Nhân chuyện tro cốt người quá cố ở chùa Kỳ Quang 2, tôi xin tổng hợp tóm tắt các hình thức an táng đã, đang tồn tại để mọi người tham khảo.

Vài suy nghĩ về các loại hình an táng nhân chuyện ở chùa Kỳ Quang 2

nguyễn văn lạng | 12/09/2020, 12:24

Nhân chuyện tro cốt người quá cố ở chùa Kỳ Quang 2, tôi xin tổng hợp tóm tắt các hình thức an táng đã, đang tồn tại để mọi người tham khảo.

Theo quan niệm của loài người từ ngàn đời nay, tất cả chúng sinh, trong đó có con người không thể không trải qua quy luật tự nhiên: SINH, LÃO, BỆNH, TỬ. Con người sinh ra khắp nơi trên hành tinh này đều quan tâm, chú trọng và rất chú ý tới sự sinh tồn và cả cái chết. Khi chết đi thân xác sẽ theo thời gian, theo quy luật, theo điều kiện khí hậu thời tiết và cả công nghệ mà tồn tại lâu hay ngắn. Nói chung là sẽ có ngày, có lúc xác - vật chất không còn thấy bằng cảm quan của người đang sống. Người ta hay nói câu: “sinh ra từ cát bụi lại trở về với cát bụi”. Chẳng thế mà nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn trong một ca khúc lừng danh đã viết: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi để một mai tôi trở thành cát bụi”đó sao?

Khi một người qua đời, thân xácsẽ được an táng, để tự phân huỷ hoặc được tác động của tự nhiên, nhân tạo mà tiêu tan. Người ta quan niệm và tổ chức an táng cho thân nhân từ ngàn đời nay với nhiều hình thức. Theo phong tục tôn giáo, dân tộc, tâm linh, tín ngưỡng khác nhau. Tôi xin tổng hợp tóm tắt các hình thức an táng đã, đang tồn tại để mọi người tham khảo.

1. Địa tánglà phương thức an táng phổ biến nhất của loài người. Người mất sau khi làm các thủ tục, nghi lễ theo tâm linh, tôn giáo sẽ được chôn trong lòng đất ở các nghĩa trang. Nhưng cũng có nhiều phong tục khác nhau. Trên thế giới hầu hết người ta chôn một lần theo phương châm “đào sâu chôn chặt". Ở Việt Nam và một vài nước có nền văn hoá phương đông thì có thì thêm tục lệ cải táng. Tức là sau trên 3 năm, sau lễ đại tường người ta bốc mộ gọi là sang cát, chuyển xương cốt vào tiểu sành, sứ, rồi đặt vào quan, quách lúc đó mới chôn sâu vĩnh viễn. Với các dân tộc Tây Nguyên và trên dãy Trường Sơn, họ chỉ chôn cất một lần theo phong tục chia của cho người chết và lễ bỏ mả. Xong lễ bỏ mả thì coi như không quan tâm nữa.

2. Thuỷ táng là phương thức an táng áp dụng rất lâu đời ở vùng sông nước, biển đảo. Xác người mất được khâm liệm, làm nghi lễ và thả xuống nước. Dòng sông Hằng hùng vĩ của Ấn Độ chính là nơi những người theo đạo Hindu thuỷ táng các thân nhân quá cố. Không ít những người thuỷ thủ, ngư dân khi mất được thuỷ táng theo phong tục của địa phương trên biển.

3. Hoả táng là phương thức an táng có rất lâu đời tại các vùng xung quanh dãy núi Hymalaya. Người chết được đưa lên dàn thiêu. Người ta dùng củi, gỗ, rồi sau này là gas, điện để thiêu xác. Thời hiện đại con người đã thiết kế xây dựng các lò thiêu mà ta hay gọi là “Đài hoá thân hoàn vũ”. Với công nghệ đưa nhiệt độ lò thiêu lên cao trên 1.000 độ C thì việc thiêu xác sẽ ít tạo ra dioxin gây độc hại, ô nhiễm môi trường. Còn thiêu củi than, gas thì không tốt cho môi trường. Tro cốt của người quá cố sẽ được đưa vào các hũ lọ sành sứ bền đẹp đặt trong các ngôi chùa, đền thờ, nhà thờ theo phong tục các tôn giáo. Cũng nhiều nơi, nhiều gia đình lại đem các hũ lọ tro cốt ấy đặt vào tiểu sành sứ, đưa vào quan, quách chôn thành nấm mộ trong các nghĩa trang địa táng. Hoặc đem rắc xuống sông, suối, biển, hồ…

