Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest (VPI) giới thiệu sẽ triển khai Dự án căn hộ cao cấp Grandeur Palace - Đinh Tiên Hoàng tại số 129 Đinh Tiên Hoàng (nay là số 129 Lê Văn Duyệt), quận Bình Thạnh, TP.HCM vào cuối năm 2021. Nhưng cho đến nay, khu đất trên vẫn chưa có quyết định giao đất nào cho VPI được cơ quan chức năng công bố.

Văn Phú Invest quảng bá dự án cao cấp trên đất chưa được giao?

Sơn Lam | 16/01/2022, 17:44

Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest (VPI) giới thiệu sẽ triển khai Dự án căn hộ cao cấp Grandeur Palace - Đinh Tiên Hoàng tại số 129 Đinh Tiên Hoàng (nay là số 129 Lê Văn Duyệt), quận Bình Thạnh, TP.HCM vào cuối năm 2021. Nhưng cho đến nay, khu đất trên vẫn chưa có quyết định giao đất nào cho VPI được cơ quan chức năng công bố.

Theo thông tin từ website chính thức của VPI, dự án căn hộ cao cấp Grandeur Palace - Đinh Tiên Hoàng được xây dựng trên khu đất vàng hơn 7.200m2 với tổng mức đầu tư hơn 1.253 tỉ đồng. Đây là dự án được định vị hạng sang thuộc bộ sưu tập Grandeur Palace nổi tiếng của VPI.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện tại Sở Xây dựng TP.HCM chưa công bố cấp phép cho dự án nào có tên “Grandeur Palace - Đinh Tiên Hoàng” liên quan đến VPI. Còn khu đất hơn 7.200m2 số 129 Đinh Tiên Hoàng (nay là số 129 Lê Văn Duyệt), quận Bình Thạnh, TP.HCM mà VPI giới thiệu khởi công dự án vào cuối năm 2021 là khu đất có nguồn gốc công sản.

vp2.jpg
Khu đất vàng 7.200m2 tại 129 Lê Văn Duyệt

Kể từ thời điểm được đưa vào hợp đồng BT năm 2016 đến nay, khu đất công hơn 7.200m2 nêu trên chủ yếu để trống.

Ngày 25.11.2016, UBND TP.HCM và Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (là doanh nghiệp dự án đại diện cho liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phẩn HNS Việt Nam – Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú Invest - Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái thực hiện theo hình thức đối tác công tư) ký hợp đồng BT số 6827/HĐ-UBND dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1, quận Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức) theo hình thức BT với chiều dài 2,751km.

Đây là dự án thuộc vành đai 2 có tổng diện tích phải thực hiện giải phóng mặt bằng hơn 20ha. UBND quận Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức) chịu trách nhiệm tổ chức giải phóng mặt bằng, quản lý, sử dụng và quyết toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định.

Giá trị hợp đồng BT là 2.765 tỉ đồng bao gồm 944 tỉ đồng giá trị dự án BT và 1.821 tỉ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Hợp đồng này nêu rõ, thời điểm thanh toán hợp đồng BT là thời điểm UBND TP.HCM ban hành quyết định giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.

Các khu đất được sử dụng để thanh toán gồm: khu đất 234 Lý Tự Trọng (quận 1, rộng 643m2), khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh, 7.200m2), khu đất 582 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, 12.240m2), khu đất 132 Đào Duy Từ (quận 10, 10.618,5m2), khu đất 12 Kỳ Đồng (quận 3, 940m2) và khu đất 42 Trương Định (quận 3, 807m2).

vp3.jpg
Dự án vẫn là bãi đất trống

Dự kiến tuyến đường kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa dài 2,75km (TP.Thủ Đức) sẽ đưa vào sử dụng sau 24 tháng thi công. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua những công trường dự án vẫn chỉ là bãi đất ngổn ngang hàng trăm khối bê tông, sắt thép; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được hoàn tất.

Cụ thể, báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông gửi Sở GTVT TP.HCM vào tháng 12.2021 cho biết, TP.Thủ Đức mới chỉ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư với 75,74% diện tích. Nhà đầu tư cũng đã tạm ứng tiền phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho thành phố với số tiền hơn 960 tỉ đồng.

