Trong mục tiêu cải thiện khả năng phát hiện sớm CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa, vệ tinh dân sự 'tí hon' truy vết tên lửa 'khổng lồ' Triều Tiên là một giải pháp mà Mỹ nhờ đến Thung lũng khoa học Silicon nghiên cứu-phát triển.

Vệ tinh dân sự 'tí hon' truy vết tên lửa 'khổng lồ' Triều Tiên

08/07/2017, 17:48

Trong mục tiêu cải thiện khả năng phát hiện sớm CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa, vệ tinh dân sự 'tí hon' truy vết tên lửa 'khổng lồ' Triều Tiên là một giải pháp mà Mỹ nhờ đến Thung lũng khoa học Silicon nghiên cứu-phát triển.

Mỹ-Hàn Quốc phóng tên lửa đạn đạo được xem là nằm trong chiến lược Dây chuyền tiêu diệt

Thời gian phản ứng nhanh với nguy cơ Triều Tiên tấn công bằng tên lửa chủ yếu dựa vào thông tin tình báo do các vệ tinh bay trên bán đảo Triều Tiên thu thập được.

Hiện nay khoảng 1/3 diện tích Triều Tiên vào từng thời điểm nhất định nằm trong tần sóng vệ tinh do thám của Mỹ.

Vệ tinh và hệ thống nhỏ chỉ cỡ túi ba-lô

Khả năng do thám bị hạn chế như thế, cùng với thông tin thiếu chính xác vì thời tiết xấu hoặc ban đêm nên quân đội Mỹ quay qua nhờ Thung lũng Silicon sản xuất những vệ tinh nhỏ, có khả năng nhanh chóng phát hiện cơ sở hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, phá hủy chúng bằng cuộc tấn công phủ đầu nếu có dấu hiệu rõ ràng Triều Tiên sắp tấn công bằng tên lửa.

Ngay cả trong vài phút cảnh báo sớm cũng có thể cứu mạng sống của hàng chục ngàn quân Mỹ đóng ở Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng hàng chục triệu dân Nhật-Hàn nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.

Raj Shah, Giám đốc mảng thử nghiệm phát minh quốc phòng (DIU) thuộc Lầu Năm Góc đã đầu tư vào nhiều công ty có thể khai thác vệ tinh radar dân sự nhỏ, có thể bay xuyên thủng bão tố và màn đêm. Họ hy vọng Bộ Quốc phòng Mỹ có thể dùng chúng từ cuối năm 2017 hoặc đầu năm tới.

Shah, một cựu phi công chiến đấu cơ F-16 ở Iraq, có nhiều kinh nghiệm ở Thung lũng Silicon nên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (đã mãn nhiệm) lập DIU trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama tuyển dụng.

Shah nói: “Đây là một mục tiêu đầy thách thức, chìa khóa là sử dụng các công nghệ hiện hữu, thực hiện những chỉnh sửa cần thiết vì mục tiêu sử dụng trong quân sự”.

DIU đầu tư vào công ty khởi nghiệp Capella Space (theo tên một ngôi sao) ở Thung lũng Silicon, với kế hoạch cuối năm 2017 sẽ có vệ tinh radar tí hon đầu tiên.

Capella Space nói nếu radar của họ được phóng thành công, sẽ có thể giám sát những mục tiêu quan trọng trong từng giờ.

Payam Banazadeh, một đồng sáng lập Capella Space, nói một khi được phóng vào quỹ đạo trái đất, các vệ tinh nhỏ sẽ mở dàn ăng-ten và tấm pin mặt trời.

Banazadeh người gốc Iran, học thiết kế vệ tinh ở đại học bang Texas và phòng thí nghiệm của Cơ quan không gian Mỹ (NASA).

Ông nói: “Toàn bộ vệ tinh kết hợp với hệ thống phóng chỉ cỡ một túi ba-lô. Mọi thứ ngày càng nhỏ hơn, ngay cả phiên bản kế tiếp của vệ tinh”.

