rút khỏi lưu thông từ ngày thứ tư tuần này và người dân sẽ có 10 ngày để đổi tiền tại Ngân hàng Trung ương.

Ông Maduro nói rằng việc đổi tiền là cần thiết nhằm chống lại tình trạng buôn lậu tờ 100 Bolivar tại biên giới nước này với Colombia. Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của phe đối lập, cho rằng làm như vậy chẳng có ý nghĩa gì về mặt kinh tế. Theo phe đối lập, chẳng cách nào có thể đổi hết được số tờ 100 Bolivar trong lưu thông trong khoảng thời gian mà Tổng thống đưa ra.

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Venezuela, trong tháng 11, có hơn 6 tỉđồng Bolivar trong lưu thông ở Venezuela, chiếm 48% tổng số tiền giấy và tiền xu trong lưu thông ở nước này.

Theo kế hoạch, vào ngày thứ năm tuần này cơ quan chức năng Venezuela sẽ bắt đầu đưa 6 đồng tiền giấy mới và 3 đồng xu mới vào lưu thông, trong đó đồng lớn nhất có mệnh giá 20.000 Bolivar, tương đương chưa đầy 5 USD theo tỷ giá “chợ đen”.

Venezuela không công bố số liệu lạm phát chính thức, nhưng theo công ty tư vấn kinh tế Ecoanalitica, tốc độ lạm phát ở nước này trong năm nay là 500%.

Trước đây, ông Maduro từng nói rằng các nhóm tội phạm có tổ chức tại biên giới Colombia-Venezuela đã gom mua đồng Bolivar rồi mua hàng hóa được trợ giá ở Venezuela, rồi mang sang Colombia để bán, thu những khoản lợi nhuận lớn.

Hoạt động buôn lậu này đúng là một vấn đề ở biên giới Colombia-Venezuela, nhưng không phải là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu nghiêm trọng gần như mọi loại hàng hóa cơ bản từ thực phẩm tới thuốc men trên toàn quốc ở Venezuela.

“Tôi đã quyết định rút đồng 100 Bolivar khỏi lưu thông trong vòng 72 giờ tới. Chúng ta phải tiếp tục chống lại mafia”, ông Maduro nói.

Do đồng tiền mất giá nghiêm trọng, việc thanh toán một hóa đơn đi siêu thị ở Venezuela nếu không dùng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng thường phải mất một balô tiền mặt. Trong những tháng gần đây, tiền mặt ở Venezuela ngày càng khan hiếm. Nhiều máy quẹt thẻ tín dụng thậm chí còn bị hỏng, khiến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng thêm phần khốn đốn.

Các biện pháp kiểm soát tiền tệ ngặt nghèo từ năm 2003 của Venezuela neo buộc tỷ giá đồng Bolivar vào đồng USD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự kiểm soát này, cùng với sự phụ thuộc nặng nề của nền kinh tế Venezuela vào giá dầu, là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng ở nước này.

Về phần mình, Tổng thống Maduro cho rằng cuộc khủng hoảng mà Venezuela đang đối mặt là kết quả của một cuộc “chiến tranh kinh tế” mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước, trong đó có Mỹ, gây ra đối với nước này.

TheoAn Huy/Vneconomy
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Venezuela bất ngờ tuyên bố đổi tiền