Khi có người hỏi vì sao đất nước ông giàu thế, ông Lý Quang Diệu trả lời đại ý: Tôi dạy ngoại ngữ cho toàn dân, nên toàn dân đi khắp thế giới làm ăn và lấy tiền về đem xây dựng đất nước. Đồng thời, mọi người đến đất nước tôi làm việc, chúng tôi lấy tiền trong túi họ ra để xây dựng đất nước mình.

Về một đề án tiếng Anh 20 năm

03/04/2016, 15:42

Khi có người hỏi vì sao đất nước ông giàu thế, ông Lý Quang Diệu trả lời đại ý: Tôi dạy ngoại ngữ cho toàn dân, nên toàn dân đi khắp thế giới làm ăn và lấy tiền về đem xây dựng đất nước. Đồng thời, mọi người đến đất nước tôi làm việc, chúng tôi lấy tiền trong túi họ ra để xây dựng đất nước mình.

Tôi không phải người chuyên làm các đề án, càng không phải chuyên gia tiếng Anh. Nhưng nhìn vào thực trạng dạy và học tiếng Anh ở các trường phổ thông hiện nay, tôi thấy quá lo lắng. Lo các cháu mình 20 năm sau sẽ làm gì và sống thế nào.

Với các thế hệ người Việt đang định cư tại Mỹ và nhiều nước Âu - Mỹ khác, thì nếu nhìn về hướng tích cực, ta sẽ thấy họ là những thế hệ hội nhập sâu và thành đạt ở xứ người. Bây giờ, đừng dùng chữ “vượt biên” nữa, mà nên dùng chữ “định cư ở nước ngoài”. Vì thế, ta hãy nghĩ tới cách làm sao cho con cháu ta có điều kiện định cư ở nước ngoài ngày một nhiều hơn. Đất ta không rộng, mà người ta quá đông, mỗi năm lại tăng 1 triệu người, tài nguyên thì đang nhanh chóng cạn kiệt do các nhóm lợi ích khai thác bừa bãi. Nhưng muốn đi nước ngoài, dù là đi làm thuê, thì cần trước hết là phải giỏi tiếng Anh. Trong khi đó, chương trình tiếng Anh mà Bộ GD-ĐT đang cho giảng dạy ở nhà trường phổ thông lại tỏ ra quá lạc hậu so với ngay các chương trình tiếng Anh tại các trung tâm Anh ngữ ở Việt Nam.

Trong một lúc rảnh việc, tôi đã nghĩ ra một đề án đơn sơ thế này, xin trình ra cho quý vị tham khảo. Đó là đề án: “Học tiếng Anh cho 20 năm sau”. Cụ thể: Dạy tiếng Anh theo chương trình tiên tiến nhất của Mỹ hoặc Anh cho tất cả học sinh trên cả nước, bắt đầu từ lớp 2 hoặc lớp 3. Đó cũng trùng hợp với chương trình của Bộ GD-ĐT, nhưng nội dung và cách giảng dạy phải thay đổi chứ không như hiện nay. Dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2 song song với tiếng Việt, chứ không chỉ như một ngoại ngữ.

Nếu thực hiện được đề án này, thì sau 12 năm, chúng ta bắt đầu có một thế hệ học sinh nói và nghe tiếng Anh gần như tiếng Việt. Khi đó bắt đầu công cuộc “Âu - Mỹ - Úc… tiến”, các em có thể ra nước ngoài theo diện từ xuất khẩu lao động tới học tập tại các trường đại học, trường dạy nghề ở các nước tiên tiến. Và kiếm việc làm ngay tại quốc gia mình theo học. Hoặc khá hơn, trở thành những người “lang thang cao cấp” đi làm thuê khắp thế giới như những chuyên gia lọc hóa dầu người Ấn Độ, người châu Phi đã và đang làm việc tại nhà máy lọc dầu Dung Quất. Lương họ cao ngất trời, và nó xứng đáng tới từng đồng xu nhỏ. Với vốn tiếng Anh tốt như thế, các em sẽ hội nhập rất nhanh, và sẽ tự nuôi được bản thân mình, trước khi có thể kiếm được tiền gửi về cho gia đình. Đó là đề án “cả nước làm thuê”. Có sao đâu! Ai làm chủ cứ làm, ai làm thuê cứ làm. Miễn sao có người thuê mình, mà trả nhiều tiền cho lao động của mình, càng nhiều thì càng tốt.

Là một người suốt đời làm thuê, tôi đã trình bày đề án này với một giáo sư bạn tôi, thì anh ta thấy hay nhưng e ngại các em sẽ... quên mất tiếng Việt. Tôi trấn an vị giáo sư: “Đừng lo. Ngày xưa ông Giuốc-Đanh trong hài kịch của Mô-li-e có học ngữ pháp đâu mà vẫn nói được tiếng Pháp đó thôi! Đã là người Việt, ở ngay trên đất Việt, thì làm sao quên tiếng Việt được. Nhưng phải học để nhớ... tiếng Anh, đặng mà làm thuê sau này”. Hóa ra, vừa rồi nghe GS Trần Xuân Nhĩ - nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT kể lại câu chuyện của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: Khi có người hỏi vì sao đất nước ông giàu thế, ông Diệu trả lời đại ý: Tôi dạy ngoại ngữ cho toàn dân, nên toàn dân đi khắp thế giới làm ăn và lấy tiền về đem xây dựng đất nước. Đồng thời, mọi người đến đất nước tôi làm việc, chúng tôi lấy tiền trong túi họ ra để xây dựng đất nước mình.

Theo GS Nhĩ, câu nói tuy rất đơn giản nhưng có triết lý lớn lao, đáng để suy nghĩ và học tập. Thì ra, cụ Lý Quang Diệu đã có đề án như thế từ rất lâu rồi, và đất nước cụ giàu có như hôm nay một phần nhờ đề án ấy.

Thanh Thảo

Bài liên quan
Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024
Sáng 16.11, Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024 đã được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về một đề án tiếng Anh 20 năm