Văn học đồng tính đã từng một thời bị coi là đề tài cấm kị trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với những cuộc đấu tranh về quyền con người, đấu tranh về bình đẳng giới, sự thừa nhận của xã hội đối với cộng đồng LGBT, đó cũng là lúc dòng văn học dành cho người đồng tính bước từ bóng tối ra ánh sáng.

Văn chương đồng tính: Từ bóng tối ra ánh sáng

Một Thế Giới | 10/07/2015, 15:00

Văn học đồng tính đã từng một thời bị coi là đề tài cấm kị trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với những cuộc đấu tranh về quyền con người, đấu tranh về bình đẳng giới, sự thừa nhận của xã hội đối với cộng đồng LGBT, đó cũng là lúc dòng văn học dành cho người đồng tính bước từ bóng tối ra ánh sáng.

Nhìn lại hiện tượng đồng tính trong văn học
Dù thích hay không thích, ủng hộ hay phản đối, người ta cũng không thể phủ nhận một thực tế là xã hội từ xưa đến nay luôn có những con người đồng tính. Đồng thời với điều đó, việc những người đồng tính chịu sự kì thị nhất định cũng là một thực tế khác. Họ phải tự ẩn mình, giấu đi danh tính thực sự của mình để hòa chung vào cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, dấu ấn về sự hiện diện của người đồng tính vẫn thể hiện đâu đó qua những tác phẩm văn chương.
Van chuong, dong tinh
Hyacinth và thần Apollo - tác phẩm của Alexander Kiselev 
Khá nhiều huyền thoại trên thế giới đã từng đề cập đến chuyện đồng tính hoặc quan hệ của những người cùng giới. Đây được coi là những biểu hiện của hiện tượng đồng tính trong xã hội cổ đại. Thần thoại Hy Lạp đã từng đề cập đến nhân vật Thần gió Tây Zephyrus. Mặc dù đã có nhiều vợ và nhiều con nhưng Zephyrus vẫn say mê chàng hoàng tử Hyacinth người Spartan. Tuy nhiên, Hyacinth lại tôn thờ thần Apollo. Quá tức giận và ghen tuông, Zephyrus đã dùng đĩa ném vỡ đầu Hyacinth. Khi chết đi, máu của Hyacinth biến thành cây hoa dạ hương.
Trong tác phẩm Lịch sử có thật - True History của nhà văn người Hy Lạp Lucian (120-185) được coi là tác phẩm đầu tiên đề cập đến chuyện tình yêu của những người nam đồng tính. Cốt truyện kể về nhân vật chính, bị cơn bão cuốn lên mặt trăng và chứng kiến cuộc chiến tranh giữa cư dân mặt trăng và cư dân mặt trời. Nhân vật chính (nam giới) sau những chiến công trên chiến trường đã được vua mặt trăng chọn làm con rể bằng cách cho lấy… con trai của nhà vua.
Van chuong, dong tinh
Ma cà rồng Carmilla 
Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ Trung Cổ, đồng tính bị coi là chủ đề cấm kỵ nghiêm ngặt. Mãi sau này, hiện tượng đồng tính mới xuất hiện trở lại một cách dè dặt trong các tác phẩm văn học. Carmilla (tác giả Sheridan Le Fanu) là tác phẩm đề cập đến quan hệ đồng tính nữ đầu tiên, thể hiện ở hình tượng những cô gái bị biến thành ma cà rồng và có hành vi sex với người đồng giới. Trong khi đó, tiểu thuyết Bức tranh của Dorian Gray - The Picture of Dorian Gray của nhà văn danh tiếng Oscar Wilde đã khiến độc giả đương thời shock nặng với những cảnh quan hệ đồng tính dày đặc. Tiểu thuyết Tiếng trống khác - A Different Drum (tác giả Chris Davidson) cũng kể về tình yêu phát sinh giữa 2 chàng lính Yankee và lính Liên Bang ở 2 chiến tuyến trong cuộc nội chiến Mỹ.
Van chuong, dong tinh
 The Picture of Dorian Grey của Oscar Wilde
Van chuong, dong tinh
A Different Drum của Chris Davidson 
Những tác phẩm đồng tính có thể gây ra vô số rắc rối cho tác giả. Nhà văn Radclyffe Hall, người viết cuốn sách đồng tính nữ đầu tiên có tên Giếng cô đơn - The Well of Loneliness (1928). Sau đó, ông đã phải hầu tòa vì đã viết nên những hành động trái tự nhiên giữa nữ giới - unnatural practices between women. Cuốn sách bị cấm tại Anh hàng thập kỷ sau đó. Trong khi ở Mỹ, cuốn sách thoát khỏi kiểm duyệt, trở thành cuốn sách dẫn đầu cho làn sóng viết về đồng tính nữ sau này.