4. Điểu táng là một phương thức an táng lâu đời ở những vùng thảo nguyên, sa mạc vùng du mục sống. Phương thức Điểu táng khá còn phổ biến ở Tây Tạng: người chết được đưa ra vùng đồng cỏ xa dân cư được nhóm người đặt xấp xác chết dùng dao cắt thịt cho đàn chim kền kềnăn hết. Những nơi khác thì xác người chết được đưa ra vùng xa xôi có nhiều loài chim ăn thịt sống kiếm ăn bằng xác chết. Các đàn chim ăn xác chết như cắt, diều hâu, đại bàng, kền kền... ăn thịt da, lục phủ ngũ tạng của người quá cố và để lại các bộ xương phơi trên nghĩa địa Điểu táng. Hiện nay chắc chắn phương thức này rất hiếm gặp trừ Tây Tạng.

5.Huyền táng là phương thức an táng rất hiếm gặp trong thời hiện đại của loài người. Nhưng những nghĩa trang Huyền táng vẫn còn ở trên thế giới như một điểm du lịch. Huyền táng tức là táng treo. Người ta cũng khâm liệm xác người quá cố cẩn thận, rồi đưa tới các vách đá cheo leo, các hang động sâu kín, có vách đá treo leo thẳng đứng treo cột các quan tài lên đó. Và tôi đã đọc thấy sách báo viết ở Tây bắc nước ta cũng còn một vài nghĩa trang Huyền táng.

6. Thiền táng là phương thức an táng vô cùng đặc biệt mà tới nay khoa học vẫn chưa có lời giải về căn cứ khoa học của phương thức này. Thiền táng chỉ có trong đạo phật. Tại Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc... Các nhà sư các tăng ni tu chính quả và đắc đạo, tới mức có phép thần thông và biết được ngày, giờ mình viên tịch, mà ngồi thiềnrồi sau 49 ngày, 100 ngày hoặc sau lễ tiểu tường, đại tường, thân xác nhà sư đã khô cứng vững trãi, cả tư thế ngồi thiền. Vì thế người ta còn gọi là tượng táng, tọa tánghay thiền táng.Nhiều các vị chư tăng ngồi thiền khi đã viên tịch như đang sống vậy. Ở nước ta hiện vẫn còn những vị hoà thượng như thế. Bạn hãy tới Chùa Đậu để được chiêm bái hai pho tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường, Vũ Khắc Minh hay tới chùa Phật Tích ở Bắc Ninh – nơi có nhục thân của thiền sư Chuyết Chuyết. Tại Bắc Ninh còn có nhục thân thứ 4 phát hiện trong tháp chùa đó là Thiền sư Như Ý. Nhiều chùa ở Việt Nam có nhiều tháp an táng các tăng ni, có lẽ sẽ còn nhiều nhục thân, hoá xá lợi như 4 pho tượng nhục thân của các thiền sư trên. Tại Trung Quốc Lục Tổ Huệ Năng (638 - 713), nhục thân của đại lão hoà thượng vẫn con nguyên tới ngày nay.

7. Ướp xác đặt trong lăng mộ cũng có thể xem là một phương thức an táng. Phương thức này rất ít, rất hiếm. Trong lịch sử các vua chúa, các bậc quyền quý của phương đông, Ai Cập, La Mã, Hy Lạp cũng lưu truyền, lưu giữ các xác ướp hàng ngàn năm nay. Các lãnh tụ của nhiều quốc gia cũng có các lăng để duy trìbảo dưỡng thi hài. Đó là công nghệ rất cao và tuyệt đối.

8. Hiến tạng trong mấy chục năm gần đây cũng có thể coi là một dạng an táng nhân đạo với điều kiện người quá cố và thân nhân của họ làm cam kết hiến toàn bộ thân xác cho nghiên cứu khoa họchay một phần để cứu bệnh nhân có khả năng sống.

Cá nhân tôi cho rằng nếu áp dụng phương thức hoả táng thì tốt về mọi phương diện. Nhưng các cơ quan chức năng như Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các địa phương phải nghiên cứu đề xuất ban hành quy định khoa học và tâm linh về phương thức Hoả táng. Thiển nghĩ của tôi là ủng hộ cao Hoả táng. Đưa cốt vào chùa có thời hạn: 49 ngày, 100 ngày, 1 năm, 3 năm... qua tiểu tường và đại tường theo quan niệm dân gian rồi đưa về các nghĩa trang an táng theo phương thức Địa Táng là phương thức tốt nhất cả về tâm linh, tôn giáo, truyền thống văn hoá và môi trường. Hoặc rải tro cốt xuống dòng sông quê hương, đất linh thiêng của quê cha đất tổ....

TS Nguyễn Văn Lạng (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vài suy nghĩ về các loại hình an táng nhân chuyện ở chùa Kỳ Quang 2