Công nghệ vệ tinh thương mại mới nhỏ hơn, sử dụng radar cảm ứng hoạt động ban đêm và trong bão tố, là một trong những cách mới mà chính quyền Mỹ đang tìm cách đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên.

Chìa khóa để phát hiện công tác chuẩn bị phóng tên lửa của Triều Tiên là sự hiện diện gần như thường xuyên của vệ tinh có thể nhìn xuyên thấu mưa, mây, tuyết, tán lá và có thể phát hiện phương tiện quân sự di chuyển, gồm tên lửa.

Điều này cần đến radar cắm trên không gian trong nhiều năm, rất tốn tiền, với ăng-ten lớn và sử dụng rất nhiều năng lượng. Ví dụ là các radar, chúng phát sóng radio vào các mục tiêu để thu thông tin phản hồi lại.

Theo các chuyên gia, radar trên không gian cũng có thể phát hiện những thay đổi của nền đất, chỉ ra được đường hầm, hầm ngầm và thậm chí những lỗ hổng từ vụ nổ hạt nhân, do chúng làm bề mặt phía trên thay đổi nhẹ.

Chứng kiến những kết quả ban đầu của thử nghiệm, Cơ quan tình báo không gian địa lý Mỹ mở cửa chào đón các công ty có thể cung cấp vệ tinh radar thu thập dữ liệu đi kèm ảnh chụp truyền thống.

Mỹ rùng mình vì Triều Tiên có quả ICBM

Từ nhiều năm trước, khi Triều Tiên phóng quả ICBM, Lầu Năm Góc và các chuyên gia tình báo đều cảnh báo không chỉ chương trình tên lửa Triều Tiên tiến bộ nhanh, mà thực tế là chất lượng phủ sóng của vệ tinh do thám không đồng đều nên Mỹ không thể thấy Triều Tiên chuẩn bị phóng một quả tên lửa.

Đấy là lý do Lầu Năm Góc phải lặng lẽ nhưng khẩn trương tìm cách cải thiện khả năng cảnh báo sớm của Mỹ, cùng khả năng tấn công vào tên lửa ngay lúc chúng còn nằm trên dàn phóng.

Giải pháp hay nhất là từ Thung lũng Silicon, nơi mà chính quyền Obama đầu tư vào những vệ tinh dân sự nhỏ và rẻ, dùng để đếm xe ở các bãi đậu xe và giám sát thu hoạch mùa vụ.

Vài quan chức Lầu Năm Góc đã quen dựa vào các vệ tinh có độ bí mật cao, tốn hàng tỉ USD và mất nhiều năm phát triển, đã phản đối quyết định này.

Nhưng vì chương trình tên lửa Triều Tiên tiến bộ, các quan chức Mỹ đặt tham vọng sẽ có vệ tinh nhỏ đầu tiên đi vào hoạt động từ cuối năm 2017, hoặc đầu năm 2018.

Thứ ba vừa qua, Mỹ rùng mình khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phóng thử quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ‘làm quà mừng Lễ Độc Lập’ 4.7 của Mỹ. Bình Nhưỡng khoe nó có thể mang đầu đạn hạt nhân và có thể phóng tới Mỹ.

Vụ phóng này được thực hiện từ một dàn phóng di động ở nhà máy đóng máy bay Pang Hyon. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis nói đây là một tên lửa mới mà Mỹ chưa hề nhìn thấy.

Theo Cơ quan tình báo quốc phòng, các nhà phân tích tình báo đã phát hiện các dấu hiệu một vụ phóng từ nhiều ngày trước. Nhưng khi vụ phóng kết thúc sau 37 phút bay, Bộ chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương mô tả quả tên lửa chỉ có tầm trung bình, thường được Triều Tiên phóng.

Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra một kết luận rất khác: Triều Tiên phóng thử quả ICBM đầu tiên, có thể dọa nạt bang Alaska của Mỹ.

Dân Hàn Quốc theo dõi tin Triều Tiên phóng quả ICBM

Tổng thống Moon Jae-in ủng hộ giải pháp quân sự?