Cho đến giữa thế kỷ 20, đề tài đồng tính vẫn chỉ được đề cập đến một các khá dè dặt. Tuy nhiên, không ít tác giả cũng đã bắt đầu có những tác phẩm chất lượng về đề tài này. Tác phẩm Doanh trại Nữ - Women’s Barracks (Tereska Torres) lấy đề tài là một nhóm nữ binh sĩ có quan hệ trên mức tình cảm với nhau tại London trong Thế chiến II. Cuốn sách đã được bán ra hơn 4 triệu bản, trở thành cuốn sách bán chạy nhất năm 1952 tại Anh. Tuy nhận khá nhiều lời chỉ trích nhưng chất lượng cuốn sách đã khiến giới phê bình không thể phủ nhận giá trị của tác phẩm. Nhà phê bình Donna Allegra đã phát biểu: “Tại sao phải ngại ngùng khi đó là một phần hiện thực xã hội?”.
Van chuong, dong tinh
 Women’s Barracks của Tereska Torres
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của những hoạt động vì nhân quyền, người đồng tính dần được sự chấp nhận mạnh mẽ hơn từ xã hội và dư luận. Cùng với đó, văn học với đề tài đồng tính đã trở thành một trào lưu khá mạnh mẽ, đồng thời nó cũng gây ra không ít tranh cãi…
Sự bùng phát của đề tài đồng tính
Theo tác giả Kilian Meloy trong bài viết Ảnh hưởng của những nhân vật đồng tính trong Văn học - Influential Gay Characters in Literature thì: “Sự phát triển của đề tài đồng tính trong văn học nghệ thuật liên quan mật thiết đến những phong trào đấu tranh vì quyền con người, trong số đó có việc đấu tranh đòi bình đẳng cho người đồng tính. Những tác phẩm văn chương đồng tính trên một góc độ nào đó đã thu hút được sự chú ý của dư luận, tạo nên cái nhìn cảm thông hơn của xã hội với giới tính thứ ba”.
Nửa đầu của thế kỷ 20, rất ít NXB dám xuất bản những tiểu thuyết đồng tính. Chính vì thế, thể loại văn học đồng tính đã tìm các ẩn mình ở dòng văn học như văn học viễn tưởng. Nhà phê bình văn học Darko Suvin viết: “Văn học viễn tưởng có thể thoải mái chỉ ra những mối quan hệ đồng tính vì nó đề cập đến những thế giới khác với nơi ta đang sống, buộc người đọc phải theo luật chơi của tác giả”. Nhiều hình tượng đồng tính hoặc hàm ý đồng tính đã được xây dựng.
Van chuong, dong tinh
Dòng truyện tranh Yaoi của Nhật 
Quan hệ đồng tính manh nha xuất hiện trong một số truyện tranh của các công ty truyện tranh danh tiếng như Marvel Comics hay DC Comics. Thế giới truyện tranh Nhật thậm chí còn có dòng truyện tranh đồng tính nam - yaoi và truyện tranh đồng tính nữ - yuri. Nhà phê bình văn học Nicola Griffith nhận định: “Hình tượng những dị nhân phải che giấu thân phận của mình chính là nỗi niềm của những người đồng tính”. Tác phẩm truyện tranh Sự quyến rũ của Trinh nguyên - Seduction of the Innocent của Fredric Wertham được coi là khuyến khích quan hệ đồng giới. Nhân vật Sao phương bắc - Northstar thuộc nhóm anh hùng Alpha Flight là nhân vật siêu anh hùng đồng tính đầu tiên của hãng Marvel Comics. Hãng truyện tranh DC Comics cho nhân vật siêu anh hùng trong nhóm The Authority là Midnighter và Apollo cưới nhau, nhận 1 đứa bé gái làm con.
Chính vì sự phát triển của những mối quan hệ đồng tính xuất hiện trong một số truyện tranh, Bộ Văn hóa Mỹ đã phải cho ra đời Bộ Quy tắc Tài liệu dành cho Truyện tranh - Comics Code Authority (CCA) trong đó có giới hạn khá nghiêm ngặt đối với chủ đề đồng tính, ngăn cản việc hàm ý quan hệ đồng tính ẩn trong nội dung truyện. Tuy nhiên, bộ luật này chỉ áp dụng được với những tác phẩm được xuất bản qua con đường chính thống. Những truyện tranh không xuất xứ - underground comics sử dụng hình tượng của những người nổi tiếng, chính trị gia vào vai người đồng tính nhằm thu hút độc giả trong giới đồng tính. Điều này gây ra không ít phiền toái cho thể tài đồng tính trong văn học.
