Điện ảnh là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro. Đầu tư cho sản xuất phim về phương diện nào đó không khác gì đầu tư mạo hiểm. Ngân sách Nhà nước không nên được sử dụng để đầu tư cho những lĩnh vực nhiều rủi ro và không đo đếm cụ thể được hiệu quả như vậy”, VCCI nêu quan điểm.

VCCI: Không nên dùng ngân sách đầu tư sản xuất phim, vì rủi ro không kém đầu tư mạo hiểm

04/10/2019, 12:11

Điện ảnh là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro. Đầu tư cho sản xuất phim về phương diện nào đó không khác gì đầu tư mạo hiểm. Ngân sách Nhà nước không nên được sử dụng để đầu tư cho những lĩnh vực nhiều rủi ro và không đo đếm cụ thể được hiệu quả như vậy”, VCCI nêu quan điểm.

VCCI góp ý về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) - Ảnh minh họa

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Bãi bỏ việc cấp phép văn phòng đại diện

VCCI đề nghị tiếp tục bãi bỏ việc cấp phép văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam vì cho rằng điều này là không cần thiết.

Lý do là hiện nay, việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đã phải tiến hành thủ tục xin phép Sở Công Thương các địa phương theo quy định của Nghị định 07/2016/NĐ-CP. Do đó, việc yêu cầu các đơn vị này xin thêm Giấy phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là trùng lặp về thủ tục hành chính.

“Việc các hãng phim, doanh nghiệp phát hành phim nước ngoài đến Việt Nam mở văn phòng đại diện là điều cần được khuyến khích. Đây chính là cơ hội để người làm điện ảnh của Việt Nam có cơ hội để hợp tác, học hỏi từ điện ảnh thế giới, đồng thời cũng là cơ hội để phim Việt Nam được xuất khẩu ra thế giới”, VCCI nói.

“Luật Điện ảnh cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đó bằng cách tạo điều kiện, gỡ bỏ các hàng rào thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính này có thể khiến các hãng phim lớn trên thế giới lựa chọn hợp tác với các quốc gia khác thay vì hợp tác với nhà làm phim của Việt Nam. Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài”, VCCI nhấn mạnh.

Kiểm duyệt phim đang có nhiều bất cập

Cũng theo VCCI, cơ chế kiểm duyệt đối với phim hiện nay đang có 2 vấn đề bất cập. Thứ nhất, độc quyền về kiểm duyệt phim. Theo Luật Điện ảnh trước đây, việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim chỉ duy nhất do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định quốc gia tiến hành. Từ năm 2010 đã cho phép một số địa phương thẩm định và phổ biến phim, nhưng đây chỉ là sự phân cấp quản lý, chứ chưa phải là sự cạnh tranh, nhà làm phim vẫn chưa được lựa chọn đơn vị kiểm duyệt phim của mình.

Hơn nữa, về lâu dài, việc thẩm định phim qua hội đồng độc quyền rất tốn kém chi phí sẽ kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và cơ hội được xem phim của khán giả.

Nếu giả sử một hội đồng thẩm định làm việc 240 ngày mỗi năm, mỗi ngày thẩm định được 3 phim thì một năm chỉ có thể kiểm duyệt được tối đa 720 phim. Kể cả khi thành lập thêm các hội đồng ở Hà Nội và TP.HCM thì cũng chỉ lên đến 2.160 phim mỗi năm. Đây sẽ là những con số hạn chế khả năng sản xuất phim trong nước cũng như cơ hội tiếp cận các tác phẩm điện ảnh của thế giới.

Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo mạnh dạn đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim. Cụ thể, Luật Điện ảnh đặt ra các điều kiện (chủ yếu về nhân sự) để một đơn vị có thể thực hiện công tác kiểm duyệt phim. Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim.

Luật Điện ảnh giao cho Chính phủ hướng dẫn các tiêu chí để kiểm duyệt phim. Bộ VHTTDL tiến hành tập huấn cho người trực tiếp phụ trách công tác kiểm duyệt phim. Phim chỉ được phổ biến sau khi được một tổ chức được phép hoạt động kiểm duyệt phim chấp thuận. Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép.