Vài giờ sau khi Triều Tiên phóng quả ICBM, Mỹ-Hàn cũng phóng tên lửa, xem ra thuộc chiến lược mới “Dây chuyền tiêu diệt” với các tên lửa được thiết kể để bay tới thủ đô Bình Nhưỡng.

Các vệ tinh dân sự được cho là có thể giải quyết mối đe dọa từ Triều Tiên. Khi được phóng cả chùm, một vài vệ tinh sẽ ở lại trong quỹ đạo trái đất 1 hoặc 2 năm, thu nhận thông tin cần thiết để có thể tiến hành một kế hoạch quân sự khẩn cấp mới có tên “Dây chuyền tiêu diệt” nhằm phá hủy các vị trí phóng vệ tinh và cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.

Tuần trước, “Dây chuyền tiêu diệt” cũng được nhắc đến trong một tuyên bố chung Mỹ-Hàn. Đấy là một sự thay đổi đáng kể của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông từng công khai bác bỏ áp dụng hành động quân sự phủ đầu, nói làm thế là trúng bẫy tuyên truyền của Bình Nhưỡng rằng Mỹ và đồng minh âm mưu lật đổ chính quyền lãnh đạo Kim Jong-un.

Ông Moon đã nói hy vọng phục hồi cuộc đàm phán Hàn-Triều trong chính sách “Ánh Dương” mà ông từng ủng hộ khi là nhân viên của cố Tổng thống Roo Moo-hyun.

Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump thì muốn dùng sức ép, tàu chiến, trừng phạt và hệ thống phòng thủ tên lửa để đối phó Triều Tiên. Gần đây ông nói sẽ xem xét các giải pháp gồm dùng sức mạnh quân sự, nếu Triều Tiên thử hạt nhân hoặc thử tên lửa phóng đến Mỹ.

Kim Jong-un tăng tốc, Mỹ phải chạy đua theo

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng H.R. McMaster nói mối đe dọa từ Triều Tiên hiện rất khẩn cấp, nên Mỹ không thể tái thực hiện các giải pháp thất bại trước đây.

Các quan chức Mỹ rất hiếm khi thừa nhận chất lượng kém của vệ tinh do thám quân sự. Nhưng cựu Bộ trưởng Quốc phòng William J.Perry gần đây nói nếu Triều Tiên quyết “chơi” tên lửa để đánh Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ, thì “rất nhiều cơ hội chúng ta có thể nhìn thấy chúng”.

Mối đe dọa của Triều Tiên tăng lên nghiêm trọng từ năm ngoái, khi họ bắt đầu nạp nhiên liệu rắn cho các quả tên lửa lớn, sau nhiều năm sử dụng nhiên liệu lỏng vốn mất nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày chuẩn bị. Tên lửa nạp nhiên liệu rắn có thể phóng mà chẳng cần cảnh báo trước.

Lãnh đạo Kim Jong-un đã nỗ lực thực hiện một kế hoạch cá nhân, chụp ảnh cảnh một dàn phóng tên lửa nhiên liệu rắn sau một cuộc thử nghiệm thành công hồi năm ngoái. Tiếp đó, Triều Tiên còn phóng thử 4 lần trong 2 năm 2016 và 2017.

Young-Keun Chang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giám sát toàn cầu ở Đại học không gian Hàn Quốc (ở Seoul) nói các tiến bộ của Triều Tiên giúp Bình Nhưỡng sắp có một quả ICBM có thể đe dọa nước Mỹ nghiêm trọng.

Robert Cardillo, Giám đốc Cơ quan tình báo không gian địa lý-điều phối vẽ bản đồ dựa theo ảnh vệ tinh cho chính phủ Mỹ, nói với báo New York Times: “Kim Jong-un đang chạy đua triển khai một khả năng tên lửa. Cú tăng tốc của ông ta khiến chúng tôi phải tăng tốc”.

Trung Trực (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vệ tinh dân sự 'tí hon' truy vết tên lửa 'khổng lồ' Triều Tiên