Van chuong, dong tinh
 Anne on My Mind của Nancy Garden
Tuy nhiên, với sự phát triển của các hoạt động đấu tranh vì con người, từ những năm 80 trở lại đây, văn học đồng tính đã nhận được sự thừa nhận như là một dòng văn học chủ lưu - mainstream, nghĩa là đây là một chủ đề có thể khai thác với sự cấm kỵ ngày càng giới hạn. Sự phát triển đó còn lan ra những ngành nghệ thuật khác như điện ảnh, kịch nghệ khiến sự chấp nhận của xã hội ngày càng lớn hơn. Tác phẩm Annie trong tâm trí tôi - Annie on My Mind (tác giả Nancy Garden) xuất bản năm 1982 kể về 2 cô gái trung học yêu nhau được chào đón nồng nhiệt. Năm 2000, Tập san Thư viện trường học - School Library Journal đã coi Annie trong tâm trí tôi nằm trong top 100 cuốn sách định hình văn học thế kỷ 20.
Sự phát triển của thể tài đồng tính trong văn học đã tạo thành những phân nhánh của chủ đề này như văn học lãng mạn đồng tính, văn học kinh dị đồng tính v.v... Tuy nhiên, những tác phẩm văn học đồng tính cũng chịu nhiều sự chỉ trích do không ít trong số này được xếp vào thể loại rẻ tiền, câu khách, rất gần với văn hóa phẩm khiêu dâm dành cho người đồng tính.
Đồng tính: Đề tài “nóng”?
Sự phát triển của văn học với đề tài đồng tính thu hút được sự chú ý của khá nhiều độc giả. Nhiều nhà văn từ đó cũng lấy đề tài đồng tính để sáng tác. GS.Stephanie Foote, Đại học Illinois phát biểu: “Những tác phẩm đồng giới có những giá trị nhất định bởi chúng có độc giả riêng. Chúng cũng giúp xã hội thay đổi nhân thức về người đồng tính. Đồng thời, nó cũng là thông điệp gửi đến những người đồng tính: các bạn không cô đơn!”.
Van chuong, dong tinh
Odd John của Olaf Stapledon 
Có thể kể đến tác phẩm John Kỳ lạ - Odd John (tác giả Olaf Stapledon) kể về một chàng trai là người đột biến, say mê một người đàn ông lớn tuổi hơn và người đàn ông kia cũng biết tình cảm của John nhưng không dám đáp lại vì những ràng buộc của xã hội đương thời. Tác phẩm này đã gây được tiếng vang, được nhiều tạp chí văn học “đứng đắn” giới thiệu. Truyện ngắn Thế giới biến mất - The World Well Lost (tác giả Sturgeon) mô tả hai người ngoài hành tinh đồng giới với tình yêu cuồng nhiệt dành cho nhau khiến mọi người trên trái đất vô cùng cảm động. Những mô tả về tình yêu tinh tế trong câu truyện khiến tạp chí Universe - tạp chí đăng tải truyện ngắn này - bình luận: “Đây là một truyện ngắn dũng cảm nhất - most daring story”. Truyện cũng được coi là một cột mốc của đề tài đồng tính trong văn học.
Năm 1964, cuốn sách Sa mạc trái tim - Desert of the Heart của Jane Rule và Bà Stevens nghe tiếng hát của những nàng tiên cá - Mrs. Stevens Hears the Mermaids Singing là 2 cuốn sách về đề tài đồng tính đầu tiên được giới xuất bản chính thống xuất bản ở dạng bìa cứng và thu được thành công lớn khi bán ra công chúng. Cùng với đó, việc Thượng viện Mỹ cho phép những tác phẩm khiêu dâm được phép xuất bản cũng là bước tiến để văn học đồng tính phát triển.
Van chuong, dong tinh
 The Female Man của Joanna Russ
Van chuong, dong tinh
Spring Fire của Marijane Meaker
Phong trào Làn sóng mới - New Wave lan rộng khắp nơi trên thế giới với tư tưởng phá cách về sáng tạo nghệ thuật trong những năm 1980 cũng giúp văn học với đề tài đồng tính được nhiều hơn các tạp chí ấn hành. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ nhiều nhà văn chuyên viết về đề tài này xuất hiện như Joanna Russ, Thomas M. Disch and Samuel R. Delany. Tác phẩm Nữ đàn ông - The Female Man (Joanna Russ) được độc giả đón nhận nồng nhiệt, đưa vị trí của Russ lên hàng “Bà hoàng của văn học đồng tính”. Lửa mùa xuân - Spring Fire (Marijane Meaker) kể về hai cô gái trung học yêu nhau cũng là một tác phẩm hết sức thành công với gần 2 triệu bản bán ra công chúng.
