Những góc quay thiếu tế nhị, "zoom" cận cảnh hình thể nữ vận động viên; hay những phục trang thiếu sự che chắn, thiếu tính thực tế trong thi đấu... đang là chủ đề "nóng" của văn hóa thể thao.
Chấm dứt những góc quay "gợi tình hóa" nữ vận động viên
Những góc quay nhạy cảm đối với hình thể nữ vận động viên là vấn đề quen thuộc tại nhiều sự kiện thi đấu thể thao.
Ê-kíp chịu trách nhiệm ghi hình tại Thế vận hội Olympic Tokyo đã lên tiếng khẳng định rằng họ sẽ không "gợi tình hóa" các nữ vận động viên bằng những góc quay cận cảnh "zoom" vào hình thể.
Giữa bối cảnh nhận thức về bình đẳng giới ngày càng trở nên tiến bộ và được đẩy cao ở khắp các lĩnh vực trong đời sống, Thế vận hội Olympic Tokyo chính là nơi thể hiện rõ nhất những quan điểm mới của các nữ vận động viên trong việc tự bảo vệ chính họ. Hiện tại, các nữ vận động viên đã mạnh dạn yêu cầu được đối xử tôn trọng, công bằng một cách triệt để tại các sự kiện thể thao.
Mới đây nhất, Dịch vụ Truyền thông Olympic (Olympic Broadcasting Service) đã chính thức lên tiếng cam kết sẽ đưa lại những góc quay văn minh nhất, thể hiện sự tôn trọng đối với nữ vận động viên, không thực hiện các góc quay cận cảnh "zoom" vào hình thể nữ vận động viên.
Các góc quay cận kiểu này vốn khá phổ biến tại nhiều sự kiện thể thao, nhưng Thế vận hội Olympic Tokyo sẽ đánh dấu một bước tiến văn minh, tiến bộ hơn hẳn.
Dịch vụ Truyền thông Olympic là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp hình ảnh tại sự kiện Thế vận hội Olympic, họ sẽ cung cấp toàn bộ nội dung hình ảnh cho các đài truyền hình trên khắp thế giới.
CEO Yiannis Exarchos khẳng định rằng các góc quay tại sự kiện Olympic Tokyo lần này sẽ chỉ tập trung vào nội dung thi đấu thể thao, không có các góc quay chú trọng hình thể hay phục trang.
Ông Yiannis Exarchos chia sẻ: "Là những người chịu trách nhiệm ghi hình sự kiện, chúng tôi không đưa ra định hướng phục trang cho các vận động viên, điều chúng tôi có thể làm là đảm bảo việc ghi hình không nhấn vào phục trang hay hình thể của các vận động viên, dù phục trang ấy có thể đang nhấn vào các đường nét cơ thể, nhưng chúng tôi sẽ tránh những cách quay thiếu tôn trọng".
Trước đây, cách thức ghi hình tại một số sự kiện thể thao xoay quanh các nữ vận động viên thể dục dụng cụ hay bóng chuyền bãi biển... đã từng bị chỉ trích, vì có nhiều góc quay chú trọng vào hình thể nữ vận động viên.
Chấm dứt những quy định khắt khe thiếu thực tế về phục trang thi đấu
Bên lề Thế vận hội Olympic Tokyo đang diễn ra, sự việc đội tuyển bóng ném nữ Na Uy phải nhận án phạt từ Liên hiệp Bóng ném Châu Âu (European Handball Federation) rất thu hút sự quan tâm bình luận. Mức phạt tiền đưa ra là 1.500 euro, vì đội tuyển này trước đó đã mặc quần soóc khi thi đấu thay vì mặc bikini.
Cụ thể, đội tuyển bóng ném nữ Na Uy đã vướng phải lỗi "phục trang thi đấu không phù hợp" trong trận đấu tranh huy chương đồng với đội tuyển Tây Ban Nha trong khuôn khổ giải đấu tranh chức vô địch bóng ném Châu Âu (European Beach Handball Championships) tổ chức tại Bulgaria.
Trong khi giải đấu này có những quy định về phục trang và ban tổ chức đưa ra án phạt dựa trên quy định, nhưng truyền thông và công chúng quốc tế cho rằng đã đến lúc những quy định có dấu hiệu "gợi tình hóa" hình thể nữ vận động viên cần phải chấm dứt.
Theo đó, chính các nữ vận động viên phải được quyền lựa chọn phục trang thi đấu phù hợp nhất với họ, việc mặc quần soóc hay mặc quần bikini khi thi đấu đáng lẽ không nên bị xem là vấn đề lớn, để phải đưa ra án phạt như thế này.
Việc yêu cầu nữ vận động viên phải mặc bikini khi thi đấu khiến nhiều người cho rằng đó là một yêu cầu có tính chất "gợi tình hóa" hình thể nữ vận động viên, bởi quần bikini và quần soóc không đưa lại sự khác biệt lớn trong hiệu quả thi đấu, mà chỉ khác biệt về mức độ "che chắn" cơ thể.