Dự án hiện vẫn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến kinh phí chi trả cho các hộ dân và đảm bảo tiến độ thu hồi mặt bằng. Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng chịu thiệt hại hơn 10 tỉ đồng mỗi tháng (tiền lãi ngân hàng) nếu dự án vẫn đình trệ như hiện nay.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, dự án dừng thi công khiến thời gian hoàn thành công trình kéo dài, phát sinh lãi vay trong quá trình thực hiện. Đơn vị đã kiến nghị UBND TP.HCM sớm chỉ đạo sở ngành giải quyết vướng mắc liên quan điều chỉnh dự án, thời gian thực hiện, thanh toán đất đối ứng... Điều này giúp tránh hệ luỵ phát sinh lãi vay, lãng phí ngân sách, ảnh hưởng môi trường đầu tư ở TP.HCM.

Ngoài ra, trong báo cáo số 5073 (ngày 7.12.2021) về việc: “Tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1, theo hình thức hợp đồng BT” của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM gửi UBND TP. HCM và các ban ngành, cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở TN-MT, Sở Tài chính sớm hoàn tất công tác thẩm định giá để tham mưu đề xuất UBND TP.HCM báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.

vp1.jpg
Báo cáo 5073 về tình hình thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1, theo hình thức hợp đồng BT.

Như vậy, tính đến thời điểm này, phía Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái vẫn chưa được UBND TP.HCM giao đất, trong đó có khu đất hơn 7.200m2 số 129 Đinh Tiên Hoàng (nay là số 129 Lê Văn Duyệt), quận Bình Thạnh. Theo đó, không rõ VPI căn cứ vào đâu để lập và công bố dự án chính thức trên trang web của doanh nghiệp này? Khi phóng viên liên hệ đến VPI, đại diện công ty đề nghị liên hệ đến Công ty Văn Phú Bắc Ái.

van-phu.jpg
Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest (VPI) quảng bá dự án khi chưa được giao đất

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết dự án căn hộ cao cấp Grandeur Place chưa được giao đất mà quảng bá là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, theo Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các quy định liên quan thì khi chủ đầu tư muốn bán, chuyển nhượng nhà thì phải được Sở Xây dựng có văn bản thông báo cho phép/xác nhận dự án đủ điều kiện bán… Để có được văn bản này thì ngoài giấy phép xây dựng, hồ sơ nghiệm thu, quyết định 1/500, quyết định thu hồi đất, quyết định cho bán, chuyển nhượng… thì dự án này còn phải được ngân hàng bảo lãnh.

Nhận định về việc quảng bá dự án của VPI trên website chính thức của công ty trên tờ Đại Đoàn Kết, luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc công ty Luật TNHH An Phước nhìn nhận đây là hành vi quảng cáo, rao bán khống. Theo Luật sư Biên, việc UBND TP.HCM chưa ban hành quyết định giao đất cho thuê đất thì Công ty Văn Phú – Bắc Ái chưa có quyền sử dụng đối với thửa đất đó.

“Việc VPI quảng bá dự án không có thật trên website chính thức của mình đã vi phạm luật quảng cáo và luật cạnh tranh. Trong trường hợp khách hàng đã nộp bất cứ khoản tiền cho chủ đầu tư dự án này thì VPI đã có dấu hiệu lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", ông Biên nói.

Được biết, trước khi được cập nhật trên trang web chính thức của VPI, dự án căn hộ cao cấp Grandeur Palace - Đinh Tiên Hoàng từng gây sốt giai đoạn năm 2017 - 2018 với tên Grandeur Palace Bình Thạnh, khi được một số sàn giao dịch bất động sản giới thiệu ra thị trường. Theo đó, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái và đơn vị thi công là Coteccons. Dự án có 20 tầng nổi và 4 tầng hầm với tổng diện tích sàn 57.200m2 gồm 515 căn hộ, 1 tầng đại siêu thị và 3 tầng để xe.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Văn Phú Invest quảng bá dự án cao cấp trên đất chưa được giao?