Không những viết về đề tài đồng tính, nhiều nhà văn cũng bắt đầu thừa nhận việc mình là người đồng tính. Samuel R. Delany là tác giả viết truyện về đề tài đồng tính, đồng thời cũng là một trong những tác giả đầu tiên thừa nhận mình là người đồng tính. Melissa Scott, một nhà văn đồng tính nữ đã phát biểu: “Tôi là người đồng tính. Tôi viết về đề tài đồng tính bởi nó phản ánh việc xã hội đối xử ra sao đối với những con người khác biệt với số đông”.
Khá nhiều giải thưởng được lập ra dành cho văn học đồng tính như Hội nghị Tiểu thuyết dành cho Thiên hà Đồng tính - Gaylaxicon science fiction convention với giải thưởng Gaylactic Spectrum Awards, Giải thưởng văn chương Lambda - Lambda Literary Awards, Giải Văn chương Xã hội Vương miện Vàng - Golden Crown Literary Society Awards… Một số tạp chí chuyên dành riêng cho người đồng tính như Guild Press, Greenleaf Classics… cũng được xuất bản. Những tác giả như Nicola Griffith, David Gerrold, Keith Hartman, Laurie J. Marks và Stephen Pagel đã thành danh nhờ đề tài đồng tính, được giải Thành tựu trọn đời - Lifetime Achievement và được vinh danh vào Ngôi nhà Danh tiếng - Hall of Fame của giải thưởng Gaylatic Spectrum Awards.
Văn học đồng tính tại Việt Nam
Tại Việt Nam, văn học đồng tính xuất hiện khá muộn so với thế giới. Thời kỳ trước, tác phẩm hiếm hoi ám chỉ đồng tính có lẽ là bài thơ Tình trai của Xuân Diệu. Tuy nhiên, trong khoảng mười lăm năm trở lại đây, đề tài đồng tính đã bắt đầu được khai thác một cách khá mạnh dạn. Nhiều tác giả đã chọn đề tài gai góc này để thử bút. Không ít người đã thành công và gây được những tiếng vang nhất định. Có thể kể ra ở đây những tác phẩm như Một thế giới không có đàn bà, Les - Vòng tay không đàn ông (Bùi Anh Tấn), Song song (Vũ Đình Giang), Nháp (Nguyễn Đình Tú), Thành phố không lạc loài (Phạm Thành Trung)…
Van chuong, dong tinh
Song Song của Vũ Đình Giang 
Việc đề tài đồng tính được các nhà văn khai thác thể hiện sự biến chuyển lớn. Thứ nhất, đồng tính đã được coi là một hiện tượng tự nhiên, một thực thể tồn tại trong xã hội. Một chức năng quan trọng của văn học là phản ánh cuộc sống, vậy nên đề tài đồng tính được đề cập đến trong tác phẩm văn chương âu cũng là điều hết sức bình thường. Thứ hai, không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của đề tài đồng tính của văn học Việt Nam phát triển cùng với sự mở rộng giao lưu với văn học thế giới ở thời điểm sự đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng cho giới tính thứ ba được phổ rộng ở cấp độ toàn cầu.
Nhưng việc chỉ xoáy vào chuyện đồng tính để mong sự “lạ” sẽ gánh đỡ chất lượng tác phẩm sẽ dẫn đến sai lầm. Xét cho cùng, tác phẩm về đồng tính cũng như tác phẩm về những đề tài khác, để có thể trở thành tác phẩm hay, cần phải có sự nỗ lực và tài năng của người viết. Đồng tính có thể là đề tài ăn khách nhưng sức mạnh trường tồn vẫn là nội dung, chất lượng của tác phẩm văn học.
Van chuong, dong tinh
 J. K. Rowling
Khi xã hội càng mở rộng hơn với người đồng tính thì những chi tiết đồng tính càng xuất hiện nhiều hơn trong văn học. Nhà văn Rowling cũng từng gây xao động dư luân khi tuyên bố nhân vật thầy hiệu trưởng Dumbledore đĩnh đạc và thông minh là một người đồng tính. Dĩ nhiên, đó cũng có thể chỉ là một chiêu câu khách của người sáng tạo ra Harry Potter. Điều này cũng khiến nhà phê bình Samuel Delany đã nhận định: “Chủ đề đồng tính trong văn chương phần nào thể hiện sự tự do hóa các đề tài, thu hẹp dần những khoảng đen cấm kỵ trong văn chương. Nhưng một phần nào đó, nó cũng đã trở thành một đề tài thời thượng, một thứ mốt của văn chương hiện đại”.
Hoàng Tùng (Theo SH)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Văn chương đồng tính: Từ bóng tối ra ánh sáng