Thực tế, việc mặc quần soóc còn có thể giúp các nữ vận động viên thoải mái, tự tin hơn. Trước những lùm xùm tranh luận, nữ ca sĩ người Mỹ - Pink đã thông qua tài khoản mạng xã hội tuyên bố rằng cô mong muốn được trả tiền phạt giúp đội bóng ném nữ Na Uy:
"Tôi rất tự hào về đội bóng ném nữ Na Uy vì đã dám thể hiện sự phản đối trước thái độ phân biệt giới tính trong những quy định về phục trang thi đấu. Liên hiệp Bóng ném Châu Âu nên xem xét lại. Tôi rất vui nếu có thể được giúp các bạn trả số tiền phạt này. Hãy tiếp tục mạnh mẽ như thế!".
Ngay sau đó, tài khoản mạng xã hội chính thức của đội tuyển bóng ném nữ Na Uy đã bày tỏ sự cảm ơn đối với nữ ca sĩ Pink: "Cảm ơn Pink rất nhiều vì đã thể hiện sự ủng hộ dành cho chúng tôi. Chúng tôi trân trọng tình cảm của tất cả mọi người".
Chủ tịch Liên hiệp Bóng chuyền Na Uy - ông Eirik Sordahl cũng đã lên tiếng trước án phạt đưa ra đối với đội tuyển bóng ném: "Chúng ta đang ở năm 2021, chuyện phục trang thi đấu như thế này đáng lẽ không nên bị xem là một vấn đề nữa".
Liên hiệp Bóng ném Na Uy cũng cho hay: "Chúng tôi rất tự hào về các cô gái của chúng tôi. Họ đã mạnh dạn lên tiếng và cho chúng ta biết về quan điểm của họ. Chúng tôi ủng hộ các cô gái của đội tuyển và sẽ nỗ lực để góp phần làm thay đổi các điều lệ không còn phù hợp tại các sự kiện thể thao quốc tế, để nữ vận động viên có thể thi đấu trong phục trang mà họ cảm thấy thoải mái nhất".
Phục trang thi đấu của nữ vận động viên đang là chủ đề "nóng"
Câu chuyện xoay quanh phục trang bikini đã là đề tài gây tranh cãi trong các môn thể thao thi đấu trên bãi biển những năm trở lại đây, nhiều nữ vận động viên đã lên tiếng cho biết cảm nhận của họ khi thi đấu trong phục trang bikini, rằng họ cảm thấy mình bị thiếu tôn trọng, bản thân thiếu tự tin và cơ thể thiếu thoải mái, theo đó, bikini không phù hợp trong điều kiện thi đấu thực tế.
Liên hiệp Bóng chuyền Quốc tế đã chính thức thay đổi quy định từ năm 2012 và các nữ vận động viên tranh tài ở bộ môn này tại Olympic có thể tự do lựa chọn bikini, đồ bơi liền thân, áo phông, quần soóc để sử dụng trong khi thi đấu.
Liên hiệp Bóng ném Na Uy cũng đã nỗ lực vận động Liên hiệp Bóng ném Quốc tế chính thức thay đổi quy định phục trang kể từ năm 2006 đến nay.
Thực tế, ở tại một số giải đấu và một số tổ chức thể thao, việc tôn trọng quyền tự do đưa ra quyết định của nữ vận động viên trong vấn đề phục trang thi đấu vẫn chưa được nhìn nhận nghiêm túc.
Ngay sau vụ việc liên quan tới đội bóng ném nữ Na Uy, đội thể dục dụng cụ nữ của Đức đã quyết định sẽ mặc các bộ "suit" che phủ toàn thân khi tham gia thi đấu tại Thế vận hội Olympic, thay vì mặc những bộ đồ liền thân hở chân.
Quyết định của các nữ vận động viên thể dục dụng cụ người Đức là để chống lại việc "gợi tình hóa" nữ vận động viên và cổ vũ cho quyền tự do lựa chọn phục trang thi đấu, thúc đẩy các nữ vận động viên khác tự tin mặc những phục trang khiến họ cảm thấy thoải mái.
Với quyết định này, các nữ vận động viên thể dục dụng của Đức không vi phạm bất cứ quy định nào của Thế vận hội Olympic.
Đại diện Liên đoàn Thể dục Dụng cụ Đức khẳng định rằng các vận động viên của họ đã thống nhất sẽ chống lại việc gợi tình hóa nữ vận động viên trong bộ môn thể dục dụng cụ, và sẽ thực hiện những nỗ lực quan trọng để ngăn chặn việc quấy rối tình dục trong lĩnh vực thể thao.
Trong một diễn biến khác hồi đầu năm nay, đội tuyển bóng chuyền bãi biển của Đức đã lên tiếng phản ứng và cho biết ý định không tham gia một giải đấu quốc tế tổ chức ở Qatar, bởi giải đấu này không cho phép các nữ vận động viên được mặc bikini khi thi đấu.
Nhìn chung, trong bối cảnh đời sống văn hóa hiện nay, việc tôn trọng nữ giới được thể hiện qua việc tôn trọng quyền tự do đưa ra lựa chọn của nữ giới, hạn chế những điều luật cấm đoán khắt khe không cần thiết.
Trong cuộc sống hiện tại, phụ nữ nói chung và các nữ vận động viên nói riêng muốn được tự do biểu đạt bản thân, họ có thể lựa chọn phong cách kín đáo, có thể lựa chọn phong cách gợi cảm, đó là quyền tự do lựa chọn của họ. Và lựa chọn nào cũng cần được đối xử tôn trọng, công bằng, không vướng phải những sự cấm đoán.