Đặt hàng phim sử dụng ngân sách lãng phí, kém hiệu quả

VCCI cũng cho rằng, theo nhiều đánh giá thì việc đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước trong thời gian qua lãng phí mà chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Rất nhiều bộ phim do nhà nước đặt hàng không có hoặc có rất ít người xem. Mục tiêu của chính sách này là thực hiện việc tuyên truyền thông qua tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, nếu không có người xem thì mục đích tuyên truyền không đạt được.

“Điện ảnh vốn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, đầu tư cho sản xuất phim về phương diện nào đó không khác gì đầu tư mạo hiểm. Ngân sách Nhà nước không nên được sử dụng để đầu tư cho những lĩnh vực nhiều rủi ro và không đo đếm cụ thể được hiệu quả như vậy. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ các quy định về đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước”, VCCI nêu quan điểm.

Quỹ hỗ trợ điện ảnh hay tăng thuế VAT với sản xuất, phổ biến phim?

Đề cập đến quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, VCCI cho biết Dự thảo đề xuất việc thu tiền từ doanh thu chiếu phim, doanh thu của các doanh nghiệp phổ biến phim qua internet để tạo nguồn thu cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Những nghĩa vụ tài chính này không khác gì các khoản thuế mới đặt ra đối với ngành công nghiệp điện ảnh.

Theo VCCI, việc lấy doanh thu từ các phòng chiếu phim sẽ khiến các phòng chiếu buộc phải đẩy chi phí này vào giá bán vé cho người xem, kết quả là giá vé xem phim sẽ tăng. Nếu giả sử quỹ thu từ 1-3% doanh thu bán vé, với mỗi vé xem phim có giá từ 30.000 - 100.000 đồng thì tức là mỗi người đi xem phim sẽ phải chịu chi phí tăng thêm từ 300 đồng đến 3.000 đồng. Đối với người xem phim thì đây không khác gì việc tăng thuế VAT đối với toàn bộ việc sản xuất, phổ biến phim từ 10% lên 11- 13%.

Trong bối cảnh hoạt động điện ảnh được khuyến khích thì chính sách này lại làm tăng giá thành, tăng chi phí, tăng giá cả của loại hình dịch vụ này, đi ngược lại với chính sách chung.

Góp ý về tỷ lệ chiếu phim Việt Nam, VCCI cho rằng việc có quy định về tỷ lệ chiếu phim Việt Nam là cần thiết, nhằm tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong nước. Tuy nhiên, với xu hướng toàn cầu hoá hiện nay thì việc xác định quốc tịch cho một bộ phim sẽ không còn là việc đơn giản. Một bộ phim hoàn toàn có thể là sự hợp tác của nhiều nhà sản xuất đến từ nhiều nước trên thế giới.

Hơn nữa, nếu coi khái niệm “phim Việt Nam” là phim chỉ do nhà sản xuất của Việt Nam làm thì sẽ khiến nền điện ảnh của Việt Nam đóng kín so với thế giới. Trong khi thời điểm hiện nay, chúng ta đang rất cần các nhà sản xuất phim hợp tác với nước ngoài để cải thiện kỹ năng, công nghệ, trình độ quản lý.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định làm rõ khái niệm “phim Việt Nam được ưu tiên chiếu rạp” không chỉ gồm những bộ phim có nhà sản xuất phim là cá nhân, tổ chức Việt Nam, mà còn bao gồm cả những bộ phim hợp tác sản xuất trong đó phần vốn của phía Việt Nam từ 30% trở lên, hoặc những bộ phim có từ 30% thời lượng là cảnh quay ở Việt Nam, hoặc phim có từ 30% chi phí làm phim trả cho các cá nhân, tổ chức Việt Nam.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VCCI: Không nên dùng ngân sách đầu tư sản xuất phim, vì rủi ro không kém đầu tư mạo hiểm